Thể thao   Trong nước

BAOTAYNINH.VN trên Google News

SEA Games 31: Dám nghĩ khác và làm khác 

Cập nhật ngày: 05/05/2022 - 11:17

Ngày mai (6-5), môn bóng đá SEA Games 31 bắt đầu khởi tranh và một tuần sau, ngày 12-5 thì SEA Games 2022 tại Việt Nam chính thức khai mạc tại Hà Nội và 10 tỉnh, thành lân cận.

Sự kiện này thu hút không chỉ giới chuyên môn mà còn khiến người dân Đông Nam Á náo nức mong chờ.

Lễ xuất quân của đoàn thể thao Việt Nam tham sự SEA Games 31. ẢNH: BTC SEA GAMES 31

19 năm trước, khi Việt Nam (VN) lần đầu đăng cai SEA Games 22-2003 ai cũng háo hức mong đợi ngày tuyên bố khai mạc một đại hội thể thao Đông Nam Á mà lần đầu Việt Nam được vinh dự tổ chức.

Sau SEA Games đấy, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam khi ấy là ông Hoàng Vĩnh Giang chia sẻ với tôi: “Lần đầu mình nhất toàn đoàn thì vui thật nhưng điều mà những người làm thể thao chúng tôi hạnh phúc hơn chính là Đông Nam Á thừa nhận nỗ lực và khả năng tổ chức của chúng ta. Họ hiểu rằng chúng ta đã làm tất cả cho một SEA Games lần đầu tại VN thành công…”.

19 năm sau, SEA Games lại đến với VN trong một hoàn cảnh rất đặc biệt. Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung vừa trải qua một giai đoạn dịch bệnh thật khắc nghiệt khiến nhiều hoạt động thể thao có lúc phải tạm ngưng.

Đã biết bao cuộc họp trực tuyến lẫn trực tiếp của Hội đồng Thể thao Đông Nam Á với chủ nhà VN về công tác chuẩn bị SEA Games 31, trong đó quan tâm nhất là thời điểm tổ chức, các phương án chống dịch và tính khả thi của một đại hội thể thao Đông Nam Á tranh tài tại VN.

SEA Games 31 đã phải hoãn lại sáu tháng khi Đông Nam Á vất vả chống dịch. Riêng với VN mà cụ thể hơn là những nhà tổ chức lại phải căng mình vừa “chống” (dịch) lại vừa “xây” qua việc thực hiện hàng loạt lộ trình để kịp hoàn thành công tác chuẩn bị cho một SEA Games 31 với khẩu hiệu “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn” (tên tiếng Anh: “For a Stronger South East Asia”).

SEA Games 31 chưa diễn ra nhưng có thể thấy Đông Nam Á đã mạnh mẽ hơn. Có chứng kiến lãnh đạo các đoàn thể thao Đông Nam Á của 10 quốc gia đến VN tiền trạm, tham quan các nơi tổ chức 40 môn thi đấu tranh tài 523 bộ huy chương và tâm đắc, khen ngợi mới hiểu được nỗ lực và tinh thần của khẩu hiệu “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn” mà nước chủ nhà đã dốc sức chuẩn bị.

Chỉ một ngày sau khi kết thúc chuyến tham quan của lãnh đạo 10 quốc gia Đông Nam Á, tất cả trang báo ở Đông Nam Á đều đề cập rất đậm về một SEA Games 31 mạnh mẽ đứng lên sau dịch cùng những nỗ lực đáng khen của chủ nhà.

Nhưng phần đáng ghi nhận nhất của chủ nhà VN lại chính là một SEA Games vì thể thao Đông Nam Á khi chủ nhà VN “đột phá” tổ chức tất cả các môn, các nội dung nằm trong chương trình thi đấu của Asiad, Olympic.

Lâu nay, các chủ nhà SEA Games thường hay lấy lợi thế để “thêm, bớt” những môn thế mạnh của mình và bỏ những môn mạnh của các đoàn bạn để “dìm” đối thủ. Điều mà thể thao Đông Nam Á vẫn nói là sự toan tính trong “ao làng” để dễ lấy thành tích, dễ leo lên nhất toàn đoàn. Nhưng SEA Games 31 thì chủ nhà VN với khẩu hiệu “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn” đã nghĩ khác và làm khác với kiểu “ao làng” quen thuộc.

Cụ thể hơn là trong lần thăm các thành viên, các VĐV VN chuẩn bị SEA Games, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chia sẻ: Việc giành huy chương vàng quan trọng nhưng không phải là quan trọng nhất; điều quan trọng nhất là VN sẽ làm gì để tổ chức một kỳ SEA Games thực sự fair play…

Giá trị của chiếc huy chương SEA Games 31 tại VN là chủ nhà không lấy thế mạnh của mình để gạt bỏ các môn thế mạnh của những quốc gia khác.

Giá trị của chiếc huy chương SEA Games 31 là chúng ta đưa hết các môn trong chương trình thi đấu của Asiad, Olympic vào đại hội vì một nền thể thao Đông Nam Á đúng với tinh thần khẩu hiệu SEA Games 31: “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn”.

Nguồn PLO