BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sẽ sớm đo hiện trạng đáy sông Vàm Cỏ Ðông để xác định trữ lượng cát 

Cập nhật ngày: 13/05/2017 - 02:25

BTNO - Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Ngô Thuỷ Chung đã thông tin như trên trong cuộc họp đột xuất do UBND huyện Châu Thành tổ chức chiều ngày 11.5.2017, nhằm chấn chỉnh và tìm giải pháp quản lý tốt hơn hoạt động khai thác cát trên sông Vàm Cỏ Ðông.

Tham dự cuộc họp có đầy đủ lãnh đạo các xã có dòng sông đi qua và các ngành chức năng của huyện Châu Thành. Cuộc họp do Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Trí Cường chủ trì.

Chủ tịch UBND xã Trí Bình Phạm Văn Hồng phát biểu tại cuộc họp đột xuất về chấn chỉnh tình trạng khai thác cát trên sông Vàm Cỏ Ðông.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Trường- Trưởng Phòng TN&MT huyện Châu Thành cho biết, ngay sau khi Báo Tây Ninh phản ánh, đơn vị đã phối hợp cùng Thanh tra Sở TN&MT, Công an huyện Châu Thành tiến hành kiểm tra 2 lần nhưng không phát hiện thấy có dấu hiệu vi phạm.

Ông Trường nhận định nguyên nhân là do… chưa phát hiện kịp thời hành vi vi phạm. Mặt khác, Phòng TN&MT huyện không có điều kiện và trang thiết bị nên không thể kiểm tra được độ sâu tại vị trí khai thác theo phản ánh. Qua đối chiếu với các hình ảnh do phóng viên cung cấp, ông Trường cho biết tàu bơm cát “khủng” số hiệu LA 07015 và sà lan ÐT 23306 đã không còn xuất hiện trên sông Vàm Cỏ Ðông tại thời điểm kiểm tra.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương trên địa bàn huyện Châu Thành xác nhận việc sạt lở trên bờ sông là có, nhưng nguyên nhân “do khai thác cát” hay “do tự nhiên” thì địa phương không đủ chuyên môn để xác định. Chủ tịch UBND xã Biên Giới than thở, cấp xã không thể kiểm tra được độ sâu, cũng như rất khó để quản lý đối với các doanh nghiệp khai thác cát.

Ðồng quan điểm với xã Biên Giới, lãnh đạo các xã Hoà Thạnh, Hảo Ðước cũng cho rằng không có phương tiện để kiểm tra trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp. Ngoài ra, các địa phương còn cho rằng, báo cáo của doanh nghiệp khai thác cát gửi đến địa phương rất chung chung nên không thể nắm rõ chi tiết và kiểm tra cụ thể.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Hội cho biết, thời gian gần đây có tình trạng các “tàu khủng” đến lấy cát. Việc khai thác ồ ạt với số lượng 3-4 chiếc, thậm chí 6-7 chiếc/ngày vẫn diễn ra, tuy nhiên trong mấy ngày gần đây có tạm lắng. Mức độ khai thác được ông Hiếu đánh giá là “liên tục với tốc độ cao”. Lãnh đạo xã Hoà Hội dự báo, sớm muộn gì cũng sẽ dẫn đến sạt lở.

Xác định địa phương mình là “điểm nóng” khai thác cát trong thời gian gần đây, Chủ tịch UBND xã Trí Bình Phạm Văn Hồng cho rằng, việc phối hợp giữa doanh nghiệp khai thác và chính quyền địa phương chưa thật sự tốt. Ông nhấn mạnh: “Hình ảnh các ngôi nhà ở miền Tây đổ nhào xuống sông do bờ sông sạt lở khiến người dân địa phương rất hoang mang, lo lắng”. Trong thời gian tới, cần phân cấp trách nhiệm rõ ràng hơn để dễ dàng quản lý, đồng thời tìm cách tháo gỡ khó khăn để công tác quản lý các doanh nghiệp khai thác cát trên địa bàn xã được thuận tiện và minh bạch hơn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Nguyễn Trí Cường nhận định, thời gian qua, công tác quản lý khai thác thiếu phối hợp sâu sát, đồng bộ giữa các ngành chức năng. Những hình ảnh báo chí đăng tải vừa qua cho thấy, có tình trạng tàu chở cát “khủng”, chiếc nào chiếc nấy ngập mạn, nhưng khi kiểm tra thì không còn chiếc nào.

Ðơn vị khai thác dù có kế hoạch gửi đến huyện, xã hằng tháng, nhưng nếu cố tình vi phạm thì địa phương khó phát hiện các hành vi như khai thác gần bờ, sai vị trí, không thả phao mốc giới vv... Ông cũng đề nghị ngành chức năng về lĩnh vực môi trường phối hợp với Công an huyện Châu Thành xử lý những vi phạm liên quan đến lĩnh vực này. “UBND huyện sẽ có văn bản chỉ đạo các xã quyết liệt hơn trong thời gian tới trong việc quản lý nhà nước trên lĩnh vực khai thác khoáng sản” - ông Cường khẳng định.

Ông Ngô Thuỷ Chung- Chánh Thanh tra Sở TN&MT chia sẻ những khó khăn trong việc quản lý của địa phương trong lĩnh vực này. Doanh nghiệp hoạt động khai thác tài nguyên phải chấp hành theo quy định của pháp luật, nếu sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm, và đề nghị địa phương hướng dẫn, tạo điều kiện cho cán bộ địa chính xã thực hiện tốt hơn vai trò của mình.

Ngoài ra, ông Chung cũng lưu ý địa phương kiểm tra, làm rõ việc người dân thoả thuận bán đất cho doanh nghiệp khai thác cát. Bởi lẽ, các thửa đất của những hộ dân này đã có trên bản đồ nên việc mất đất, mất số thửa, tăng diện tích lòng sông… sẽ gây xáo trộn, khó khăn trong việc quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh; và khẳng định việc này là hành vi vi phạm pháp luật.

Chánh Thanh tra Sở TN&MT cho biết, sắp tới, ngành sẽ phối hợp cùng địa phương để đo đạc lại, đánh giá trữ lượng tài nguyên tại khu vực này khi lục bình trên sông Vàm Cỏ Ðông giảm bớt.

Một hoạt động khai thác cát trên sông Vàm Cỏ Ðông trên địa phận huyện Châu Thành.

Trao đổi với phóng viên Báo Tây Ninh tại cuộc họp, ông Nguyễn Trí Cường cho biết, ngay khi báo phản ánh tình hình người dân hoang mang vì những tàu khai thác cát “khủng” trên sông Vàm Cỏ Ðông, UBND huyện đã chỉ đạo cho Phòng TN&MT và Công an huyện tiến hành kiểm tra.

Sau đó, Thanh tra Sở TN&MT phối hợp cùng Phòng TN&MT huyện cũng tiến hành kiểm tra, đánh giá thực trạng tình hình khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện. UBND huyện Châu Thành đã có quyết định thành lập tổ kiểm tra với thành phần gồm các ngành chức năng có liên quan để kịp thời kiểm tra, xử lý đối với các hành vi vi phạm trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản. Tổ kiểm tra bắt đầu hoạt động từ ngày 12.5.2017 nhằm chấn chỉnh tình trạng khai thác khoáng sản.

Trong những ngày gần đây, tình hình khai thác cát trên sông Vàm Cỏ Ðông đã có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Các tàu khai thác “khủng” cũng như những sà lan tải trọng lớn không thấy xuất hiện nhiều. Có vẻ như sau phản ánh của Báo Tây Ninh, hoạt động khai thác tài nguyên theo quy trình, quy định được doanh nghiệp thực hiện tốt hơn. Tuy nhiên, một lãnh đạo địa phương cũng cảnh báo, trong tình hình thị trường cát vẫn đang “nóng” như hiện nay, nguy cơ “xé rào” luôn tiềm ẩn, có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Ðức An