Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Những ngày đầu tháng 5, lãnh đạo UBND tỉnh đã có các chuyến thăm hỏi, trao bằng khen cho các DN tiêu biểu. Qua trao đổi với các DN cho thấy tình hình sản xuất- kinh doanh ở một số lĩnh vực trong tỉnh đang có dấu hiệu phục hồi.

Trong tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu, từ đầu năm 2009 đến nay Tây Ninh đã tích cực thực hiện các giải pháp về ngăn chặn suy giảm kinh tế, triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, kích cầu. Song song đó, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp (DN) đại diện các thành phần kinh tế tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ giúp cho các DN duy trì và phát triển sản xuất. Những ngày đầu tháng 5, lãnh đạo UBND tỉnh đã có các chuyến thăm hỏi, trao bằng khen cho các DN tiêu biểu. Qua trao đổi với các DN cho thấy tình hình sản xuất- kinh doanh ở một số lĩnh vực trong tỉnh đang có dấu hiệu phục hồi.
![]() |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Hùng Việt (trái) thăm hỏi các doanh nghiệp |
Tây Ninh là tỉnh nông nghiệp nên lĩnh vực chế biến nông sản có vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế tỉnh nhà. Ông Nhâm Ngọc Thanh- Giám đốc DN tư nhân Thanh Minh Khánh- chuyên thu mua, chế biến nông sản ở phường 2, thị xã Tây Ninh cho biết, từ đầu năm 2009 đến nay DN đã gặp nhiều khó khăn do thị trường xuất khẩu bị hạn chế, giá cả bị giảm sút. Thế nhưng, để giữ những đối tác làm ăn- cả đầu vào lẫn đầu ra, đồng thời tạo công ăn việc làm cho công nhân, DN vẫn tiếp tục duy trì sản xuất. Trong mấy tháng qua, có lúc DN phải chịu lỗ để duy trì sản xuất. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, qua những nỗ lực “đồng hành” của Nhà nước, chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng… nên DN đã có phần giảm bớt khó khăn. Hiện nay, có tín hiệu lạc quan cho thấy tình hình sản xuất- kinh doanh có thể sớm được phục hồi và phát triển. Cụ thể là các đối tác làm ăn đã tăng cường mối quan hệ với DN, đặt hàng nhiều hơn trước. Theo đà này, khả năng trong quý II DNTN Thanh Minh Khánh có thể huề vốn và những tháng cuối năm sẽ có lãi trở lại.
Trên lĩnh vực sản xuất và chế biến cao su, ông Lâm Chí Dũng- Giám đốc Công ty TNHH Hoà Hiệp Hưng ở xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên cho biết, những tháng cuối năm 2008 tình hình sản xuất- kinh doanh mủ cao su hết sức khó khăn do giá cả giảm sút nghiêm trọng- có lúc giá mủ nguyên liệu xuống chỉ còn 12 triệu đồng/tấn. Từ đầu năm 2009 đến nay tình hình xuất khẩu mủ cao su tiếp tục gặp khó khăn do đầu ra ở thị trường Trung Quốc bị hạn chế. Điều này đã ảnh hưởng nặng nề đến Công ty- cả nguyên liệu và sản phẩm chế biến do Công ty vừa có vườn cao su sản xuất nguyên liệu và vừa chế biến mủ cao su xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện tại đã có tín hiệu lạc quan cho lĩnh vực sản xuất và chế biến mủ cao su, trước hết là giá cả nguyên liệu đã tương đối ổn định ở mức có thể hoạt động được- khoảng 24 triệu đồng/tấn. Do đó, Công ty dự kiến sản lượng chế biến cả năm 2009 có thể tăng lên khoảng 5.000 tấn- nhiều hơn năm trước khoảng 1.000 tấn. Cùng nhận định như thế, ông Nguyễn Tiến Thành- Giám đốc Công ty TNHH Tiến Thành ở xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên- có tổng công suất chế biến cao su lên đến hơn 10.000 tấn/năm cho biết sản lượng chế biến năm 2009 cũng sẽ tăng hơn năm 2008 khoảng 10%, tuy nhiên doanh thu thì có thể thấp hơn do những tháng đầu năm 2008 giá mủ cao su tăng đột biến.
![]() |
Giá mủ cao su đã có nhích lên |
Lĩnh vực chế biến tinh bột khoai mì cũng gặp nhiều khó khăn do giá cả giảm mạnh, nhưng cũng đã có tín hiệu cho thấy trong thời gian tới có thể khả quan hơn. Ông Sầm Tấn Phát- Giám đốc Công ty TNHH Hồng Phát chuyên chế biến tinh bột khoai mì với công suất 80 tấn bột/ngày ở xã An Cơ, huyện Châu Thành cho biết, năm 2008 tình hình sản xuất- kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn do giá tinh bột giảm mạnh trong khi lãi suất ngân hàng thì lại tăng cao. Tuy nhiên, mấy tháng gần đây giá cả tinh bột khoai mì đã có tăng trở lại, thị trường xuất khẩu khá ổn định. Song song đó là lãi suất ngân hàng giảm thấp, đồng thời Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ lãi suất nên các doanh nghiệp chế biến khoai mì có “dễ thở” hơn. Minh chứng cho đánh giá của ông Sầm Tấn Phát là những đống khoai mì nguyên liệu to đùng, cùng sự hoạt động không ngừng của nhà máy- không chỉ ở Công ty TNHH Hồng Phát mà còn ở hầu hết các cơ sở chế biến khoai mì khác nữa. Ông Nguyễn Văn Tốt- Giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình ở xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên cho biết, đầu ra xuất khẩu tinh bột khoai mì không khó khăn lắm nếu như chất lượng sản phẩm đảm bảo. Thị trường tiêu thụ tinh bột khoai mì trong nước cũng thoáng hơn.
Qua tiếp cận nhiều doanh nghiệp đang hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau cho thấy từ những tháng gần đây tình hình sản xuất- kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn- thậm chí có không ít doanh nghiệp phải chịu lỗ. Tuy nhiên trong thời gian tới tình hình khó khăn sẽ giảm bớt, một số lĩnh vực đã có dấu hiệu phục hồi. Trong thời gian qua, sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo tỉnh, cùng sự nỗ lực của các cấp, các ngành đã tạo thêm động lực giúp các doanh nghiệp yên tâm duy trì và phát triển sản xuất- kinh doanh. Chuyến đến trực tiếp từng DN tiêu biểu để thăm hỏi và tặng bằng khen vừa rồi của lãnh đạo UBND tỉnh là minh chứng cụ thể. Nhiều doanh nghiệp hứa sẽ nỗ lực hơn nữa trong hoạt động sản xuất- kinh doanh, đồng thời chấp hành tốt nhất những quy định của pháp luật- nhất là nghĩa vụ thuế.
![]() |
Khoai mì vẫn tiếp tục đổ về nhà máy chế biến. |
SƠN TRẦN