Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Kinh doanh xăng dầu:
Sẽ xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, găm hàng
Thứ sáu: 01:30 ngày 14/10/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian qua, lực lượng chức năng, trong đó có Cục Quản lý thị trường (QLTT) kiểm tra, xử lý những hành vi găm hàng tại các cửa hàng xăng dầu. Thế nhưng, mỗi khi có dự báo tăng, giảm giá đều xảy ra tình trạng không ít cửa hàng treo bảng hết xăng, hết dầu...

Lực lượng QLTT kiểm tra một cây xăng trên đường Trần Phú, phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh.

TẠM ĐÓNG CỬA VÀ NHỮNG LÝ DO

Sáng 11.10, ngày có thông tin giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh, một số cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn huyện Dương Minh Châu, thị xã Hoà Thành và thành phố Tây Ninh treo bảng “hết xăng, còn dầu” hay “hết dầu, còn xăng”...

Một cửa hàng trên đường 785, xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh, 2 trụ bơm xăng bị gỡ ra để sửa nhưng không thấy bóng dáng thợ đâu. Tuy nhiên, khi lực lượng QLTT xuất hiện, từ trong cửa hàng có một người đàn ông đi ra để sửa.

Người đàn ông này trình bày, cả 2 trụ bơm xăng đều bị hư dây cua-ro moteur cùng lúc nên ông phải vào trong tìm dây mới để thay thế (!?). Chỉ một thao tác rất đơn giản, chưa đầy 5 phút sau khi có mặt lực lượng QLTT, 2 trụ bơm xăng đã được thay dây cua-ro xong, trở lại hoạt động bình thường. Khi chúng tôi hỏi, vậy máy có hư nữa không? Người đàn ông trả lời là hết hư rồi và tiếp tục bán xăng cho người tiêu dùng. Với lý do máy bơm xăng “hư” là chính đáng, nên lực lượng QLTT không thể lập biên bản.

Một cửa hàng kinh doanh xăng dầu nằm trên quốc lộ 22B, xã Long Thành Nam, thị xã Hoà Thành chỉ mở mỗi trụ dầu để bán cho người tiêu dùng. Một nhân viên ở đây cho biết, do mới đi làm ngày đầu nên không biết cửa hàng hết xăng được bao lâu (!?).

Không ít cửa hàng ngưng bán xăng hoặc dầu đều đưa ra lý do như nhập hàng về chưa kịp, đã đặt hàng như chưa được giao...

TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, XỬ LÝ

Theo thông tin từ Cục QLTT, trong ngày 11.10, qua kiểm tra có 36 cửa hàng xăng dầu đã hết nhiên liệu xăng dầu để bán hoặc đã hết xăng, chỉ còn bán dầu (Đội Quản lý thị trường xác minh và đo bồn đúng thực tế) và 10 cửa hàng đóng cửa để sửa chữa, nâng cấp, xin tạm ngưng có thời hạn đã được Sở Công Thương đồng ý. Kiểm tra một cửa hàng treo bảng “hết xăng, còn dầu” và “hết dầu, còn xăng”… lực lượng QLTT xác định là do doanh nghiệp đặt hàng nhưng nhà cung cấp xăng dầu vẫn chưa giao hàng hoặc chưa nhập được hàng.

Cục QLTT đã chỉ đạo khẩn cho các đội QLTT địa bàn và cơ động tăng cường kiểm tra, giám sát nắm địa bàn kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi đầu cơ găm hàng, giảm thời gian bán hàng, giảm lượng hàng bán ra… nhằm bảo đảm cho thị trường ổn định, phục vụ tốt cho người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, để ổn định thị trường xăng dầu, ngoài việc tăng cường kiểm tra, giám sát xử lý những hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, Cục QLTT còn yêu cầu các tổ chức, cá nhân ký cam kết không “găm hàng”, không vi phạm quy định bán hàng cũng như niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng của Cục QLTT tại mỗi cửa hàng kinh doanh xăng dầu để người tiêu dùng kịp thời phản ánh.

SẼ XỬ LÝ NGHIÊM HÀNH VI ĐẦU CƠ, GĂM HÀNG

Trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn và thường xuyên như hiện nay, các Bộ Công Thương, Tài chính tích cực vào cuộc, chỉ đạo, quản lý, điều hành giá xăng dầu và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, góp phần vào việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của doanh nghiệp, người dân.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua có hiện tượng một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh, thành phố phía Nam. Tại cuộc họp về tình hình quản lý và điều hành xăng dầu cho thị trường trong nước, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao thẩm quyền quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu, chủ động bám sát tình hình thực tiễn, diễn biến thị trường, khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu.

Đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và an ninh năng lượng quốc gia.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1.11.2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3.9.2014 về kinh doanh xăng dầu; báo cáo Chính phủ trong tháng 10.2022.

Tấn Hưng

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục