Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Hỗn hợp rượu - cà phê vào cơ thể gây tình trạng "tỉnh giả", ảnh hưởng đến giấc ngủ và khiến bạn kiệt sức vào ngày hôm sau.
Sau khi uống vài chén trong bữa ăn, có thể bạn sẽ dùng cà phê với hy vọng tỉnh táo hơn. Thế nhưng theo Men's Health, đó hoàn toàn không phải là lựa chọn khôn ngoan.
Ảnh: Men's Health.
Tiến sĩ Robert Swift từ Đại học Brown (Mỹ) giải thích, cà phê chỉ "đánh lừa" cảm giác khiến bạn nghĩ mình không say dù thực sự đã quá chén. Nguyên nhân là khi bạn uống rượu, chất cồn gửi tín hiệu về não để tăng lượng dopamine, từ đó sản xuất một chất hóa học có tên AMP vòng. AMP vòng kích thích hoạt động não nên bạn sẽ vui vẻ hơn, nói nhiều hơn và tràn đầy năng lượng.
Để chắc chắn bộ não không "quá tải", cơ thể duy trì lượng AMP vòng ở mức nhất định nhờ các enzim đặc biệt. Đến khi ngừng uống rượu, chất cồn bắt đầu giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh kìm hãm quy trình xử lý của não bộ. Bạn dần cảm thấy mệt mỏi và phản ứng chậm chạp.
Nếu sau khi uống rượu bạn lại dùng cà phê, các enzim đặc biệt kiểm soát lượng AMP vòng sẽ bị khóa lại. Chất caffeine làm tăng hưng phấn và giảm tác dụng an thần của rượu nhưng không hạ bớt lượng cồn trong máu. Bạn say vẫn hoàn say.
Hỗn hợp cà phê - rượu còn ảnh hưởng đến giấc ngủ khiến bạn tỉnh dậy lúc nửa đêm và khó có thể ngủ lại. Kết quả là ngày hôm sau bạn thức giấc trong trạng thái kiệt sức vì cơn say tồi tệ. Cũng đừng quên rằng cả rượu lẫn cà phê đều dẫn đến mất nước.
Tốt nhất, một khi đã uống rượu bạn đừng nên động đến cà phê. Trong trường hợp bắt buộc, hãy dùng ít nhất có thể.
Nguồn Vnexpress