Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Kinh doanh, dịch vụ tại Khu du lịch núi Bà Đen:
Sẽ tổ chức họp tiếp thu ý kiến và giảm giá hàng hoá
Thứ ba: 10:40 ngày 17/03/2015

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Trước mắt, Công ty sẽ giảm giá một số mặt hàng trong tuần này. Một số mặt hàng không ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh thực phẩm như dép, nón, nhang, đèn… sẽ để cho các hộ tiểu thương tự tìm nguồn hàng. Công ty cũng sẽ tổ chức cuộc họp với các tiểu thương, lắng nghe ý kiến của họ, nếu có khó khăn sẽ tìm cách giải quyết hợp tình hợp lý. Đây là động thái đáp ứng tích cực của Công ty, chỉ tiếc là nó mới được đưa ra khi mùa hội xuân, mùa du lịch cao điểm ở núi Bà Đen gần như đã kết thúc.

Tính đến ngày 14.3.2015, trong lễ hội mùa Xuân Ất Mùi, Khu di tích lịch sử - văn hoá - danh thắng và du lịch núi Bà Đen (gọi tắt là Khu du lịch núi Bà Đen) đã đón hơn 1,37 triệu khách đến tham quan, với doanh thu vé vào cổng hơn 21 tỷ đồng. Với lượng khách khá lớn như vậy thì việc tổ chức các hoạt động phục vụ an toàn, chu đáo không phải đơn giản.

Những năm trước, hoạt động quản lý kinh doanh, dịch vụ phục vụ khách tham quan đều giao cho Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tây Ninh (VHTT&DL). Năm nay hoạt động này được giao cho Công ty cổ phần Du lịch – Thương mại Tây Ninh (DL- TM) chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng việc tổ chức các hoạt động trên còn có điểm chưa hợp lý.

Du khách mua hàng hoá tại một quầy bánh kẹo.

Nhiều mặt hàng tăng giá

Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm nay tại Khu du lịch núi Bà Đen có 209 hộ đăng ký kinh doanh cả năm, 156 hộ đăng ký kinh doanh tháng. Phần lớn các hộ kinh doanh tập trung buôn bán các mặt hàng ăn uống, nước giải khát, bánh kẹo, hàng thủ công mỹ nghệ… tập trung dọc theo hai bên đường, từ ngoài cổng đến khu vực chùa Bà. Một số hộ kinh doanh cất nhà sắt, mái che bằng tôn khá thẩm mỹ. Bên cạnh đó, cũng có một số hộ kinh doanh được che bằng những cây dù tạm bợ.

Bà Trần Thị Tới- hộ kinh doanh bánh kẹo cho biết, bà thuê mặt bằng kinh doanh là 21 triệu đồng (4m ngang); năm nay, trước khi vào mùa lễ hội, Công ty DL-TM Tây Ninh yêu cầu các nhà phân phối mặt hàng bánh kẹo chào giá các mặt hàng, nếu nhà phân phối nào đưa giá cao sẽ không được chấp nhận. Bên cạnh đó, Công ty cũng yêu cầu nhà phân phối phải đảm bảo hàng chất lượng, cung cấp đủ hàng để việc kinh doanh của các tiểu thương đạt hiệu quả. Theo bà Tới, chính vì Công ty làm “gắt” với nhà phân phối mà giá mặt hàng bánh kẹo tương đối hợp lý, hàng hoá cung cấp kịp thời nên việc buôn bán khá thuận lợi. Hộ bà Phạm Thị Thanh Hương- bán hàng nước giải khát, bánh mì cho biết việc kinh doanh của họ cũng không có gì khó khăn, có lời tương đối khá.

Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy cũng có những hộ tỏ vẻ không hài lòng. Mặc dù việc tổ chức cho thuê mặt bằng, cung cấp hàng hoá… cho các hộ kinh doanh đã được Công ty CP DL-TM triển khai từ trước, nhưng khi bước vào hoạt động được hơn nửa tháng, thì một số hộ kinh doanh phản ứng cho rằng, giá thuê mặt bằng cao, giá hàng hoá cung cấp cũng tăng. Thêm vào đó là việc làm đẹp khu du lịch bằng cách treo cờ phướn trên mái nhà của các hộ kinh doanh, công ty cũng thu tiền quá cao.

Cụ thể như giá nước suối Aquafina (0,5 lít), Vĩnh Hảo giá thị trường khoảng 80.000 đồng/thùng, Công ty bán 120.000 đồng/thùng; Pepsi, Coca Cola lon giá 158.000 đồng/thùng, Công ty bán 192.000 đồng/thùng... Giá thuê mặt bằng có địa điểm tăng khá cao so với năm trước, một số hộ cơi nới thêm chút ít diện tích thì Công ty tính thêm giá thuê mặt bằng. Công ty lại cho nhiều người đăng ký thêm trong khi lượng khách đến tham quan khu di tích không tăng nhiều nên việc kinh doanh của họ gặp khó khăn.

Đồng thời, một số hộ khác như hộ bà Huỳnh Thanh Hồng, Nguyễn Thị Kim Hương… buôn bán nước giải khát gần khu vực chùa Trung cho biết, việc kinh doanh của họ cũng gặp một số khó khăn vì mặt bằng bị vướng gốc cây, mất diện tích, nhưng các hộ này cũng phải thực hiện nghĩa vụ đúng quy định của Công ty.

Sẽ tiếp thu và giải quyết hợp tình hợp lý

Trao đổi về một số phản ánh của các tiểu thương, ông Nguyễn Trọng Linh- Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ du lịch núi Bà Đen, thuộc Công ty CP DL-TM Tây Ninh cho biết, năm 2014 các tiểu thương thuê mặt bằng có ghi rõ diện tích khi đơn vị cũ chuyển giao cho Công ty. Năm 2015, Công ty kiểm tra đo đạc, thấy các hộ cơi nới tăng diện tích thì phải tính tăng giá, nếu không thì buộc họ phải tháo dỡ. Đối với các mức phí vệ sinh, năm 2015 tăng hơn năm 2014, vì Công ty có đầu tư một số nội dung để xử lý về môi trường, bảo đảm vệ sinh (năm 2014 phí từ 500.000 - 700.000 đồng, năm 2015 là 1 triệu đồng).

Việc Công ty độc quyền cung cấp hàng hoá, theo ông Linh là nhằm bảo đảm rõ ràng nguồn gốc hàng hoá và an toàn vệ sinh thực phẩm. Một số mặt hàng giải khát, Công ty có chủ động tăng giá, như nước khoáng Vĩnh Hảo, Công ty bán giá 120.000 đồng/thùng (năm 2014 là 100.000 đồng/thùng). Giải thích về việc tăng giá, ông Linh nêu lý do: Công ty phải dự trữ hàng có ghi nhãn mác “hàng tết”. Nếu hết tháng Giêng, những mặt hàng này tồn kho rất khó tiêu thụ, Công ty bán ra ngoài thị trường phải giảm giá nên việc tăng giá trên là nhằm… “cân đối việc bị lỗ” do hàng có nhãn mác tết tồn kho, khó tiêu thụ.

Theo ông Linh, nguyên nhân các hộ tiểu thương phản ứng là do lượng du khách đến tham quan không ổn định, có ngày đông nhưng cũng có ngày khá vắng khách. Bên cạnh đó, năm 2015, khu vực có phòng trưng bày di tích – phòng bảo tàng (gần cầu Đôi) bị giải toả, không được buôn bán, buộc Công ty phải bố trí một số hộ này sang khu vực khác nên việc buôn bán không thuận lợi.

Việc buộc phải thu tiền treo cờ phướn, theo ông Linh là chủ trương của Công ty nhằm làm tăng mỹ quan Khu du lịch núi Bà, còn giá thành của  một cây cờ là do đơn vị nhận thực hiện trên cơ sở nhân công và nguyên liệu, Công ty đều có thông báo trước. Về việc này, ông Linh cho biết có một số hộ có diện tích lớn, họ tự làm cờ phướn, Công ty cũng không ép họ phải lấy cờ do Công ty cung cấp.

Trước các ý kiến phản ánh của tiểu thương, ngày 17.3.2015, qua trao đổi với phóng viên, ông Linh thừa nhận do thời gian tiếp nhận lại Khu du lịch núi Bà cận tết nên việc tổ chức kinh doanh dịch vụ còn một số hạn chế. Khi nhận được phản ánh, Công ty CP DL-TM đã tiếp thu. Trước mắt, Công ty sẽ giảm giá một số mặt hàng trong tuần này. Một số mặt hàng không ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh thực phẩm như dép, nón, nhang, đèn… sẽ để cho các hộ tiểu thương tự tìm nguồn hàng. Công ty cũng sẽ tổ chức cuộc họp với các tiểu thương, lắng nghe ý kiến của họ, nếu có khó khăn sẽ tìm cách giải quyết hợp tình hợp lý. Đây là động thái đáp ứng tích cực của Công ty, chỉ tiếc là nó mới được đưa ra khi mùa hội xuân, mùa du lịch cao điểm ở núi Bà Đen gần như đã kết thúc.

Việc tổ chức các hình thức dịch vụ, kinh doanh (kể cả cung cấp hàng hoá độc quyền) nhằm phục vụ du khách tham quan Khu du lịch núi Bà Đen được tốt, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc tăng giá thuê mặt bằng, tăng một số mặt hàng trong Hội xuân cần phải hợp lý, hợp tình và có sự đồng thuận của các hộ kinh doanh. Công tác tổ chức Hội xuân Núi Bà luôn đòi hỏi  các đơn vị có trách nhiệm làm tốt mọi mặt để thu hút du khách, trong đó việc tổ chức kinh doanh không chỉ đơn thuần là thu lợi nhuận, mà còn có “tính phục vụ” để mang lại hình ảnh đẹp trong lòng du khách. Dù sao, hy vọng những điều cần rút kinh nghiệm trong mùa lễ hội năm nay sẽ không tái diễn ở mùa xuân năm sau.

Đức Tiến

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục