Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Sẽ thay đổi cách dạy và học môn Ngữ văn khi áp dụng cách ra đề thi ‘cứng’ theo quy định mới?
Thứ bảy: 09:00 ngày 10/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nếu không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa (SGK) thì sẽ khai thác ngữ liệu ở đâu? Ai đánh giá độ phổ biến của những nội dung ngoài sách? Liệu có thể “khoanh vùng” những nội dung có thể vào đề Ngữ văn để học sinh đỡ mông lung hơn không? Giáo viên và học sinh cần thay đổi cách dạy - học ra sao để phù hợp với yêu cầu mới?

Giáo viên cần đầu tư nhiều thời gian hơn khi ra đề Ngữ văn theo yêu cầu mới. Trong ảnh: Giáo viên Trường trung học phổ thông Vĩnh Cửu trong giờ dạy học. Ảnh: H.YẾN

Đó là những vấn để được đặt ra xoay quanh quy định tránh khai thác ngữ liệu trong SGK để làm đề kiểm tra môn Ngữ văn, được thực hiện đồng bộ từ lớp 6-12 bắt đầu từ năm học này.

* Khai thác ngữ liệu ở đâu?

Đây là vấn đề lo lắng nhiều nhất của giáo viên khi ra đề.

Thực tế, nhiều giáo viên hiện khai thác ngữ liệu của SGK chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2006, các bộ SGK chương trình GDPT 2018 không được chọn dạy ở trường của mình.

 

Tiến sĩ Đỗ Thị Cẩm Vân, giảng viên Trường đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, cho hay: “Trong Chương trình GDPT2018 môn Ngữ văn, từ trang 92 trở đi, có mục “Danh mục văn bản (ngữ liệu) gợi ý lựa chọn ở các lớp”. Tôi nghĩ đây chính là những định hướng ngữ liệu quan trọng mà giáo viên khi ra đề có thể lưu ý lựa chọn theo mục tiêu kiểm tra đánh giá. Tùy mục tiêu mà có thể linh hoạt lựa chọn, khi chọn tránh những văn bản mà SGK trường đang dạy đã có”.

Còn cô Nguyễn Thị Thu Hà, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường trung học phổ thông chuyên Lương Thế Vinh, cho rằng giáo viên có thể khai thác ngữ liệu từ nhiều nguồn, như: các xuất bản phẩm, báo chí, các nguồn học liệu đáng tin cậy trên internet... Tuy nhiên, dù khai thác từ nguồn nào thì giáo viên cũng cần lưu ý đảm bảo các tiêu chí về lựa chọn ngữ liệu. Chẳng hạn, về hình thức phải đảm bảo tiêu biểu cho loại/thể loại cần đánh giá; về nội dung cần đảm bảo các giá trị thẩm mĩ, nhận thức, giáo dục...

Về dung lượng cần đảm bảo độ dài phù hợp; về nguồn ngữ liệu cần đảm bảo độ rõ ràng, đáng tin cậy, đồng thời ngữ liệu cũng cần đảm bảo độ phù hợp với năng lực, tâm lý của học sinh...

Vấn đề đánh giá độ phổ biến của những nội dung ngoài sách đòi hỏi giáo viên phải tìm được nguồn dẫn thật đáng tin cậy. Nếu lấy trên mạng phải tránh sử dụng ngữ liệu ở các trang không chính thống; tin hoặc bài đăng chưa được nhà nước kiểm duyệt…

Cũng theo cô Thu Hà, băn khoăn về việc “khoanh vùng” những nội dung có thể vào đề Văn để học sinh đỡ mông lung hơn là điều thực sự không cần thiết. Thay vào đó, ở mỗi tiết học, mỗi chủ đề bài học, giáo viên cần tập trung hình thành và rèn luyện cho học sinh các kỹ năng cơ bản đã nêu thông qua chuỗi hoạt động học tập phù hợp và hiệu quả theo tiến trình: khởi động, hình thành kiến thức mới, luyện tập, vận dụng…

Với tinh thần của chương trình GDPT 2018, nếu “khoanh vùng” nội dung có thể vào đề văn thì sẽ không đúng mục tiêu chương trình, và ưu điểm của việc đưa ngữ liệu ngoài SGK vào kiểm tra đánh giá sẽ không còn. Việc khoanh vùng ở đây có thể là khoanh vùng về phạm vi kiến thức, dạng đề tham khảo cho học sinh hình dung về cách thức ra đề, cấu trúc đề thi. Ưu tiên lựa chọn các kiến thức gần gũi, tương đương với kiến thức đang được học, tránh đánh đố, gây khó cho học sinh.

Chương trình GDPT môn Ngữ văn hiện nay không quy định chi tiết về nội dung dạy học nhưng quy định những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe cho mỗi lớp và quy định một số kiến thức cơ bản, cốt lõi về tiếng Việt, văn học. Đó là những nội dung thống nhất bắt buộc đối với học sinh toàn quốc. Như vậy, dù là học sinh ở vùng, miền, khu vực nào cũng cần đạt các yêu cầu đã quy định đối với mỗi lớp, cấp học.

Theo cô Tăng Kim Huệ, chuyên viên phụ trách môn Ngữ văn, Sở Giáo dục và đào tạo, đối với các đề thi chung ở diện rộng như thi tuyển sinh lớp 10 hay thi THPT quốc gia, hội đồng ra đề thi phải cân nhắc sao cho ngữ liệu được sử dụng trong đề thi có độ phù hợp với nhiều đối tượng học sinh ở các vùng miền khác nhau.

Tuy nhiên, bộ SGK nào cũng được thiết kế bảo đảm yêu cầu cần đạt của chương trình bộ môn đã được Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành. Vì vậy, dù học sinh học bộ SGK nào thì các em cũng phải bảo đảm những yêu cầu cần đạt giống nhau. Và những tác phẩm được lựa chọn để thiết kế đề kiểm tra cũng phải bảo đảm những tiêu chí, những yêu cầu cần đạt của chương trình.

* Học sinh cần tránh học vẹt, rập khuôn

Quy định tránh sử dụng ngữ liệu trong SGK làm đề kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn sẽ tác động trực tiếp vào mọi khâu trong tiến trình dạy học của giáo viên, đòi hỏi giáo viên phải xây dựng các hoạt động dạy học nhằm hình thành và rèn luyện các kỹ năng đọc - viết - nói - nghe cho học sinh.

Điều này đòi hỏi giáo viên phải nắm chắc và bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình trong quá trình dạy học. Bên cạnh đó, giáo viên cần cố gắng trong việc vận dụng các phương pháp, kỹ thuật tích cực để xây dựng các hoạt động học tập và kiểm tra đánh giá thay cho lối dạy học có phần thụ động, thiên về truyền thụ kiến thức như trước đây...

Học sinh Trường trung học phổ thông Vĩnh Cửu (huyện Vĩnh Cửu) trong giờ học môn Ngữ văn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: H.YẾN

Cô Nguyễn Thị Hương, giáo viên Trường trung học cơ sở Đồng Hiệp (huyện Tân Phú) cho rằng, ngoài bám sát mục tiêu của chương trình, giáo viên cần nắm được năng lực của học sinh để có phương pháp dạy học phù hợp, xây dựng bộ công cụ đánh giá học sinh một cách chính xác. Giáo viên phải chuyển giao nhiệm vụ cho học sinh thường xuyên; hướng dẫn học sinh học tập tích cực, sáng tạo; tạo điều kiện cho học sinh phát triển phẩm chất và năng lực thông qua các hoạt động học tập trong và ngoài nhà trường; nên gắn bài học vào thực tế và trải nghiệm cá nhân người học…

Cô TĂNG KIM HUỆ, chuyên viên phụ trách môn Ngữ văn, Sở Giáo dục và đào tạo: Giáo viên phải có nền tảng, bản lĩnh văn hoá vững vàng để có thể minh định chính xác, lựa chọn được những tác phẩm bảo đảm được các tiêu chí mà Bộ đã có định hướng trong phần chọn lựa ngữ liệu cho đề kiểm tra, đề thi; phải quyết liệt đổi mới, thậm chí dám đối diện với việc điểm kiểm tra của HS có thể thấp hơn so với mặt bằng chung của chương trình cũ. 

Về phía học sinh, cô Hương cho rằng, học sinh cần tham khảo nhiều nguồn tài liệu chính thống để bổ trợ cho việc học của mình; thường xuyên trau dồi các kỹ năng: đọc - viết - nói và nghe; tránh lối học học vẹt, rập khuôn; tăng cường trao đổi cùng các bạn, học nhóm…

Nguồn baodongnai

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục