Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Bộ LĐTB&XH đề xuất nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội từ 360.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng, tăng 38,9% so với mức chuẩn trợ cấp xã hội hiện nay, thực hiện từ ngày 1/7/2024.
Đây là đề xuất của Bộ LĐTB&XH được quy định tại dự thảo Nghị định điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp xã hội quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Theo đó, mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 1/7/2024 là 500.000 đồng/tháng, tăng 38,9% so với mức chuẩn trợ giúp xã hội được quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.
Bộ LĐTB&XH đề xuất nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội từ từ 360.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng,. Ảnh minh họa: Thủy Trúc.
Nếu phương án này được Chính phủ phê duyệt thì các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội quy định tại khoản 1 Điều 6, khoản 2 Điều 11, khoản 1 Điều 13, khoản 1 Điều 14, khoản 1 Điều 19, khoản 1 và 2 Điều 20, khoản 1 Điều 25 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội thực hiện theo mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại Điều 1 Nghị định này kể từ ngày 1/7/2024.
Bộ LĐTB&XH dự tính, với phương án nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng 360.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng, tương đương 33% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021 -2025. Với phương án này thì số kinh phí thực hiện một năm sẽ khoảng 37.113 tỷ đồng, tăng so với mức hiện tại là 9.465 tỷ đồng. Dự kiến nếu phương án này được thực hiện từ ngày 1/7/2024 thì năm 2024 ngân sách Nhà nước cần bố trí thêm khoảng 4.700 tỷ đồng so với năm 2023 để hỗ trợ cho khoảng 3,356 triệu đối tượng trợ cấp xã hội hàng tháng và 361.590 người hưởng hỗ trợ chăm sóc hàng tháng.
Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/3/2021 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội là 360.000 đồng/tháng. Tùy theo khả năng cân đối của ngân sách, tốc độ tăng giá tiêu dùng và tình hình đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội, cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho phù hợp; bảo đảm tương quan chính sách đối với các đối tượng khác.
Có 8 đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là: trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng; trẻ em đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng mà đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất thì tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học kỳ nhưng tối đa không quá 22 tuổi; trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo;
Người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có chồng hoặc chưa có vợ; đã có chồng hoặc vợ đã chết hoặc mất tích theo quy định của pháp luật và đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc đang nuôi con từ 16 đến 22 tuổi và người con đó đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất;
Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn; người từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng...;
Người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng; trẻ em dưới 4 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn; người nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo không có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng như tiền lương, tiền công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng.
Nguồn Kinhtedothi