BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sau một phần tư thế kỷ sử dụng: Hồ Dầu Tiếng vẫn chưa có quy chế quản lý, bảo vệ (?!)

Cập nhật ngày: 10/12/2010 - 12:50

Vừa qua, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng- Phước Hoà có văn bản gửi Sở NN&PTNT Tây Ninh về việc quản lý, bảo vệ và khai thác thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng. Trong văn bản này, Công ty có nêu một nội dung đáng chú ý: cần có một quy chế riêng về “quản lý đảm bảo an toàn công trình, khai thác tổng hợp phục vụ phát triển đa mục tiêu trong phạm vi công trình và khu vực rừng phòng hộ”. Sở dĩ có yêu cầu này là do Công ty đang gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý, bảo vệ hồ nước, trong đó có việc quản lý và thực hiện kế hoạch trồng rừng trên “đất bán ngập”.

Việc neo đậu tàu thuyền ở đập phụ của ngư dân khiến cơ quan quản lý hồ nước lo ngại

Đất bán ngập chỉ quản lý “trên giấy tờ”

Năm 1998, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số 172/QĐ-CT ngày 20.6.1998, giao toàn bộ đất bán ngập hồ trong hồ Dầu Tiếng (4.560 ha) cho Tổng công ty Xây dựng nông nghiệp và Phát triển nông thôn (XDNN &PTNT), thuộc Bộ NN&PTNT, để trồng rừng bán ngập bảo vệ vành đai lòng hồ Dầu Tiếng. Do đơn vị này thực hiện dự án trồng rừng không hiệu quả, nên 7 năm sau UBND tỉnh đã thu hồi diện tích đất trên. Năm 2005, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh ký quyết định bàn giao cho Công ty Khai thác Thuỷ lợi Dầu Tiếng (sau này là Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng- Phước Hoà) phần lớn diện tích đất bán ngập (trừ 1.200 ha khu vực đảo Nhím) để Công ty “lập dự án quản lý, khai thác trồng rừng bán ngập bảo vệ vành đai hồ Dầu Tiếng”.

Theo Công ty Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng- Phước Hoà, UBND tỉnh Tây Ninh giao cho Công ty quản lý 3.460 ha đất bán ngập vùng hồ Dầu Tiếng (theo Quyết định số 376/QĐ-CT ngày 26.4.2005 của UBND tỉnh Tây Ninh). Tuy nhiên, diện tích đất thực tế mà Công ty “đang quản lý” là bao nhiêu thì… chưa xác định được. Bởi cho đến nay, sau khi ban hành quyết định giao đất cho Công ty, tỉnh chưa  tổ chức đo đạc, cắm mốc ranh giới trên thực địa. Đồng thời, cho đến nay, vùng đất bán ngập khu vực hồ nước thuộc địa phận hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước vẫn chưa được UBND hai tỉnh này bàn giao cho Công ty.

Do đó, từ nhiều năm nay, nhiều diện tích đất bán ngập trong hồ Dầu Tiếng thực tế chỉ được quản lý “trên giấy tờ”. Vào mùa khô, người dân quanh vùng “thoải mái” vào vùng đất bán ngập trong hồ “tranh thủ” trồng tỉa các loại cây ngắn ngày như mì, đậu, bắp… Việc người dân tận dụng đất “bỏ không” để tăng gia sản xuất có mặt ích lợi. Nhất là vài năm gần đây, giá củ mì liên tục tăng đã mang lại lợi nhuận đáng kể cho nhiều người. Thế nhưng, mặt tiêu cực xuất hiện từ việc canh tác đất bán ngập cũng không ít. Trước tiên là tình trạng “xí phần” đất, “tranh giành địa bàn”, “sang tay” nhau hoặc “cho thuê đất theo thời vụ” đã khiến cho tình trạng đất công trở thành đất “vô chủ”, hoặc có “nhiều chủ” với nhiều diễn biến khá phức tạp.

Quản lý nhưng “không được xử lý”

Công ty Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng- Phước Hoà cho rằng việc “tranh thủ” canh tác trên đất bán ngập của người dân đã gây tác động xấu đến môi trường nước trong hồ Dầu Tiếng. Cụ thể, trong quá trình sản xuất, người dân đã sử dụng các loại phân bón, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu… Sau khi sử dụng, nhiều chai, lọ, túi ni-lông chứa thuốc được vứt bừa bãi trong hồ. Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các loại rác (trong đó có rác độc hại từ vỏ chai, bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật) và các loại thân cây bỏ bừa bãi sau thu hoạch gây nguy cơ làm ô nhiễm nguồn nước. Trong khi đó, chính quyền địa phương và ngành chức năng chưa kiểm soát, xử lý, ngăn chặn được tình trạng trên để bảo vệ nước hồ.

Còn đối với việc trồng rừng theo mục đích đề ra ban đầu, Công ty cho biết: Trong thời gian chờ các cơ quan chức năng của tỉnh giao đất ngoài thực địa, Công ty đã có công văn đề nghị UBND các huyện, các xã ven hồ tạo điều kiện cho các đơn vị triển khai trồng thử nghiệm và giữ nguyên hiện trạng, chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng đã trồng của dự án trước đây để Công ty quản lý có hiệu quả đất bán ngập.

Theo Công ty Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng- Phước Hoà, hồ Dầu Tiếng hiện đang đối mặt với nhiều tác động tiêu cực cần được xử lý, ngăn chặn kịp thời: việc đánh bắt cá trái phép bằng ngư cụ cấm làm cạn kiệt nguồn thuỷ sản, trong đó có nhiều loài quý hiếm; việc tái xuất hiện tình trạng nuôi cá bè làm ô nhiễm nguồn nước; việc khai thác cát trái quy định tác động xấu đến công trình hồ nước; việc xả chất thải từ các nhà máy chế biến mủ cao su, bột mì và các trang trại chăn nuôi vào hồ hoặc vào các nhánh sông, nhánh suối trong lưu vực chảy vào hồ làm ô nhiễm nguồn nước; việc dùng cọc nhọn cắm vào đập phụ neo đậu thuyền đánh cá của ngư dân làm hư hỏng bờ đập bảo vệ hồ…

Tuy nhiên, Công ty Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng- Phước Hoà cho biết, trong quy định về chức năng nhiệm vụ của Công ty “không có chế tài xử phạt, xử lý các hành vi xâm hại công trình, gây ô nhiễm nguồn nước”. Đồng thời, do mặt hồ quá rộng, “trải” trên địa bàn 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương nên Công ty “kiểm soát không hết”.

Một bãi cát to đùng trong hồ Dầu Tiếng

Thiếu nước tưới do... rong!

Việc quản lý, vận hành hệ thống kênh thuộc hệ thống thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng của Công ty Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng- Phước Hoà cũng gặp khó khăn. Gần đây, nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, diện tích nuôi trồng thuỷ sản trong tỉnh tăng cao (năm 2009 tăng 40% so với năm 2008). Theo tính toán của các chuyên gia, 1 ha đất nuôi trồng thuỷ sản tiêu tốn nước gấp… 10 ha lúa. Trong khi đó, ý thức tiết kiệm trong việc sử dụng nước sao cho hợp lý, hiệu quả trong nhân dân chưa cao, việc lãng phí nước còn phổ biến. Ở nhiều địa phương, việc sử dụng nước tưới không tuân theo quy trình tưới, dù đã có nhiều cuộc họp bàn về vấn đề này giữa Công ty và các đơn vị, địa phương sử dụng nước.

Một vấn đề “nan giải” khác mà Công ty Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng- Phước Hoà đang “đau đầu” là trong thời gian gần đây, suốt chiều dài kênh chính Đông (Công ty quản lý đoạn nằm trên địa bàn Tây Ninh khoảng 34,6 km) và kênh chính Tây (39km) ngày càng xuất hiện nhiều rong. Rong mọc gần như kín lòng kênh, gây cản trở dòng chảy, làm giảm lưu lượng nước tưới cho các cánh đồng. Những năm trước, Công ty đã “dùng nhiều biện pháp xử lý rong nhưng không triệt để được”. Do vậy, Công ty phải xả nước ra kênh cao hơn mực nước thiết kế nhưng ở những cánh đồng khu vực cuối kênh vẫn thiếu nước tưới. Năm ngoái, nhiều đoạn kênh đã được nạo vét, mở rộng lòng kênh để kiên cố hoá. Tuy nhiên, chỉ sau 2 vụ tưới, rong lại phủ đầy lòng kênh.

Trước quá nhiều khó khăn, Công ty Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng- Phước Hoà kiến nghị các ngành, các cấp có thẩm quyền xem xét ban hành một một quy chế riêng về “quản lý đảm bảo an toàn công trình, khai thác tổng hợp phục vụ phát triển đa mục tiêu trong phạm vi công trình và khu vực rừng phòng hộ”. Trong đó quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và trình tự các thủ tục cấp phép cho các hoạt động, xây dựng trong phạm vi bảo vệ công trình hồ Dầu Tiếng và rừng phòng hộ giữa các đơn vị chủ quản, các bộ, chính quyền các địa phương và đơn vị quản lý công trình thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng.

BẢO TÂM