Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đại hội đảng
Sẽ là dấu ấn của du lịch Tây Ninh
2017-08-14 05:35:01

Loại hình homestay tác động sâu sắc đến đời sống xã hội như: tăng cường giáo dục ý thức về bảo vệ môi trường, bảo tồn các di tích văn hoá, lịch sử của người dân bản địa; tạo ra sự giao lưu văn hoá, phong tục tập quán giữa các dân tộc ở các quốc gia khác nhau; tăng cường các mối quan hệ trong cộng đồng người dân; sự gắn bó của chính quyền địa phương và người dân bản xứ; giáo dục ý thức về phong cách ứng xử trong cộng đồng.

Chinh phục đỉnh núi Bà Đen. Ảnh: Ngọc Diêu

PHẢI TẠO ẤN TƯỢNG TỐT VỚI DU KHÁCH

Tỉnh ta vốn có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch, với nguồn tài nguyên đa dạng như danh thắng núi Bà Đen, Toà thánh Cao Đài, quần thể di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, đa dạng sinh học ở vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, lòng hồ Dầu Tiếng…

Tây Ninh còn có hệ thống làng nghề truyền thống phong phú, đa dạng nổi tiếng trong cả nước như bánh tráng phơi sương, bánh canh Trảng Bàng, muối ớt, nghề mộc, chằm nón lá, se nhang, hàng thủ công mỹ nghệ mây, tre…

Đặc biệt, Tây Ninh là tỉnh biên giới, có đến 2 cửa khẩu quốc tế, hàng chục cửa khẩu quốc gia với hoạt động biên mậu lâu đời, rất sôi động. Trong giai đoạn hiện nay, cộng đồng các nước ASEAN đã khởi động lộ trình mậu dịch tự do, qua hệ thống giao thông thuận lợi như đường Xuyên Á, quốc lộ 22 và các đường liên tỉnh được mở rộng, đường thuỷ có hệ thống sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn,  Tây Ninh có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái. 

Với tiềm năng và lợi thế như vậy, việc phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là hoàn toàn khả thi. Do vậy, để thúc đẩy ngành du lịch Tây Ninh phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, vừa qua, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo về phát triển du lịch nhằm tìm ra những giải pháp đột phá, góp phần đưa du lịch Tây Ninh trở thành ngành kinh tế quan trọng theo Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020), chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GRDP của tỉnh.

Công ty cổ phần du lịch - thương mại Tây Ninh (Công ty du lịch) cũng đã xác định mục tiêu phát triển công ty từ nay đến năm 2020, định hướng phát triển đến năm 2030. Trong đó, giai đoạn từ nay đến năm 2020, công ty tập trung đầu tư phát triển kinh doanh dịch vụ du lịch tại khu trung tâm văn hoá - lễ hội - tâm linh núi Bà Đen theo quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Giai đoạn đầu, công ty sẽ tập trung đầu tư các dự án lớn như: dự án nâng cấp hệ thống cáp treo, máng trượt cũ theo công nghệ châu Âu, nâng cấp hệ thống nhà ga bảo đảm phục vụ tốt du khách; dự án nhà hàng thuỷ tạ 400 chỗ ngồi, nhà hàng chay - mặn 500 chỗ ngồi phục vụ nhu cầu ăn uống cho khách du lịch và khách VIP; đầu tư mới đội xe điện vận chuyển khách ngoài khu du lịch...

Song song đó, tiến hành xây dựng tour, tuyến kết nối các điểm du lịch và các khu vực nội tỉnh để thu hút khách, với các sản phẩm du lịch; lễ hội và tâm linh; tìm hiểu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và các công trình văn hoá trên địa bàn; sinh thái; làng nghề, ẩm thực Tây Ninh; vui chơi giải trí, khám phá...

Làm đầu mối liên doanh, liên kết, hợp tác với các công ty du lịch, lữ hành các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các công ty du lịch, lữ hành đầu ngành (Saigontourist, Vietravel, Hanoitourist...) để tổ chức đưa đón khách; liên kết đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch và xúc tiến du lịch...

Để bảo đảm nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển của du lịch trong thời gian tới, công ty đã lên kế hoạch tuyển dụng, đào tạo thêm nhân sự phục vụ khối nhà hàng; đào tạo thuyết minh viên theo hướng chuyên nghiệp.

HOMESTAY LÀ SẢN PHẨM DU LỊCH MANG TÍNH ĐẶC THÙ

Ông Trần Anh Minh- Tổng Giám đốc Công ty Du lịch cho biết, chủ trương của thành phố Tây Ninh và huyện Hoà Thành là phát triển mô hình homestay kết hợp du lịch sinh thái trong thời gian tới, do vậy, góc độ doanh nghiệp làm du lịch, Công ty du lịch sẽ cùng với các đơn vị kinh doanh dịch vụ trên địa bàn Thành phố và huyện Hoà Thành phát triển sản phẩm du lịch homestay kết hợp sinh thái, đặc biệt là vùng Thành phố và Hoà Thành có trung tâm tôn giáo đạo Cao Đài, góp phần tạo nét riêng cho ngành du lịch tỉnh nhà và sớm trở thành sản phẩm mang tính đặc thù của du lịch Tây Ninh trong thời gian tới.

Theo ông Minh, loại hình du lịch này có thể bị hạn chế về một số dịch vụ nhưng bù lại, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều điều mà ở khách sạn, resort sẽ không bao giờ có được. Theo tiêu chuẩn của ASEAN, homestay là một sản phẩm du lịch đặc thù.

Ở đây, khách có sự trải nghiệm văn hoá, qua đó, thúc đẩy giao lưu, hiểu biết và trải nghiệm những sinh hoạt đời thường với người dân thông qua các công việc hằng ngày.

Loại hình homestay tác động sâu sắc đến đời sống xã hội như: tăng cường giáo dục ý thức về bảo vệ môi trường, bảo tồn các di tích văn hoá, lịch sử của người dân bản địa; tạo ra sự giao lưu văn hoá, phong tục tập quán giữa các dân tộc ở các quốc gia khác nhau; tăng cường các mối quan hệ trong cộng đồng người dân; sự gắn bó của chính quyền địa phương và người dân bản xứ; giáo dục ý thức về phong cách ứng xử trong cộng đồng.

 Đồng thời, nhìn rộng hơn ở tầm kinh tế vĩ mô, loại hình du lịch homestay còn thu hút các nhà đầu tư và người dân có điều kiện làm du lịch vào các lĩnh vực khác như: hệ thống giao thông, mở rộng và nâng cấp các làng nghề truyền thống, trùng tu các di tích lịch sử… tạo nguồn thu nhập cho người dân, tạo cơ hội việc làm cho nhiều hộ gia đình; góp phần vào chương trình xoá đói giảm nghèo tại địa phương. Hay nói cách khác, homestay là phương cách tạo nên tính độc đáo trong bức tranh kinh tế du lịch của địa phương.

Do đó, ông Minh cho rằng, mô hình homestay kết hợp với du lịch sinh thái sẽ góp phần nâng cao dân trí, bảo tồn văn hoá, giữ gìn truyền thống, cải thiện sinh kế, cải thiện môi trường… chứ không đơn thuần chỉ là một loại hình lưu trú đơn giản như bấy lâu nay chúng ta vẫn nghĩ.

Với quan niệm đó, Công ty Du lịch sẽ cùng với các ngành chức năng và chính quyền địa phương phối hợp, xây dựng, quảng bá hình ảnh du lịch Tây Ninh đến với bạn bè năm châu thông qua các sản phẩm du lịch.

Trước hết, công ty sẽ tham gia vào chuỗi cung cấp các dịch vụ phục vụ du khách như hướng dẫn, giới thiệu và đưa khách tham quan các điểm du lịch trong tỉnh bằng xe điện.

Đồng thời, Công ty Du lịch làm “cầu nối” liên kết với các đơn vị kinh doanh lữ hành, trước mắt là các đơn vị lữ hành tại thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ… để chào bán sản phẩm du lịch; thiết kế, xây dựng các tour theo yêu cầu của từng đối tượng, nhóm khách; tham gia các hội nghị, hội thảo, triển lãm, xúc tiến du lịch… nhằm quảng bá sản phẩm; tham gia công tác huấn luyện, đào tạo nhân sự cho đội ngũ phục vụ du lịch.

Về lâu dài, Công ty Du lịch sẽ liên kết với các hộ dân xây dựng mô hình lưu trú homestay đạt yêu cầu phục vụ khách quốc tế theo tiêu chuẩn của Tổng cục Du lịch, Luật Du lịch.

Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen.

DU LỊCH KHÁM PHÁ, TÌM HIỂU LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG

Ông Trần Anh Minh cho biết, vừa qua, Công ty Du lịch đã tham gia đoàn khảo sát các làng nghề truyền thống trong tỉnh như: làng nghề làm bánh tráng phơi sương ở Trảng Bàng, nghề mây tre lá ở huyện Hoà Thành… cùng một số di tích lịch sử văn hoá, đình, chùa… do Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch tổ chức.

Sau chuyến khảo sát, Công ty đã chỉ đạo cho Công ty cổ phần Lữ hành Tây Ninh (Công ty Lữ hành) xây dựng và chào bán các sản phẩm du lịch kết hợp tham quan các làng nghề truyền thống. Hiện sản phẩm du lịch này chưa tạo được sức hút với du khách do còn khá mới mẻ, cơ sở vật chất các làng nghề còn nghèo nàn, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách.

Công ty Lữ hành  sẽ xây dựng nhiều chương trình du lịch tham quan Tây Ninh như tour tham quan vòng quanh núi Bà Đen - Vạn Pháp cung - dinh Quan Lớn Trà Vong - chùa Khe Đon hay chương trình du lịch về nguồn núi Bà Đen - Trung ương Cục miền Nam - Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát… để tiếp thị đến du khách.

Bên cạnh đó, căn cứ quy hoạch 1/500 khu trung tâm văn hoá - lễ hội - tâm linh, Công ty sẽ triển khai đề án mô hình làng nghề truyền thống quê hương Tây Ninh tại Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen. Đây là điểm kết nối nhằm giới thiệu cho du khách các làng nghề truyền thống của tỉnh, và là cơ sở để tổ chức kinh doanh các sản phẩm du lịch làng nghề Tây Ninh.

Với kế hoạch kể trên của Công ty cổ phần du lịch - thương mại Tây Ninh, hy vọng trong tương lai không xa, du lịch sinh thái kết hợp với homestay và tham quan các làng nghề truyền thống sẽ trở thành một sản phẩm du lịch văn hoá đặc trưng của ngành du lịch Tây Ninh.

THIÊN TÂM

Báo Tây Ninh
Báo Tây Ninh
Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh