Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Sở GD&ĐT cho biết, sắp tới sẽ tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án tổ chức sáp nhập các trường lân cận có số lớp ít, khó tuyển sinh.
Ngày 19.1, Sở GD&ĐT Tây NInh tổ chức sơ kết học kỳ I và triển khai phương hướng nhiệm vụ trọng tâm học kỳ II năm học 2017-2018. Một trong những nội dung được quan tâm là, trong thời gian tới, cơ quan quản lý Nhà nước về Giáo dục của tỉnh sẽ triển khai sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới trường lớp.
Học sinh Trường tiểu học Mỏ Công trước khi sáp nhập vào Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (huyện Tân Biên). |
Hiện tại, Sở đang hướng dẫn các đơn vị, trường học tổ chức rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các trường mầm non, phổ thông.
Tại huyện Tân Biên, năm học 2017-2018 đã sáp nhập được 2 trường, đó là Trường THCS Thạnh Tây vào Trường THCS Nguyễn Khuyến và Trường tiểu học Mỏ Công vào Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu. Đây là hai điểm trường học có số lượng học sinh rất ít, chưa quá 100 em ở mỗi trường.
Đối với các trường tiểu học có nhiều điểm lẻ, điểm phụ sẽ được sáp nhập về điểm chính để có điều kiện đầu tư trang thiết bị và tổ chức dạy học tốt hơn.
Năm học 2016-2017, toàn tỉnh có 104 điểm trường phụ, đến năm học 2017-2018 còn 94 điểm phụ, phấn đấu đến năm học 2019-2020 còn 80 điểm phụ.
Ngoài cấp tiểu học và trung học cơ sở, một điểm đáng chú ý là, trong thời gian tới, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án tổ chức sáp nhập một số trường ở cấp trung học phổ thông.
Theo tinh thần này, những trường THPT có khoảng cách địa lý gần nhau nhưng tuyển sinh đầu cấp khó khăn, không đạt chỉ tiêu, số học sinh, số lớp ít sẽ được sáp nhập vào trường có quy mô lớn hơn. Nếu mọi việc thuận lợi, lộ trình sáp nhập sẽ bắt đầu được thực hiện vào năm 2020.
Ngoài sáp nhập trường học, Sở cũng đang xây dựng kế hoạch tham mưu cấp có thẩm quyền tổ chức lại mạng lưới các trường tiểu học và trung học cơ sở theo hướng trường phổ thông cơ sở có nhiều cấp học, tức trong một trường có cả học sinh tiểu học và trung học cơ sở.
Kế hoạch nêu trên nhằm cụ thể hóa Nghị quyết lần thứ 6 của Trung ương Đảng khóa XII về tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập.
Liên quan đến chất lượng giáo viên, trong thời gian qua, Sở đã chú trọng công tác đào tạo nâng chuẩn cho đội ngũ giáo viên cấp THPT (đào tạo sau đại học). Từ nay đến cuối năm 2018, cấp THPT phải đảm bảo trên 20% giáo viên có bằng thạc sĩ, riêng Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha số này phải đạt 50%.
Đ.V.T