BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sau “sự cố” bị cắt nước: Làng nghề nuôi cá ấp Lộc Tân chưa biết sẽ tồn tại ra sao?!

Cập nhật ngày: 06/07/2009 - 10:57

Công nhân của ông Diệp cho cá ăn tăng tốc cho kịp thu hoạch trước ngày ngưng lấy nước 15.7

Báo Tây Ninh số ra ngày 13.6.2009 có đăng bài “Làng nghề nuôi cá ấp Lộc Tân, xã Lộc Ninh (huyện DMC): Bị cắt ống dây dẫn nước kênh Đông, nguy cơ thiệt hại hàng chục tỷ đồng”. Hơn nửa tháng sau, đầu tháng 7.2009, chúng tôi trở lại thăm làng nghề nuôi trồng thuỷ sản này thì thấy người nuôi cá đã được Công ty TNHH một thành viên Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng cho lấy nước từ kênh Đông để nuôi cá trở lại. Tuy nhiên, một vài hộ đã bắt đầu hoang mang, chán nản vì sợ tiếp tục nuôi sẽ bị lỗ.

Sau sự cố cá chết và được lấy nước trở lại, dư luận làng nghề nuôi cá đã lắng dịu chứ không xôn xao như hơn hai tuần trước. Các ao nuôi cá đã được phép lấy nước trở lại, nhưng một số cá trong ao vẫn còn biểu hiện nổi đầu lên mặt nước để hớp không khí. Anh Phạm Anh Hùng, 40 tuổi, người nuôi cá rô phi đơn tính hướng dẫn chúng tôi ra bờ kênh Đông và chỉ cho thấy nơi anh vừa đặt xong một ống nước dẫn vào ao. Anh cho biết: “Chúng tôi mới đặt lại ống nước này vào ngày 16.6, còn hai ống nước nữa không còn đặt lại được do đã bị lực lượng liên ngành băm nát và dùng xà beng chọc thủng nhiều nơi. Chỉ có một ống nước chảy vào nên nước hơi yếu, vì vậy một số cá bố mẹ vẫn tiếp tục nổi đầu lên mặt nước để hớp không khí. Trong mấy ngày bị chặt ống dây dẫn nước vừa qua, các ao của anh Hùng bị chết mấy trăm ký cá giống, thiệt hại mấy chục triệu đồng. Đến nay, cá vẫn còn bị chết lác đác, ngày nào cũng phải vớt lên. Khi chúng tôi hỏi về dự định sắp tới đây của anh, nhất là trong thời gian cắt nước kênh Đông để nâng cấp công trình (từ ngày 15.7 đến đầu tháng 12.2009 – NV) và những năm sau, anh Hùng trầm ngâm nói: “Tôi dự định sẽ khoan hai cái giếng để bơm nước cho cá và bơm nước qua lại giữa các ao với nhau để tạo dòng chảy cho cá. Trong quá trình bê tông hoá kênh Đông, chúng tôi sẽ xin đặt một cống bê tông để tiếp tục lấy nước nuôi cá, chứ đã mua đất ở đây và đã đào thành ao hồ rồi nếu không nuôi cá thì biết làm gì?”.

Bị thiệt hại nặng nhất là hộ nuôi cá của ông Trần Văn Diệp, 62 tuổi. Khi chúng tôi đến ông vẫn còn u sầu gương mặt thiểu não. Ông Diệp nhẩm tính: “Trong mấy ngày bị cắt nước, cá của tôi bị chết hơn 10 tấn. Cá chết đến nỗi phải thuê cả chục người vớt vẫn không kịp, phải thuê hai chiếc xe máy cày chở cá đi cho những người trồng cao su làm phân bón. Ước tính đợt này tôi bị lỗ khoảng 200 triệu đồng”. Hiện nay ông Diệp đã đặt lại được 21/38 ống nước đã bị chặt trong 8 ao cá của mình. Nhưng nước vẫn còn yếu nên ông phải đặt thêm hai máy bơm để lấy nước phụ. Được biết thời hạn cho lấy nước lại chỉ kéo dài đến ngày 15.7.2009 nên ông Diệp phải đối phó bằng cách tăng tốc cho cá ăn lên 3 lần mỗi ngày để tranh thủ cho kịp thời gian thu hoạch trước ngày ngưng lấy nước. Ông cho biết: “Sau khi thu hoạch xong, tôi sẽ tạm nghỉ nuôi và chờ xin đặt cống lấy nước rồi mới tính tiếp. Vì sau khi bê tông hoá kênh Đông, nếu không cho đặt cống lấy nước thì không làm sao có nước để nuôi cá được”.

Còn ông Phan Văn Sơn, chuyên nuôi các loại cá trê, lóc, rô phi để bán con giống ra thị trường thì đã nản chí thật sự. Chúng tôi đến thăm, thấy ông đang chẻ tre… đóng chuồng gà. Dừng tay tạm nghỉ công việc, ông lắc đầu cho biết: “Sắp tới tôi phải giải nghệ nghề nuôi cá để chuyển sang nghề nuôi gà, vịt. Hiện tại tôi đã có một số gà, vịt giống và sẽ ấp nở để lấy con nuôi. Tôi dự định sẽ đóng những dãy chuồng dọc theo bờ ao để chúng thải phân xuống nước. Trong ao, tôi nuôi một ít cá trê phi, cá sặc cho chúng ăn phân gà vịt. Bây giờ không dám nuôi cá như trước đây nữa. Nếu cứ gặp tình hình nước cắt như thế này thì sẽ dễ bị lỗ như chơi”.

TRƯƠNG DƯƠNG