Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Sau 5 năm xây dựng XH học tập: Mới chỉ là bước đầu
Thứ tư: 11:41 ngày 23/02/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sau 5 năm (2005 – 2010) thực hiện chương trình xây dựng xã hội học tập, ngành Giáo dục Tây Ninh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy vậy, để thật sự có một xã hội học tập thì chặng đường trước mắt còn rất dài.

Sau 5 năm (2005 – 2010) thực hiện chương trình xây dựng xã hội học tập, ngành Giáo dục Tây Ninh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy vậy, để thật sự có một xã hội học tập thì chặng đường trước mắt còn rất dài.

Xoá mù chữ, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học

Một lớp học tại Trung tâm học tập cộng đồng xã Phước Vinh (Châu Thành)

Theo số liệu của Sở GD - ĐT, đến  năm 2010, toàn tỉnh có 95/95 xã phường, thị trấn vẫn duy trì được chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, hơn 99% trẻ 6 tuổi vào học lớp 1, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15- 35 tăng từ 97,9% (năm 2005) lên 98,6% (năm 2010). Việc xoá mù chữ và chống tái mù được quan tâm đặc biệt. Đối tượng tham gia các lớp xoá mù có người đã 40 tuổi.

Năm 2006, Tây Ninh là tỉnh thứ 36 của cả nước được Bộ GD- ĐT công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục bậc trung học cơ sở (cán đích trước thời hạn đề ra 2 năm). Ngành giáo dục tiếp tục thực hiện phổ cập giáo dục bậc trung học phổ thông. Từ năm 2005 đến nay, đã có khoảng hơn 6.000 người gồm học sinh, cán bộ địa phương theo học các lớp bổ túc và đã tốt nghiệp phổ thông.

Kể từ khi thực hiện chương trình xây dựng xã hội học tập đến nay, tỷ lệ học sinh bỏ học đã giảm đáng kể. Số học sinh phổ thông bỏ học tính ở thời điểm cuối năm 2010 đã được kéo giảm so với năm học 2005 - 2006 ở cả ba bậc học: tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Hiện nay, trung học phổ thông vẫn là bậc học có tỷ lệ học sinh bỏ học cao nhất: 4,2% (năm 2005 chiếm hơn 6%).

Chặng đường còn dài

Theo kế hoạch của Sở GD – ĐT, đến hết năm 2010, toàn tỉnh phải có 38 xã phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học phổ thông. Tuy nhiên, xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, cho đến nay chỉ có 15 xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục của bậc học này. Theo nhận định của ngành giáo dục, có 3 nguyên nhân chính khiến cho kế hoạch phổ cập giáo dục trung học phổ thông không đạt chỉ tiêu đề ra. Thứ nhất, đối tượng bỏ học trong độ tuổi thuộc diện huy động phổ cập giáo dục trung học phổ thông thường là lao động chính trong gia đình. Do hoàn cảnh kinh tế nên nhu cầu học tập chỉ là thứ yếu so với nhu cầu lao động để kiếm sống. Thứ hai, trong các tiêu chí công nhận phổ cập giáo dục trung học phổ thông của Bộ GD- ĐT có những chỉ số rất cao, đôi khi quá “lý tưởng”, trong khi thực tiễn cuộc sống biến đổi không ngừng. Thứ ba, hiện tại phần lớn các địa phương trong tỉnh đang chật vật giữ chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở nên chưa đủ sức để tiến hành phổ cập giáo dục bậc trung học phổ thông.

Phân luồng học sinh sau trung học cơ sở là một chủ trương đúng. Song, việc phân luồng chưa đạt được mục tiêu đề ra. Tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15-18 vào học các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề theo kế hoạch phải đạt 15%, nhưng nay chỉ đạt 3,9%. Điều này làm ảnh hưởng đến tái cơ cấu lao động, cơ cấu ngành nghề, phổ cập nghề nghiệp, phổ cập giáo dục trung học, công tác quy hoạch mạng lưới nghề nông thôn. Nguyên nhân trước tiên là do phần lớn học sinh sau khi học hết lớp 9 đều muốn tiếp tục học lên lớp 10 để sau này thi đại học. Mặt khác, chính sách dành cho các trường dạy nghề và học viên trường nghề còn bất cập, chưa hiệu quả. Khâu hướng nghiệp ở bậc học phổ thông cũng còn nhiều hạn chế.

 Một trong những vấn đề đáng lưu ý nhất là hiệu quả từ mô hình trung tâm học tập cộng đồng còn rất thấp. Từ khi mô hình này ra đời đến nay, rất nhiều trung tâm không hoạt động hoặc hoạt động cho có lệ! Số trung tâm hoạt động đích thực, phát huy tác dụng hiện không đáng là bao. Sở GD-ĐT nhận định: do năng lực và kinh nghiệm quản lý của người được giao phụ trách trung tâm còn hạn chế. Sự kết hợp của các đơn vị có liên quan như trung tâm giáo dục thường xuyên, phòng GD – ĐT chưa thật sự gắn kết với nhau. Theo số liệu của Sở GD- ĐT thì trong tổng số 95 trung tâm học tập cộng đồng của toàn tỉnh, hiện chỉ có 31 trung tâm hoạt động đạt kết quả trung bình trở lên.

Mô hình tổng quát của một xã hội học tập bao gồm:

Hệ thống giáo dục ban đầu với các ngành học từ nhà trẻ, mẫu giáo đến giáo dục phổ thông, giáo dục cao đẳng và đại học. Hệ thống này còn được gọi là hệ thống giáo dục chính quy trong nhà trường.

Hệ thống giáo dục ngoài xã hội gồm những trường lớp, những tổ chức học tập theo phương thức giáo dục không chính quy hoặc phi chính quy (cần gì học nấy).

Nền giáo dục trong xã hội học tập hướng vào việc xây dựng cho con người năng lực đón nhận, xử lý, sử dụng, truyền bá thông tin để xã hội tiến kịp sự phát triển của tri thức nhân loại. Do vậy, nền giáo dục phải tập trung vào sự phát triển con người trên cơ sở tự chủ của mỗi người, làm cho con người phát huy cao độ năng lực sáng tạo, năng động về mọi phương diện.

 Báo cáo của Uỷ ban quốc tế về phát triển giáo dục thế kỷ XX thuộc tổ chức UNESCO của Liên Hiệp Quốc nêu lên 4 trụ cột của giáo dục: Học để biết; Học để làm; Học để chung sống và Học để tồn tại.

(Theo Báo Dân Trí)

Đ.V.T

 

 

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục