Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Sẽ có Cục Phòng vệ thương mại
Thứ ba: 08:35 ngày 31/01/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bộ Công thương đã có kế hoạch thành lập mới Cục Phòng vệ thương mại là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phòng vệ thương mại.

Thép là một trong những mặt hàng Việt Nam đã áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước. Ảnh: Phan Thu.

Trong quá trình thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập với nền kinh tế thế giới, với việc các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam có lợi thế so sánh về giá nhân công rẻ, điều kiện tự nhiên ưu đãi đã góp phần tạo ra khả năng cạnh tranh cao cho những một số sản phẩm xuất khẩu trên thị trường quốc tế, Việt Nam đã và đang là mục tiêu của nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, đặc biệt là các vụ kiện chống bán phá giá của nhiều nước trên thế giới.

Theo số liệu chưa đầy đủ của Bộ Công Thương, tính đến ngày 31-10-2016, tổng số vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ nhằm vào hàng hóa xuất khẩu Việt Nam là 104 vụ, trung bình gần 6 vụ/năm, trong đó có 66 vụ điều tra chống bán phá giá, chiếm 63% tổng số các vụ kiện.

Ngoài các cuộc điều tra chống bán phá giá, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam đang có xu hướng trở thành mục tiêu của các cuộc điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá do bị coi là nơi chuyển tải của các hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế.

Đây là một hình thức các nước nhập khẩu áp dụng nhằm tránh việc “chuyển tải” hàng hóa từ một nước sang nước khác nhằm thay đổi xuất xứ để tránh bị áp thuế chống bán phá giá.

Bên cạnh đó, thực hiện các cam kết theo hiệp định thương mại, chúng ta đã loại bỏ hàng rào phi quan thuế, giảm thuế nhập khẩu. Điều này đặt các doanh nghiệp, ngành hàng Việt Nam trước sự cạnh tranh khốc liệt của các hàng hoá nhập khẩu, trong đó có cả sự cạnh tranh không lành mạnh.

Một trong những công cụ đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp sản xuất trong nước trước áp lực cạnh tranh của hàng hoá nhập khẩu là sử dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.

Tính đến nay, Việt Nam đã tiến hành 9 cuộc điều tra áp dụng biện pháp tự về, chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam theo yêu cầu từ ngành sản xuất trong nước. Đặc biệt, số vụ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ có xu hướng tăng lên (riêng giai đoạn 2015-2016, Bộ Công Thương đã tiến hành 6 vụ điều tra chống bán phá giá và tự vệ).

“Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiến hành xây dựng Luật Quản lý ngoại thương, trong đó đưa toàn bộ các quy định về chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ của 3 Pháp lệnh nói trên vào thành 1 chương trong Dự thảo Luật. Dự kiến Luật Quản lý ngoại thương sẽ được trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới”, ông Trần Tuấn Anh thông tin.

Trên thực tế, pháp luật về chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ là một trong những phần phức tạp nhất trong hệ thống pháp luật thương mại quốc tế. Một số vấn đề như chuẩn bị các mẫu câu hỏi, điều tra, thẩm tra tại chỗ, xây dựng phương pháp tính giá, sử dụng thông tin có sẵn, xem xét lại theo thủ tục hành chính... đã làm cho việc điều tra và xử lý một vụ kiện trở lên phức tạp và mất nhiều thời gian.

Hầu hết các nước trên thế giới như Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản… đều thành lập một cơ quan quản lý riêng biệt về chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Cơ quan này thường trực thuộc các Bộ Thương mại, Kinh tế hoặc Công Thương.

“Để đáp ứng xu thế hội nhập và ứng phó với những diễn biến khó lường của thương mại quốc tế và khu vực, việc thành lập một cơ quan chuyên trách về lĩnh vực phòng vệ thương mại trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Chính vì lý do đó, Bộ Công Thương đã có kế hoạch thành lập mới Cục Phòng vệ thương mại là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phòng vệ thương mại, góp phần triển khai hiệu quả các quy định pháp luật về phòng vệ thương mại của Việt Nam để bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập.

Vị Bộ trưởng cho hay, Cục Phòng vệ thương mại sẽ có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về chống bán phá giá, chống trợ cấp và áp dụng các biện pháp tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam; tổ chức điều tra việc nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam để đề xuất áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, cơ quan này cũng chủ trì hoặc phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội/ngành hàng trong việc đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; là đầu mối, phối hợp với các bộ, ngành giải quyết các tranh chấp tại WTO liên quan đến của biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.

Nguồn Báo Hải quan

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục