BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sẽ mở đường xuất khẩu từ Tây Ninh sang Lào, Thái Lan

Cập nhật ngày: 22/03/2011 - 10:31

Phương tiện chở hàng xuất khẩu chờ thông quan ở Mộc Bài

BCĐ hoạt động thương mại biên giới tỉnh Tây Ninh cho biết, năm 2010 hoạt động trao đổi thương mại giữa Việt Nam- Campuchia (CPC) nói chung và giữa Tây Ninh với các tỉnh bạn thuộc Vương quốc CPC tiếp tục có những bước phát triển thuận lợi mới, đạt hiệu quả cao trong trao đổi hai chiều về xuất – nhập khẩu. Nhìn chung, hàng hoá trao đổi giữa hai bên qua các cửa khẩu đất liền ngày càng phong phú, Việt Nam đã xác lập được một thị phần quan trọng tại CPC. Kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Tây Ninh qua các cửa khẩu Tây Ninh- CPC chiếm từ 10 đến 15% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam – CPC.

BCĐ hoạt động thương mại biên giới cho biết, tổng kim ngạch xuất- nhập khẩu năm 2010 qua các cửa khẩu biên giới đất liền giữa Tây Ninh và CPC đạt 982,63 triệu USD, tăng 26,67% so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 429,69 triệu USD, tăng 21,87% so với năm 2009. Đáng chú ý là các mặt hàng xuất khẩu hầu hết do Việt Nam sản xuất như hàng bách hoá tổng hợp, hàng gia dụng, sản phẩm nhựa, vật liệu xây dựng, quần áo, vỏ ruột xe… Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là củ mì tươi, mì lát khô, dầu chai, đậu nành, lúa, gạo, trâu bò, hạt điều nguyên liệu, trái cây Thái Lan, gỗ cao su xẻ đã sơ chế, gỗ (các nhóm 1, 2, 3).

Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân Tây Ninh (2 doanh nghiệp, 16 hộ kinh doanh) đã đầu tư sản xuất hàng nông sản tại CPC. Một doanh nghiệp đang làm thủ tục xin chủ trương đầu tư. Tổng diện tích đang được đầu tư trên 800 ha, gồm các mặt hàng củ mì và mía. Sắp tới, dự kiến sẽ có trên 1.500 ha nông sản được đầu tư.

Về hoạt động của các KKTCK, tại Mộc Bài, có 56 doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, tăng 40% so với năm 2009. Dù vậy, chỉ có khoảng 38 doanh nghiệp thường xuyên kinh doanh và kinh doanh có hiệu quả. Doanh thu năm 2010 của khu TM- CN Mộc Bài ước đạt 1.573,7 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2009. Tại KKTCK Xa Mát, đến nay đã có 14 dự án đầu tư trong nước được UBND tỉnh đồng ý chủ trương đầu tư với tổng diện tích 364,18 ha. Các chủ đầu tư đang tiến hành lập quy hoạch chi tiết 1/500. Trong năm 2010, có thêm một chợ biên giới được xây mới (chợ Bàu Tràm lớn, xã Tiên Thuận, Bến Cầu). Hiện toàn tỉnh có 25 chợ tại 17 xã biên giới. Còn 3 xã chưa có chợ là Tân Hoà (Tân Châu), Tân Bình (Tân Biên) và Phước Chỉ (Trảng Bàng). Trong các chợ đã đầu tư xây dựng xong, có 4 chợ hoạt động không hiệu quả do vị trí xây dựng chợ không phù hợp với yêu cầu thực tế, thiếu bãi đậu xe (các chợ Vạc Sa, Chàng Riệc, Phước Trung, Long Khánh).

BCĐ hoạt động thương mại biên giới cho biết, hiện kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; hệ thống chợ, bãi đậu xe… chậm được đầu tư; hệ thống kho tàng, bến bãi tại các cửa khẩu chưa được xây dựng… đã làm hạn chế hoạt động mua bán, trao đổi hàng hoá và phát triển thương mại qua các cửa khẩu.

Chợ Biên Giới (xã Biên Giới, Châu Thành)

BCĐ hoạt động thương mại biên giới cũng cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương bổ sung vào Quy chế cửa khẩu biên giới đất liền về việc cấm mua gom, vận chuyển hàng hoá miễn thuế vượt mức cho phép; kiến nghị Bộ Công thương, Bộ Tài chính xem xét, trích để lại cho Tây Ninh 50% đến 70% nguồn thuế VAT, thuế xuất- nhập khẩu để đầu tư cơ sở hạ tầng thương mại, dịch vụ ở các cửa khẩu; sẽ tổ chức đoàn khảo sát mở tuyến đường vận chuyển hàng hoá từ Tây Ninh sang Lào, Thái Lan qua CPC… Hiện nay, còn một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cư dân Tây Ninh đang hợp tác đầu tư trồng, tiêu thụ nông sản tại CPC, chuyển nhập khẩu hàng nông sản này về Việt Nam. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính thì đối tượng được hỗ trợ đầu tư trồng tại CPC nhập khẩu về nước là doanh nghiệp, không có đối tượng là hộ kinh doanh và cư dân. Do đó, BCĐ kiến nghị Bộ Tài chính bổ sung hai đối tượng là hộ kinh doanh và cư dân vào quy định được hưởng hỗ trợ đầu tư nông nghiệp tại CPC; đồng thời đề nghị Bộ hướng dẫn thủ tục, chính sách và cách thức đầu tư sang nước bạn (về cấp phép đầu tư, chuyển vốn đầu tư, giống, phân bón, phương tiện máy móc, con người…).

Đặc biệt, BCĐ hoạt động thương mại biên giới còn cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ nâng định mức bán hàng miễn thuế tại KKTCK Mộc Bài từ 500.000 đồng/người/ngày lên 2 triệu đồng/người/ngày. Lý do, quy định mức mua hàng miễn thuế hiện hành đã “lỗi thời” sau nhiều năm chịu tác động của trượt giá và cắt giảm thuế suất nhiều mặt hàng theo cam kết sau khi Việt Nam gia nhập AFTA và WTO.

BẢO TÂM