Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Sẽ có “thuốc đặc trị” tình trạng “sốt đất ảo”
Thứ tư: 00:18 ngày 11/05/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Như Báo Tây Ninh từng phản ánh, Hội đồng nhân dân tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh có “liều thuốc đặc trị” để hạn chế tình trạng sốt đất ảo trong thời gian qua.

Hệ luỵ là người dân nghèo lỡ mua đất nông nghiệp để cất nhà đành phải “dở khóc, dở cười” vì tin theo lời cò đất bày vẽ.

THAY ĐỔI QUYẾT ĐỊNH 28/2020/QĐ-UBND NGÀY 27.7.2020 CỦA UBND TỈNH

Về việc tách thửa đất, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh khẩn trương rà soát và đánh giá kết quả triển khai thực hiện Quyết định 28/2020/QĐ-UBND ngày 27.7.2020 của UBND tỉnh quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Tây Ninh trong thời gian qua.

Trong đó xác định rõ những vấn đề còn bất cập; đồng thời cập nhật quy định của Nghị định 148/2020/NĐ-CP ngày 18.12.2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Từ đó, khẩn trương ban hành quyết định thay thế theo thẩm quyền được giao, bảo đảm phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, khắc phục những bất cập, hạn chế để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về tách thửa, đồng thời tạo điều kiện để người dân thực hiện các quyền sử dụng đất đúng theo quy định pháp luật.

Về quản lý trật tự xây dựng, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát tại địa bàn cơ sở để kịp thời phát hiện và xử lý, chấn chỉnh những hành vi vi phạm; kiên quyết không để lợi dụng việc tách thửa, phân lô, hình thành mới những khu dân cư tự phát, xây dựng không đúng quy định, không đúng quy hoạch, không đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, gây áp lực quản lý nhà nước, không tạo tiền lệ, hợp thức hoá các sai phạm.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực thi công vụ, nhiệm vụ quản lý của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, xác định rõ và xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm dẫn đến trong lĩnh vực đất đai và xây dựng.

Đây là những vấn đề được Thường trực HĐND tỉnh quan tâm. Bởi lẽ quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa với từng loại đất là một yếu tố khá quan trọng trong quản lý đất đai. Do đó, việc Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh khẩn trương rà soát, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Quyết định 28/2020/QĐ-UBND ngày 27.7.2020 để có quyết định thay thế phù hợp, nhằm chấm dứt tình trạng đất nông nghiệp bị “xẻ thịt” hiện nay mà theo dư luận là do đầu nậu thu gom để tạo ra cơn sốt đất ảo.

CẦN MẠNH TAY XỬ LÝ CÁC TRƯỜNG HỢP SAI PHẠM

Qua tìm hiểu thực tế, giới đầu nậu mua đất nông nghiệp để “xẻ thịt” không chỉ có người trong tỉnh mà còn có người dân các tỉnh, thành lân cận. Dư luận thắc mắc, dân ngoài tỉnh mua đất nông nghiệp, sau đó cứ theo quy định tại Quyết định 28/2020/QĐ-UBND của UBND tỉnh để tách thành nhiều thửa chỉ có diện tích 1.000m2 để làm gì? Bởi nếu làm vườn hay trang trại phải cần diện tích đất lớn, với diện tích 1.000m2 đất nông nghiệp thì trồng cây gì mang lại hiệu quả kinh tế? Bấy nhiêu đó cũng đã nói lên mục đích của các đầu nậu khi mua đất nông nghiệp.

Có ý kiến cho rằng, việc tách thửa, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất là quyền của người dân được pháp luật quy định nên không thể cấm người dân thực hiện quyền của mình. Tuy nhiên, nếu quản lý chặt về các điều kiện nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhất là đối với đất trồng lúa; quản lý chặt chẽ quy hoạch, xem xét cân nhắc việc điều chỉnh quy hoạch đối với những diện tích trước đó quy hoạch là đất nông nghiệp sang đất ở. Chắc rằng đây sẽ là liều thuốc “đặc trị” đối với tình trạng “phân lô, bán nền” đất nông nghiệp mà giới đầu nậu đang lợi dụng để tung hoành trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Theo Luật Đất đai hiện hành, quy định các điều kiện để nhận chuyển nhượng đất lúa rất chặt chẽ. Vì thế đối với việc tách thửa, chuyển nhượng đất trồng lúa, cơ quan quản lý đất đai cần quản lý chặt chẽ điều kiện của bên nhận chuyển nhượng, nhất là đối với người ngoài tỉnh. Song song đó, việc điều chỉnh quy hoạch, các huyện, thị xã, thành phố cần xem xét các yếu tố liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch từ quy hoạch đất nông nghiệp sang đất ở, nhất là đối với khu vực nông thôn.

Một yếu tố không kém quan trọng để giảm nhiệt tình trạng “sốt đất ảo” là cần nâng cao trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở trong công tác quản lý trật tự xây dựng; việc tổ chức, cá nhân tự ý nâng cấp, làm đường hiện trạng mà chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt…

Hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, thị trường đất đai trong tỉnh sẽ trở về đúng giá trị thực tế, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

T.P

Tin cùng chuyên mục