BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sau thời điểm bắt đầu lệnh cấm hút thuốc lá nơi công cộng: Dân chưa thấm

Cập nhật ngày: 04/01/2010 - 05:21

Theo quyết định của Chính phủ, kể từ ngày 1.1.2010, nghiêm cấm việc hút thuốc lá ở các nơi công cộng như: trường học, bệnh viện, công viên, sân bay, bến cảng, ga tàu… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc chấp hành lệnh cấm này là không hề đơn giản, càng không phải ngày một ngày hai có thể trở thành hiện thực. Chiều ngày 2.1.2010, một ngày sau khi lệnh cấm hút thuốc chính thức có hiệu lực, phóng viên Báo Tây Ninh đã đến một số nơi công cộng để ghi nhận tình hình.

* Như chưa hề có lệnh cấm

Những hình ảnh thế này hiện vẫn còn phổ biến.

Tại bến xe thị xã Tây Ninh, chúng tôi thấy nhiều người trong đó có nam cả phụ nữ vẫn thản nhiên phì phèo khói thuốc trong lúc chờ xe chuyển bánh. Một bác chạy xe ôm đang ngồi đợi khách, chân tréo cẳng ngỗng, liên tục rít thuốc. Lân la làm quen, ông cho biết, ông đã biết hút thuốc từ năm 15 tuổi, thuốc lá đã “ăn sâu vào máu” theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, giờ bỏ rất khó! Nhưng mới đây, Chính phủ đã có lệnh cấm hút thuốc ở nơi công cộng, bác có biết không- chúng tôi hỏi. Ông trả lời tỉnh rụi: “Biết chứ sao không! Tui đang cầm tờ báo có thông tin về chuyện cấm hút thuốc nè. Nhưng trong lúc chờ khách, không hút thuốc thì biết làm gì? Chú em đâu có thông cảm được cho tụi này, những lúc trời nắng ấm thì không sao, còn vào mùa mưa, hay những lúc trời lạnh, không có điếu thuốc chịu sao nổi. Sáng ra làm ly cà phê đen mà không rít vài khói thì… lãng phí và nhạt miệng lắm”. Rồi ông nói thêm: lệnh cấm của Chính phủ là đúng đắn và cần thiết. Chính ông cũng nghiêm cấm mấy đứa con của mình không được hút thuốc như cha nữa kia. Nhưng bản thân ông thì vẫn hút! Bình quân mỗi ngày chạy xe ôm, ông kiếm được khoảng năm sáu chục ngàn đồng, có bữa hên thì hơn. Trong đó, riêng tiền thuốc đã đứt mười ngàn, tương đương gần 1,5 kg gạo, đủ sức cho bốn miệng ăn trong một ngày.

Rời bến xe, chúng tôi đến Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh để xem tình hình có gì khác hơn không. Ở hành lang cạnh khoa Nhi nối với khoa Nội B có mấy chiếc ghế đá dành cho thân nhân người bệnh. Tại đây, nhiều ông vẫn vô tư đốt thuốc như thường! Có người vừa đi vừa hút, đến lúc bước lên cầu thang thì ném phần thừa của điếu thuốc còn lại xuống nền nhà rồi lấy chân dập tắt! Tiếp xúc với họ mới thấy, nhiều người có vẻ muốn “gắn bó” cả phần đời còn lại với khói thuốc!

Chị M, năm nay 57 tuổi, nhà ở xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu lên nuôi con gái đang sinh nở trong bệnh viện. Chị cho biết bản thân mình hút thuốc lá từ năm lên 7 tuổi! Tại sao lại hút sớm như thế? Chị M nói rằng, ngày ấy chị còn nhỏ, ba bị bệnh nặng, gia đình neo người nên chị phải chăm ba cả năm trời trên giường bệnh. Thức khuya, thần kinh căng thẳng, chị liền “thử một lần xem sao”, thế là ngay “cái buổi ban đầu” ấy, chị đã bị hấp dẫn bởi khói thuốc và “dính” luôn với nó cho đến nay. Chị cho biết, hiện mỗi ngày ở nhà, chị hút hết một gói Era. Mấy ngày lên chăm con cháu, vì ở bệnh viện không thể ăn trầu nên chị càng rít thuốc nhiều hơn, mỗi ngày đi đứt gần hai gói thuốc. Chị nói cũng có nghe ti vi thông tin về lệnh cấm hút thuốc, nên chị không dám hút trong phòng bệnh của cháu mà… ra hành lang để hút! Trò chuyện với tôi chỉ có 10 phút, chị đốt liền 3 điếu thuốc với dáng vẻ rất… sành điệu! Chị cũng vui vẻ kể rằng, hồi chị mới yêu, cả chị và “chàng” đều hút thuốc nên mỗi khi hôn nhau là… kinh khủng lắm, nhưng vì yêu nên cứ nhắm mắt nhắm mũi… Cách nay 8 năm, hai vợ chồng chị quyết tâm bỏ thuốc lá, cuối cùng ông bỏ được, còn bà thì thất bại.

Dọc hành lang Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh hôm ấy, chúng tôi thấy có rất nhiều tàn thuốc lá. Lệnh cấm hút thuốc nơi công cộng như trong bệnh viện thực ra đã có từ lâu. Chị Lê Thị Trúc Vân, nhân viên Phòng Hành chính tổng hợp của khoa Ngoại B nói, nhân viên bệnh viện đã nhắc nhở rất nhiều lần nhưng nhiều người vẫn chưa chịu chấp hành nghiêm chỉnh. Có người hút ngoài hành lang, có người hút trong nhà vệ sinh. Sáng ngày 2.1, chị Vân phát hiện một cái hộp quẹt và một gói thuốc đặt cạnh bình ô xy, sau đó mới biết là của một phụ nữ bỏ quên!

“Không chỉ gây ảnh hưởng sức khoẻ cho mọi người, hút thuốc trong bệnh viện còn có thể gây cháy nổ, vì ở đây có rất nhiều hệ thống bình cung cấp oxy trợ thở cho bệnh nhân” – chị Vân nói.

* Cấm thế nào?

Nếu so sánh, có thể nói rằng, lệnh cấm hút thuốc khó được thực thi một cách nghiêm chỉnh như quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm hoặc cấm uống rượu trong giờ làm việc ở nơi công sở. Vì hình thái biểu hiện của ba dạng thức này khác nhau hoàn toàn. Khó nhất là khâu giám sát. Người hút thuốc rất dễ xoá “bằng chứng vi phạm”! Khi bị phát hiện, họ chỉ cần nhanh tay ném điếu thuốc đi nơi khác là xong. 

Ảnh chụp lúc 16 giờ 30 phút ngày 2.1.2010 tại hành lang khoa Nhi nối liền khoa Nội B, Bệnh viện ĐKTN

Có vô số lý do để người ta hút thuốc: hút thử cho biết, hút để chứng minh đẳng cấp, để giảm căng thẳng thần kinh, thậm chí để giảm béo phì. Lý do gì thì hút thuốc vẫn chỉ gây hại cho con người. Cấm là đúng nhưng cấm thế nào cho có tác dụng mới là điều cần tính toán kỹ ? Trong chương trình thời sự tối 2.1.2010, VTV1 có bình luận và bày tỏ sự hoài nghi về tác dụng của lệnh cấm hút thuốc lá lần này. Ban hành lệnh cấm không hề khó. Biện pháp để thực thi lệnh cấm ấy mới khó. Vấn đề thực tế mà các cấp, ngành chức năng cần quan tâm và tìm ra giải pháp để chấn chỉnh, khắc phục là hiện tại, đa số người dân vẫn chưa thấm- nếu không muốn nói còn rất “vô tư” với lệnh cấm hút thuốc lá ở những nơi công cộng.

VIỆT ĐÔNG