Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trồng lanh lấy sợi, dệt vải được coi là một nghề có những nét đẹp riêng trong đời sống của người phụ nữ dân tộc H’Mông ở Sơn La.
Trồng lanh lấy sợi, dệt vải được coi là một nghề có những nét đẹp riêng trong đời sống của người phụ nữ dân tộc H’Mông ở Sơn La. Tấm vải với nét hoa văn độc đáo, được vẽ lên đó bởi đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ. Với họ, tấm vải lanh là một vật thể thiêng liêng, mang đậm giá trị tinh thần to lớn.
Ở Sơn La, dân tộc HMông chiếm hơn 12% dân số toàn tỉnh. Họ sinh sống hầu khắp các địa bàn và thường ở trên các triền núi cao. Đồng bào Mông có nhiều nhóm, gồm Mông Đơ (Mông trắng), Mông Lềnh (Mông Hoa), Mông Đu (Mông đen). Đến với các bản Mông ở Sơn La, những ngôi nhà gỗ thấp được xây dựng theo một kiểu kiến trúc, thấp thoáng trong làn sương, hiện ra hoang sơ và lạ lẫm.
Đi dọc quốc lộ 6, từ xã Noong Luông lên đến gần thị trấn Mộc Châu, đều có thể bắt gặp những người phụ nữ Mông bên cạnh tấm vải lanh, đang chăm chú hoàn thành những sản phẩm của mình. Họ làm ở bất cứ nơi đâu có thể: trước cửa chính, sau hiên nhà, bên ô cửa sổ, cạnh con đường hay nơi phiên chợ…Vào mùa nông nhàn, người phụ nữ Mông lại tranh thủ tước sợi dệt vải, trang trí hoa văn lên đó và may thành những chiếc áo, chiếc váy để cho con mặc trong ngày khai trường hay kịp cho những phiên chợ sắp tới.
Dừng chân ở bản Nà Toong, xã Tân Lập, theo lời chỉ dẫn của người dân nơi đây, chúng tôi tìm gặp cụ Giàng A Ché (73 tuổi), người già nhất trong bản và cũng rất am hiểu về nghề dệt truyền thống của người Mông nơi đây. Cụ Ché cho biết: “Nghề trồng lanh dệt vải của người Mông đã có từ lâu đời rồi. Trong bản Mông, hầu như nhà nào cũng có khung và đồ nghề dệt vải lanh. Cây lanh có rất có ý nghĩa đối với đời sống của người Mông đấy! Theo quan niệm của người Mông, cô dâu, chú rể trong ngày cưới đều phải diện trang phục bằng vải lanh do chính người phụ nữ dệt thành, se lanh dệt vải thể hiện sự khéo tay, chăm chỉ, đó là một trong những tiêu chí để đánh giá tài năng, đạo đức, phẩm chất và cách làm ăn của người phụ nữ. Ngoài ra, người chết phải có áo ngoài mặc bằng lanh thì mới được về đoàn tụ với tổ tiên”.
Để dệt được một tấm vải lanh, người phụ Mông có khi phải mất đến hàng tuần mới xong. Họ tranh thủ dệt sau những ngày bận rộn trên nương dẫy. Trung bình mỗi năm, một người có thể dệt được 4 đến 5 tấm lanh dài khoảng 20 vuông khổ nhỏ, đủ để may một chiếc váy đẹp. Hầu hết người Mông đều trồng lanh dệt vải. Các em gái Mông từ 7 đến 10 tuổi đã được mẹ, chị tập cho thêu thùa, lớn lên có bộ váy áo đẹp đi chợ, đi hội Gầu tào…Vải lanh sau khi được dệt dùng để may quần áo, làm khăn quấn đầu, xà cạp, làm chăn và cả bao đựng ngô thóc…Các công đoạn để hình thành lên một tấm vải lanh, từ lúc đập lanh, tước dập vỏ lanh, kéo sợi đến dệt lanh đều được làm bằng tay. Tuy không đẹp bằng vải lụa của người Việt, nhưng người Mông rất ưa dùng các sản phẩm của họ làm ra. Cụ Ché tâm sự: “Bây giờ, nhiều người Mông mặc quần áo do người Kinh bán, nhưng vào các dịp lễ hội, lễ tết, người Mông đều mặc những bộ quần áo váy làm từ vải lanh”.
Để tạo được hoa văn trên váy, người phụ nữ Mông đã dùng tới sáp ong, “nhúng bút vào sáp được đun chảy, rồi vẽ lên vải các họa tiết. Sau đó đem vải nhuộm chàm, tới khi có màu sẫm sẽ đem vải nhúng vào nước sôi, sáp sẽ tan ra và để nổi lên các họa tiết màu trắng trên tấm vải đó. Cùng với các đường nét hoa văn vẽ bằng sáp ong, chiếc váy của đồng bào dân tộc Mông được tô điểm bằng những đường thêu với các màu pha trộn khá tinh tế, màu trội hơn thường thiên về màu đỏ và vàng, tạo lên màu rự rỡ của chiếc váy. Người Mông còn dùng chỉ nhiều màu để thêu, váy có nhiều màu sắc cũng đẹp hơn” Chị Tráng Thị Lếnh, người bản Nà Toong cho biết.
Mỗi nhóm Mông khác nhau, váy áo cũng có nét khác nhau, váy của người Mông Hoa màu chàm có thêu hoặc in hoa ở gấu váy, nẹp áo ở ngực có thêu hoa văn hình con ốc. Váy của phụ nữ Mông Đen ngắn hơn, màu chàm, hoa văn trắng, có thêu hoa ở cánh tay và hò áo. Váy của phụ nữ Mông Xanh may bằng vải chàm, sát gấu có thêu hoa văn hình chữ thập trong các hình vuông. Váy của phụ nữ Mông Trắng để nguyên vải sợi lanh se, có thêu chỉ màu sắc sặc sỡ quanh gấu.
Vẻ đẹp trên những trang phục truyền thống của người Mông không chỉ “quyến rũ” những người đàn ông Mông đêm đêm thổi tiếng khèn bên đầu dốc đợi “bắt” bạn tình, mà còn hút hồn nhiều du khách trong và ngoài nước ghé thăm những bản Mông nơi rẻo cao. Chị Lếnh cho biết thêm: “Có nhiều người nước ngoài hỏi mua váy của người Mông lắm! Nhưng không có nhiều để bán. Nhiều người dưới xuôi lên đặt làm váy cũng không làm nổi.”
Ngày nay, những bộ váy áo bằng vải lanh của người Mông còn trở thành hàng hóa, được bày bán ở nhiều khu du lịch vùng Tây Bắc, như Mai Châu (Hòa Bình ), Mộc Châu (Sơn la)… Và giá thành của nó cũng không hề rẻ chút nào. Váy cỡ nhỏ thì được bán với giá từ 300 đến 400 ngàn đồng, váy to hơn thì được bán từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng. Tùy theo mức độ chi tiết hoa văn trên váy mà giá thành cũng khác nhau.
Tạm biệt bản Mông vùng Tây bắc, chúng tôi ra về trong lòng bao nỗi nhớ! Nhất là hình ảnh thấp thoáng sau những cành đào Mèo sai trĩu quả, người phụ nữ Mông chăm chỉ tước lanh, dệt vải, thêu thùa và vang vẳng ở đâu đó câu dân ca Mông: Lớn lên em theo mẹ tập thêu. Theo chị nhuộm chàm in hoa trên váy mới. Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu. Gái xinh chưa biết cầm kim là hư…!
Theo Website Đảng CSVN