Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Sẽ nâng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình
Thứ sáu: 12:23 ngày 16/05/2014

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trước thực trạng “thất thu” về bảo hiểm xã hội, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXHVN) đã đưa hàng loạt nội dung mới bổ sung vào Luật BHXH sửa đổi. Trong đó quan trọng nhất là nâng tuổi nghỉ hưu, cải cách hành chính, ứng dụng CNTT… Liệu hàng triệu người dân tham gia BHXH có được hưởng lợi từ những sự thay đổi nêu trên?

Copy-of-anh-bai-BHXH-1f598.jpg

Lao động từ 1-3 tháng cũng bắt buộc đóng bảo hiểm

Theo ông Trần Đình Liệu, Trưởng Ban thu (BHXHVN), dự thảo Luật BHXH sửa đổi, lao động có hợp đồng từ 1-3 tháng sẽ nằm trong diện bắt buộc phải đóng BHXH thay cho quy định buộc lao động có hợp đồng từ 3 tháng trở lên như hiện nay.

Ngoài ra, sẽ mở rộng đối tượng thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện theo hướng không khống chế tuổi trần để khuyến khích người từ 40-45 đối với nữ và nam.

Dự thảo đưa thêm nội dung sửa đổi độ tuổi nghỉ hưu và mức lương đóng BHXH. BHXHVN cho rằng, tuổi nghỉ hưu thấp dẫn tới việc thời gian đóng BHXH ngắn và thời gian hưởng lương hưu dài.

Số người đóng BHXH cho 1 người hưởng lương hưu ngày càng giảm, năm 1996 cứ 217 người đóng BHXH cho 1 người hưởng thì tới năm 2012 chỉ có 9,3 người đóng cho 1 người hưởng…

BHXHVN đưa quy định tăng độ tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm đối tượng theo lộ trình. Từ năm 2016 trở đi, tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức. Từ năm 2020 trở đi, thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với các nhóm đối tượng còn lại theo phương thức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi với nữ và 62 tuổi với nam.

Riêng đối với lực lượng vũ trang, thực hiện theo quy định của Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam hoặc Luật Công an nhân dân. Với người làm nghề hoặc lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và người lao động làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực thì tuổi nghỉ hưu vẫn như quy định hiện hành.

Sửa đổi điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu đối với người suy giảm khả năng lao động theo hướng lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì nghỉ hưu ở mức đủ 55 tuổi với nam và đủ 50 tuổi với nữ trở lên.

Người bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì tuổi nghỉ hưu là nam đủ 50 tuổi và nữ đủ 45 tuổi. Người có đủ 15 năm trở lên trong 20 năm đóng BHXH làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì không kể tuổi đời.

BHXHVN cũng công bố cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu theo hướng có lộ trình tăng dần số năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu.

Một vấn đề mới mà BHXHVN đưa ra trong dự thảo lần này chính là kiến nghị sửa đổi, bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành và thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật BHXH. Theo đó, cơ quan BHXH có quyền thanh tra và xử phạt các trường hợp vi phạm pháp luật về đóng, hưởng BHXH.

Hai vạn cán bộ: Còn thiếu nhưng vẫn phải cải cách!

Trước các đề xuất nêu trên của BHXHVN, có ý kiến cho rằng nguyên nhân khiến BHXH mất cân đối thu chi một phần là do “lỗi” chủ quan của BHXH. Lãnh đạo Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển cho rằng, nguy cơ mất cân đối thu chi là do công tác quản lý “chưa ổn” và bộ máy BHXH cồng kềnh.

Trả lời câu hỏi của PV Báo GĐ&XH về nhận định nêu trên, bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó Tổng giám đốc BHXHVN cho rằng, tổ chức bộ máy của BHXHVN thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Bộ máy của BHXH toàn quốc là trên 20.500 người, bố trí số lao động này đều dựa trên căn cứ khoa học. “Bộ Nội vụ và BHXH cũng đã khảo sát tại cơ sở các cấp. Tính ra định mức, biên chế còn thiếu rất nhiều”, bà Phương nói.

Về chi phí quản lý, bà Phương cho biết, BHXH có các khoản chi gồm chi thường xuyên, không thường xuyên và chi đặc thù. Bộ Tài chính thường xuyên kiểm tra về định mức chi nêu trên.

Năm 2013, tổng chi quản lý bộ máy của BHXH được Thủ tướng Chính phủ giao trên 3.736 tỷ đồng. Con số chi ước tính do đơn vị này công bố là khoảng trên 3.718 tỷ đồng, tiết kiệm được khoảng 18 tỷ đồng chi phí quản lý.

Mặc dù đưa ra các quan điểm “phản pháo” về nhận định rằng quản lý chưa ổn và bộ máy cồng kềnh nhưng BHXHVN cũng cho rằng đơn vị này sẽ thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhằm sắp xếp lại đội ngũ để có số biên chế hợp lý. “Mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng phục vụ”, bà Phương khẳng định.

Trả lời của bà Phương cho thấy lãnh đạo BHXHVN đã nhận thấy sự “bất ổn” trong đội ngũ về số lượng lẫn chất lượng, đặc biệt là vấn đề áp dụng công nghệ thông tin. Liệu những cải cách nêu trên có tác dụng như thế nào với thực tiễn, người lao động sẽ bớt gặp khó khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến bảo hiểm như thế nào? Thực tế sẽ có câu trả lời về tính hiệu quả trước các chiến lược của BHXHVN.

Phải có thanh tra chuyên ngành

Ông Trần Đình Liệu, Trưởng Ban thu (BHXHVN) cho biết, hiện chỉ có Thanh tra lao động mới có chức năng thanh tra về BHXH. Tuy nhiên, thực tế việc thanh tra, xử phạt rất ít. Cụ thể, có năm BHXH gửi sang cơ quan thanh tra 6.000 trường hợp/quý nhưng chỉ xử phạt được có 900 trường hợp. Vì vậy, để kiểm soát đóng, chi BHXH tốt, triệt để thì cần phải giao cho BHXH thêm chức năng thanh tra chuyên ngành.

Theo Minh Anh (Gia đình và Xã hội)

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh