Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thông tin tiếp theo về bài báo “Trang trại nuôi heo xây dựng trái phép trên đất công, gây ô nhiễm môi trường”:
Sẽ rà soát toàn bộ các trang trại nuôi heo
Thứ bảy: 00:27 ngày 06/06/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong thời gian giao huyện Dương Minh Châu quản lý, do yếu tố “lịch sử để lại”, cũng như sự quản lý khu đất trước đây chưa được chặt chẽ nên một số hộ dân cố tình xây dựng trang trại với quy mô lớn để chăn nuôi và tồn tại nhiều năm qua.

Một trang trại heo trong khu đất 309 ha đang được xây dựng khi phóng viên đi tìm hiểu thực tế khu đất.

Vừa qua, Báo Tây Ninh có bài viết “Trang trại nuôi heo xây dựng trên đất công, gây ô nhiễm môi trường”, phản ánh các trang trại nuôi heo có quy mô lớn nằm trong khu đất công 309 ha do Nhà nước quản lý tại ấp B2, xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu, không được cơ quan chức năng cấp phép, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Sau khi báo phát hành, UBND huyện phản hồi, việc các trang trại xây dựng không phép trên đất công 309 ha tại ấp B2, xã Phước Minh có nhiều yếu tố do “lịch sử để lại”. Trước đây, việc quản lý khu đất công của Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà và địa phương chưa chặt chẽ; Công ty cấp đất trái thẩm quyền và cho một số cán bộ, công nhân của công ty mượn. Ngoài ra, còn có một số hộ dân lấn chiếm, trồng cây, xây trang trại chăn nuôi và sang nhượng trái phép qua nhiều người.

Sau khi UBND tỉnh giao khu đất cho UBND huyện quản lý vào năm 1999, đến năm 2017, UBND huyện mới có kế hoạch cấp đất có thu tiền sử dụng đất cho các trường hợp sử dụng đất phù hợp với quy hoạch. Riêng các trang trại nuôi heo lại nằm trong khu đất được quy hoạch là khu du lịch sinh thái nên các hộ dân nơi đây không đủ điều kiện cấp đất.

Trong thời gian giao huyện quản lý, do yếu tố “lịch sử để lại”, cũng như sự quản lý  khu đất trước đây chưa được chặt chẽ nên một số hộ dân cố tình xây dựng trang trại với quy mô lớn để chăn nuôi và tồn tại nhiều năm qua.

Trước thực trạng này, năm 2017, UBND huyện chỉ đạo quản lý chặt các hộ dân sống trong khu vực trên, không để xảy ra tình trạng xây dựng mới trang trại heo. Tuy nhiên vào năm 2018, có vài hộ cố tình xây dựng nên cơ quan chức năng lập biên bản đình chỉ thi công, nhưng các hộ dân trên vẫn lén lút làm vào các ngày thứ bảy, chủ nhật, thậm chí cả ban đêm.

Trước việc các trang trại heo gây ô nhiễm môi trường, UBND huyện lên kế hoạch kiểm tra để có giải pháp xử lý ngay từ đầu năm 2020. Tuy nhiên, do dịch tả heo châu Phi, sau đó là dịch bệnh Covid-19 nên kế hoạch kiểm tra chưa thể tiến hành. Sắp tới đây, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện sẽ triển khai kế hoạch kiểm tra toàn diện các trang trại nuôi heo trên khu đất công 309 ha tại ấp B2, xã Phước Minh để có cơ sở xử lý.

Sau khi kiểm tra, UBND huyện sẽ đưa ra những giải pháp để báo cáo cho Huyện uỷ, UBND tỉnh, xin ý kiến chỉ đạo xử lý dứt điểm.

Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết, trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường có nhận phản ánh của người dân qua đường dây nóng về 3 trang trại heo nằm trong khu vực 309 ha đất công gây ô nhiễm môi trường.

Phòng đã phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra, đề nghị tạm ngưng hoạt động đối với 3 trang trại này sau khi xuất chuồng lứa heo đang nuôi và yêu cầu phải có biện pháp khắc phục không để mùi hôi, không gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến người dân xung quanh. UBND huyện cũng chỉ đạo UBND xã Phước Minh kiểm tra, nhắc nhở các chủ cơ sở chăn nuôi thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, vệ sinh chuồng trại, phòng - chống dịch bệnh theo quy định.

Tháng 4.2020, UBND huyện cũng đã chỉ đạo các phòng, ngành huyện, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý các cơ sở chăn nuôi heo, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện. Trong đó, giao nhiệm vụ cho Phòng Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, rà soát các cơ sở chăn nuôi heo; gia cầm trên địa bàn và đề xuất hướng xử lý đối với các cơ sở không bảo đảm các điều kiện về môi trường theo quy định.

Thế Nhân

Báo Tây Ninh
Cơ sở thu mua sắt phế liệu Hòa Bình
Tin cùng chuyên mục