Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Sau chuỗi căng thẳng ở Biển Đông, Trung Quốc đang mong chờ gì ở Philippines?
Thứ hai: 22:06 ngày 12/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Giới quan sát nhận định, Trung Quốc đang tìm cách hàn gắn quan hệ với Philippines ngay trước chuyến thăm của Tổng thống Rodrigo Duterte vào cuối tháng này sau những căng thẳng ở Biển Đông.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines bùng phát sau vụ việc hôm 9/6, một tàu Trung Quốc được cho đã tấn công tàu cá FB Gimver 1 của Philippines khiến tàu này bị chìm trên khu vực Biển Đông. Đáng nói, sau vụ tấn công, tàu Trung Quốc nhanh chóng rời khỏi hiện trường để mặc 22 ngư dân Philippines chơi vơi trên biển. Rất may, một tàu của Việt Nam hoạt động gần đó đã cứu toàn bộ ngư dân Philippines.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. (Ảnh: EPA-EFE)

Trong khi đó, ông Duterte trở thành "khách quen" của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi ông này giữ chức Tổng thống Philippines hồi năm 2016. Tuy nhiên, quan điểm mềm mỏng của ông Duterte đối với vấn đề Biển Đông đang khiến dư luận Philippines lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ.

Thậm chí, ông Duterte bị cáo buộc nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư lớn từ Trung Quốc mà phớt lờ thi hành phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế ở The Huage, Hà Lan hồi năm 2016 bác bỏ những tuyên bố chủ quyền phi lý mà Bắc Kinh gọi là “đường chín đoạn” ở Biển Đông.

“Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế có thể là công cụ chính trị phù hợp với ông Duterte, người đang ở giữa nhiệm kỳ 6 năm và hiện đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ những căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Kang Lin, Giám đốc Viện Quản lý và Phát triển khu vực tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.

Trong khi đó, Giám đốc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, ông Xu Liping cho rằng khả năng áp lực ngày càng lớn từ dư luận trong nước sau vụ việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines trên Biển Đông chính là lý do khiến Tổng thống Duterte “cấp tốc” thực hiện chuyến thăm tới Bắc Kinh. Bởi chuyến thăm gần nhất của ông Duterte tới Trung Quốc là hồi tháng Tư.

“Hai bên sẽ cố gắng tránh có thêm những hiểu lầm và tính toán sai lầm trong vấn đề Biển Đông, bởi ông Duterte đang đối mặt với sức ép chính trị ngày càng lớn. Ông Duterte sẽ không thể tự giải quyết vấn đề mà cần sự hợp tác chung của Trung Quốc nhằm ngăn chặn tư tưởng phản đối Trung Quốc không lớn mạnh thêm”, ông Xu cho biết.

Sau vụ việc tàu cá Philippines bị đâm chìm ở Biển Đông, phía Trung Quốc đã có nhiều tuyên bố nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nước. Cụ thể, đại sứ quán Trung Quốc ở Manila khẳng định tàu Trung Quốc đã cố gắng cứu ngư dân Philippines nhưng buộc phải bỏ chạy sau khi bị “7 – 8 tàu cá Philippines bao vây”.

Ông Richard Heydarian tại một viện nghiên cứu ở Manila thì cho rằng, chuyến thăm của ông Duterte có thể xem là nỗ lực của chính quyền Philippines về việc vẫn muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc.

Tuy nhiên, hôm 8/8, Tổng thống Duterte đã lên tiếng cáo buộc Bắc Kinh cố tình trì hoãn những nỗ lực đi tới ký kết Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Ông Duterte cho biết, ông sẽ đưa vấn đề Biển Đông ra thảo luận với nhà lãnh đạo Tập Cận Bình trong chuyến thăm tới Bắc Kinh sắp tới.

Tới ngày 9/8, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines là ông Zhao Jianhua khẳng định Bắc Kinh sẽ tiếp tục từ chối thi hành phán quyết hồi năm 2016 của Tòa trọng tài quốc tế.

“Quan điểm của chúng tôi đã rõ ràng ngày từ đầu. Chúng tôi nhấn mạnh rằng, chúng tôi sẽ không chấp nhận và không công nhận phán quyết. Quan điểm của chúng tôi hiện không thay đổi và sẽ không thay đổi”, đài ABS-CBN dẫn lời ông Zhao.

"Có một thứ mà tôi muốn đảm bảo với chính quyền và người dân Philippines, đó là chúng tôi quyết tâm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tất cả những bất đồng giữa hai nước. Chúng tôi không tìm kiếm xung đột, không tìm kiếm rắc rối. Điều này là hoàn toàn chắc chắn", ông Zhao nói thêm. 

Theo ông Zhao, bất chấp những căng thẳng liên quan tới việc tàu chiến Trung Quốc xuất hiện ở vùng biển Philippines, mối quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh vẫn rất khăng khít.

“Trung Quốc sẽ tiếp tục là người bạn tốt, hàng xóm tốt và họ hàng gần với người dân Philippines. Những bất đồng ở Biển Đông chỉ chiếm 1% trong mối quan hệ giữa hai nước”, ông Zhao cho hay.  

Giới quan sát Trung Quốc cho rằng, mối quan ngại lớn nhất của Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông chính là hành động của Mỹ và các quốc gia đồng minh. Đây là lý do Trung Quốc nhiều lần lên tiếng chỉ trích các nước bên ngoài can thiệp vào tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Về phần mình, bất chấp sự phản đối của chính quyền Bắc Kinh, Mỹ nhiều lần điều động tàu thuyền thực hiện sứ mệnh tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông.

Còn theo nhà nghiên cứu Heydarian, trong chuyến thăm tới Bắc Kinh sắp tới, Tổng thống Duterte sẽ tìm kiếm thêm cơ hội lôi kéo các khoản đầu tư từ Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh một số thỏa thuận giữa hai bên bị dư luận Philippines hoài nghi.

Cụ thể, khoản đầu tư từ Trung Quốc bị dư luận Philippines nghi ngờ có liên quan tới kế hoạch phát triển các cơ sở kinh tế và du lịch trên 3 hòn đảo. Hải quân Philippines cho rằng những dự án đầu tư này của Trung Quốc sẽ tạo ra rủi ro an ninh tiềm tàng.

Nguồn InfoNet

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục