Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Những nghị quyết này là cơ sở pháp lý, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tế, huy động nguồn lực của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Nhân viên y tế xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành khám sàng lọc cho người dân.
Tuần qua, HĐND tỉnh đã tổ chức thành công kỳ họp thứ 3 (chuyên đề) khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026, ban hành 5 nghị quyết quan trọng. Những nghị quyết này là cơ sở pháp lý, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tế, huy động nguồn lực của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Hỗ trợ một lần cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19
Tại kỳ họp, sau khi xem xét, thảo luận một cách dân chủ, có trách nhiệm các nội dung UBND trình, 100% đại biểu biểu quyết thông qua 5 nghị quyết thuộc lĩnh vực kinh tế - ngân sách, trong đó, có Nghị quyết hỗ trợ một lần cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 34 tỷ đồng.
Lãnh đạo Sở Y tế cho biết, những tháng cuối năm 2021, ở Tây Ninh, dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, số ca nhiễm có thời điểm trên 2.000-3.000 trường hợp/ngày. Các đơn vị, địa phương phải huy động rất nhiều lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch.
Các lực lượng này không quản gian khổ, khó khăn, thậm chí hy sinh tính mạng để đẩy lùi dịch bệnh. Do đó, nghị quyết vừa được ban hành thể hiện rõ sự quan tâm, động viên và tri ân đối với các chiến sĩ tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch; có ý nghĩa khích lệ rất lớn cho lực lượng phòng, chống dịch.
Theo Nghị quyết hỗ trợ một lần cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19, kinh phí chi cho nhóm người được phân công làm nhiệm vụ trực tiếp là 11.004.530.000 đồng (mức chi 50.000 đồng/người/ngày). Kinh phí chi cho nhóm người được phân công làm nhiệm vụ gián tiếp là 21.641.820.000 đồng (mức chi 30.000 đồng/người/ngày). Kinh phí chi cho người bị nhiễm SARS-CoV-2 khi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 là 1.372.000.000 đồng (mức chi 2.000.000 đồng/người).
Hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt
Theo Tờ trình số 1437/TTr-UBND tỉnh, những năm qua, lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải luôn được Nhà nước đặc biệt quan tâm, trong đó có định hướng và những chính sách quan trọng, cụ thể để đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân. Đây cũng là giải pháp góp phần làm giảm nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, giúp kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông và chống ùn tắc giao thông tại các đô thị.
Trên địa bàn tỉnh có 7 tuyến xe buýt đang hoạt động, do các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư và trang trải chi phí hoạt động, với 85 xe các loại. Trong đó, các doanh nghiệp của tỉnh quản lý 50 phương tiện, còn lại 35 phương tiện của các doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Giai đoạn vừa qua, các doanh nghiệp đã cố gắng cải tạo, sửa chữa phương tiện cơ bản đáp ứng những tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật đặc trưng của loại hình xe buýt về diện tích đứng, tay cầm… Tuy nhiên, đa số phương tiện cũ kỹ, qua sử dụng từ 12 đến 18 năm; phương tiện không sử dụng điều hoà, không có chức năng hỗ trợ người khuyết tật… dẫn đến chất lượng dịch vụ thấp, chưa thu hút được hành khách. Thực tế, một số tuyến xe buýt hoạt động không hiệu quả, doanh thu không đủ chi phí. Trong khi đó, các địa phương chưa có cơ chế, chính sách để hỗ trợ, khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ và khuyến khích phát triển loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, tỉnh cần phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích đầu tư, đổi mới phương tiện nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút người dân tham gia đi lại, hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông.
Tại kỳ họp thứ 3 khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh.
Hoạt động vận tải tại bến xe Tây Ninh.
Nghị quyết quy định đối tượng được hỗ trợ lãi suất vay vốn là tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt (gọi tắt là chủ dự án) trên địa bàn tỉnh, được Sở Giao thông vận tải Tây Ninh chấp thuận khai thác tuyến xe buýt nội tỉnh và liên tỉnh; các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh; các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Về điều kiện được hỗ trợ lãi suất, chủ dự án phải có dự án đầu tư phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo phương án khai thác tuyến được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có vay vốn tại tổ chức tín dụng để thực hiện dự án và sử dụng vốn vay đúng mục đích; chấp hành các quy định hiện hành trong kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; phương tiện xe buýt đầu tư bảo đảm chưa qua sử dụng, có năm sản xuất từ 2020 trở về sau.
Hạn mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất theo giá trị hợp đồng vay vốn đầu tư phương tiện khai thác tuyến tại tổ chức tín dụng. Mức hỗ trợ đối với các tuyến xe buýt đang hoạt động là 70% lãi suất vay vốn theo giá trị hợp đồng vay vốn tại tổ chức tín dụng.
Đối với các tuyến xe buýt ngoài danh mục tuyến xe buýt đang hoạt động được cơ quan có thẩm quyền công bố, hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn theo giá trị hợp đồng vay vốn tại tổ chức tín dụng.
Thời gian hỗ trợ lãi suất theo thời gian vay vốn thực tế của từng khoản vay nhưng không quá 5 năm. Thời điểm bắt đầu hỗ trợ lãi suất tính từ ngày chủ dự án đưa phương tiện vào hoạt động tuyến xe buýt.
Ông Nguyễn Tấn Tài- Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, việc ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn để đầu tư phương tiện vận tải bằng xe buýt nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, HTX đổi mới phương tiện đang khai thác và tổ chức khai thác các tuyến mới, nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt. Chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các nhà đầu tư kinh doanh xe buýt sẽ là động lực thúc đẩy loại hình xe buýt phát triển ở Tây Ninh.
Ông Nguyễn Thành Tâm- Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các cơ quan chức năng tập trung triển khai có hiệu quả các nghị quyết vừa được thông qua; đề nghị Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh tăng cường giám sát việc thực hiện, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của nghị quyết.
Nhi Trần