Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Dự án cầu An Hoà (Trảng Bàng):
Sẽ không còn cảnh qua sông phải luỵ… phà
Thứ hai: 06:01 ngày 17/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng ngành giao thông tỉnh cho biết, hiện dự án cầu An Hoà đang triển khai khảo sát, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công - dự toán. Dự kiến, dự án sẽ được triển khai công tác đấu thầu vào quý I.2019 và khởi công vào giữa quý II.2019.

Hình ảnh người dân đứng đợi phà sẽ không còn khi cầu An Hoà xây dựng xong (ảnh chụp tại bến phà An Hoà).

DỰ KIẾN KHỞI CÔNG GIỮA QUÝ II.2019

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng ngành giao thông tỉnh, dự án cầu An Hoà được xây dựng với mục tiêu tạo điều kiện đi lại, vận chuyển hàng hoá khu vực 3 xã cánh Tây huyện Trảng Bàng và huyện Đức Huệ, tỉnh Long An với trung tâm huyện Trảng Bàng và thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, dự án cầu có thiết kế điểm đầu giao với đường quy hoạch đường C4 thuộc Khu công nghiệp Thành Thành Công, xã An Hoà và điểm cuối giao với đường An Thạnh - Trà Cao tại km7+100. Chiều dài cầu là 445,5m (tính đến mép sau tường mố); chiều dài đường dẫn hai đầu cầu là 5.737,49m. Quy mô công trình, cầu An Hoà có phần cầu đạt quy mô cầu cấp II bằng bê tông cốt thép vĩnh cửu tải trọng HL-93 và phần đường đạt cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 60km/h.

Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng ngành giao thông tỉnh cho biết, hiện dự án cầu An Hoà đang triển khai khảo sát, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công - dự toán. Dự kiến, dự án sẽ được triển khai công tác đấu thầu vào quý I.2019 và khởi công vào giữa quý II.2019..

Ba xã cánh Tây huyện Trảng Bàng gồm Bình Thạnh, Phước Lưu và Phước Chỉ nằm ở vị trí khá đặc biệt. Người dân nơi đây muốn đến trung tâm huyện phải đi phà Lái Mai vượt sông Vàm Cỏ Đông sang xã An Hoà hoặc chạy vòng qua hai huyện Bến Cầu, Gò Dầu

QUA SÔNG PHẢI LUỴ… PHÀ

Ông Nguyễn Chí Côn- Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Thạnh cho biết, do không có cầu bắc ngang sông Vàm Cỏ Đông, nối liền 3 xã cánh Tây với xã An Hoà nên nông dân xã này chịu rất nhiều thiệt thòi. Do phà Lái Mai không thể chở xe tải nên nhiều nông dân ở 3 xã cánh Tây muốn vận chuyển vật tư, máy móc nông nghiệp, nông sản thu hoạch… về bên xã An Hoà hoặc trung tâm huyện thuê ghe vận chuyển, nên chi phí tăng rất nhiều so với những nơi khác.

 Chị Hồng- một người dân ở xã Phước Lưu cho biết, thời gian qua, chị và rất nhiều người ở 3 xã cánh Tây sang làm công nhân ở các khu công nghiệp Thành Thành Công, Trảng Bàng, Linh Trung III. Vì thế, cứ mỗi sáng, hàng trăm công nhân phải tranh thủ dậy sớm đón phà cho kịp giờ làm. Nếu có một cây cầu, những công nhân như chị không phải tốn thời gian đợi phà, tốn chi phí hằng ngày mà còn thuận tiện hơn trong việc đi lại mỗi khi có công việc ở huyện, nhất là đi khám bệnh hay liên hệ các loại giấy tờ.

Bởi ngoài những giờ cao điểm trong ngày như buổi sáng, buổi chiều khi công nhân đi làm về, 2 chuyến phà Lái Mai liên tục quay đầu để đưa đón người sang sông. Thời gian còn lại trong ngày, phà không chạy liên tục như giờ cao điểm, nên có khi khách đông đứng đợi phà phải chờ gần 30 phút mới có phà sang sông.

Theo chị Hồng, những ai đã từng phải đứng đợi phà qua sông khi có công việc gấp như có người nhà bị bệnh… sẽ hiểu được cảm giác bất lực như thế nào, vội mấy đi nữa cũng không thể làm gì khác do phải phụ thuộc vào những chuyến phà. Vì vậy, khi được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cầu, không chỉ riêng chị Hồng mà tất cả những người dân sống tại 3 xã cánh Tây đều vui mừng.

Một cán bộ UBND xã Bình Thạnh chia sẻ, chính vì phà Lái Mai không chạy liên tục vào thời gian không cao điểm trong ngày nên những lúc có công tác, họp hội ở huyện, nếu quay về xã Bình Thạnh vào giờ trưa, vị này chọn đi đường bộ theo quốc lộ 22, đường An Thạnh - Trà Cao, dù quãng đường dài hơn 10km.

CẦU AN HOÀ- ĐÒN BẨY PHÁT TRIỂN

Chủ tịch UBND xã Phước Chỉ cho biết, chính quyền và người dân địa phương luôn mong mỏi Nhà nước xem xét đầu tư một cây cầu nối liền 3 xã cánh Tây với trung tâm huyện Trảng Bàng để góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Được biết, dự án cầu An Hoà đã được phê duyệt và chuẩn bị đầu tư trong thời gian tới - chỉ cần nghe thông tin đó, chính quyền và người dân 3 xã cánh Tây vô cùng phấn khởi, vì trong tương lai, người dân nơi đây không còn cảnh qua sông phải luỵ… phà.

Theo bà Trần Thị Thuý Loan- Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh, dự án cầu An Hoà sẽ góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của xã Bình Thạnh nói riêng, 3 xã cánh Tây nói chung. Khi có cầu, kết nối giao thông giữa 3 xã cánh Tây và huyện Trảng Bàng, nhất là việc vận chuyển hàng hoá của người dân, rồi việc đi lại học hành của con em địa phương sẽ nhiều thuận lợi hơn.

Cả Chủ tịch UBND xã Phước Chỉ và xã Bình Thạnh đều mong muốn trong thời gian tới, con đường An Thạnh - Trà Cao sớm được nâng cấp, vì nhiều năm qua xuống cấp hư hỏng nặng, ảnh hưởng đến việc đi lại, vận chuyển hàng hoá của người dân theo hướng quốc lộ 22B.

Theo Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Trảng Bàng, dự án xây dựng cầu An Hoà bắc qua sông Vàm Cỏ Đông, kết nối giao thông từ Thị trấn đến các xã biên giới của huyện có chiều dài khoảng 10km, đã được phê duyệt và sẽ triển khai vào năm 2019. Dự án này đối với địa phương có ý nghĩa rất quan trọng.

Cầu An Hoà đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương được ổn định và phát triển nhiều mặt so với trước đây, đặc biệt, sẽ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh về thương mại, dịch vụ trên địa bàn, vì 3 xã cánh Tây sẽ tiếp giáp với Khu công nghiệp Thành Thành Công, kết nối qua đường giao thông trung tâm này.

Có cầu An Hoà, công tác thu hút và mở rộng các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn cũng sẽ được đẩy mạnh, nhất là ngành khai thác, chế biến sản phẩm nông nghiệp phù hợp với lợi thế, đặc điểm vùng của địa phương; qua đó giải quyết, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương, cũng như góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân 3 xã cánh Tây huyện Trảng Bàng.

THIÊN TÂM

Tin cùng chuyên mục