Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Sene Dolta miền biên giới
Thứ ba: 15:18 ngày 01/10/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong những năm trở lại đây, đời sống kinh tế của bà con Khmer ở Tân Đông được nâng lên rất rõ rệt. Chính vì vậy mà các dịp lễ hội, nhất là lễ Sene dolta được bà con tổ chức rất hoành tráng, trọng thể.

Hằng năm, vào khoảng trung tuần tháng 8 âm lịch, đồng bào Khmer xã biên giới Tân Đông, huyện Tân Châu bắt đầu chuẩn bị mọi thứ để đón chào mùa lễ hội Sene Dolta. Đây là một nghi lễ quan trọng của đồng bào Khmer nhằm tri ân tổ tiên, tưởng nhớ công ơn ông bà cha mẹ, bà con họ hàng và cầu phúc cho linh hồn người đã khuất, phù hộ cho xóm làng hạnh phúc an vui.

Quang cảnh sân chùa Kà Ốt.

Có thể nói trên địa bàn Tây Ninh thì Tân Đông là xã có nhiều đồng bào người Khmer sinh sống từ lâu đời nhất. Xã có 9 ấp thì trong đó có tới 3 ấp có người dân tộc Khmer là Suối Dầm, Kà Ốt và Tầm Phô với khoảng 2.000 nhân khẩu, tương đương 14% dân số toàn xã.

Người dân Khmer ở đây đại đa số sống bằng nghề nông. Chính vì vậy mà dù trải qua bao năm tháng đổi thay, họ vẫn sống chan hòa bám trụ với từng vụ mùa mưa nắng, từng thửa ruộng cánh đồng. Tôn giáo chính của họ vẫn là Phật giáo Nam tông Khmer, gắn liền với nhiều màu sắc lễ hội trong năm, trong đó có lễ hội Sene Dolta.

Sene Dolta 2019 diễn ra trong ba ngày, từ 27- 29.9, tức là từ ngày 29.8 cho đến 1.9 âm lịch. Trong tiếng Khmer, Sene Dolta có ý nghĩa vô cùng trọng thể. “Sene” nghĩa là cúng, “Dol” là dạng tắt của “Chi dol khang âu puk”- nghĩa là bên ngoại, “Ta” là dạng tắt của “Chi ta khang mđai”- nghĩa là bên nội. Vậy “Sene Dolta” nghĩa là “Cúng bà ông”, cụm từ này ngoài các nghĩa trên nó còn hàm chứa văn hóa của chế độ mẫu hệ, tôn thờ sự sinh sôi nẩy nở của bà con Khmer xa xưa.

Lễ cúng tập trung tại Chùa Kà Ốt.

Tương tự như lễ Vu Lan của người Việt, người Khmer cũng xem Sene dolta là dịp để mọi người báo hiếu. Nghi lễ này gắn với văn hóa Phật giáo truyền đời của bà con.

Chuyện kể là: “Thời Đức Phật còn tại thế. Một hôm, vào lúc đêm khuya canh vắng, tại hoàng cung của Vua Ping-pis-sara bỗng vang dội tiếng gào thét, khóc lóc thảm thiết, kèm theo là tiếng van xin: Hãy cho chúng tôi ăn, cho chúng tôi uống với, vì chúng tôi đang đói lắm!

Nhà vua bèn truyền lệnh triệu tập các nhà tiên tri đến hỏi, các nhà này cho rằng: "Đây là các ma quỷ chết oan chết ức, không cha mẹ, không nhà cửa anh em, nay họ đến xin ăn uống. Nếu Hoàng thượng không lo cúng tế e sợ có chuyện bắt 100 người nam, 100 người nữ và 100 con vật để làm lễ cúng tế.

Nghe tin đó, Hoàng hậu can gián: "Nếu Hoàng thượng làm như vậy, 200 người này bị chết oan ức, những người thân của họ lại càng phẫn uất, vậy nó sẽ càng có hại cho mình và vương quốc”.

Quốc Vương nghe vậy mới ngự giá tìm đến Chùa thỉnh ý Phật Thích Ca. Phật bảo rằng: Đó là những đầu bếp (do gian lận ăn cắp cơm gạo, thức ăn trong các lễ cúng dường ở thời Quốc Vương Mahinta- cách nay đã 92 kiếp) khi chết đi thành quỷ ở cõi âm và bị phạt phải nhịn ăn nhịn uống đến nay là 92 kiếp- nay biết Ngài (tức Quốc Vương Ping-pis-sara) là chủ của họ hồi tiến kiếp, nên họ mới đến đòi ăn.

Vậy Ngài nên cúng dường, dâng cơm cho các tu sĩ, nhờ ân đức và lời kinh của các vị này chuyền phước đến bọn quỷ đó. Nhưng ma quỷ chúng ta không thể cho vật thực, đồ ăn trực tiếp được, mà phải dâng cúng vật thực, đồ ăn đến các vị có giới đức rồi nhờ các vị có giới đức ấy tụng kinh hồi hướng thì các ma quỷ thuộc ân nhân đã quá cố mới thọ hưởng được do phép hồi hướng đó.

Lễ cúng tại nhà của người dân Khmer ở Kà Ốt.

Nhà vua vâng lời Đức Phật, bọn quỷ được ăn uống no nê. Ma quỷ được hưởng đầy đủ vật thực nên đêm thứ nhất không có nghe tiếng rên khóc. Qua đêm thứ hai nhà vua lại nghe tiếng rên khóc tiếp. Sáng sớm hôm sau, nhà vua đến chùa chỗ Đức Phật ngự, bạch với Đức Phật. Đức Phật dạy tiếp rằng: "Đêm trước ma quỷ được ăn no đầy đủ nên không rên la. Đêm sau lại rên la tiếp là vì chỉ ăn uống đầy đủ mà chưa có đồ mặc nên lại rên la tiếp vì bị rét lạnh".

Nhà vua nghe xong, về cho người chuẩn bị y áo cùng vật thực làm lễ dâng cúng đến chư tăng và nhờ chư tăng hồi hướng tiếp. Nhà vua không còn nghe tiếng rên than của ma quỷ nữa. Từ đó về sau, mỗi năm cứ đến mùa là nhà vua lại cho thỉnh mời chư tăng đến để làm lễ hồi hướng cho ma quỷ và những người đã quá cố”.

Tuy cùng dòng chảy của văn hóa Khmer, nhưng bà con Khmer ở miền biên giới này tổ chức Sene dolta có khác một chút. Từ sau trung tuần tháng 8 âm lịch, trời bắt đầu mưa nhiều, công việc đồng áng tạm đâu vào đó thì bà con bắt đầu vào mùa Sene dolta. Cụ thể là từ 16.8 (âm lịch) thì nhà nhà quét dọn, trang hoàng lại bàn thờ Phật, bàn thờ gia tiên cho sạch sẽ tươm tất. Họ đến Chùa Kiri sattray Menchey (Chùa Kà Ốt) mời sư đến nhà tụng kinh xá tội cho vong nhân của gia đình họ.

Để thực hiện nghi thức này, mỗi gia đình đầu tiên phải dọn một cái giường, chiếu, mền mới và phải được xếp ngăn nắp, trên để một bộ quần áo mới, cùng trà rượu bánh trái. Xong làm một mâm cơm, xới bốn chén, đốt nhang và nến, rồi mời hàng xóm cùng ngồi xung quanh cúng và nghe sư đọc kinh. Sau ba tuần trà rượu cúng vong linh, người nhà gắp thức ăn mỗi thứ một ít vào chén, đổ ly trà vào ly rượu rồi đem ra hàng rào nhà, thắp thêm cây nhang mời ma quỷ cùng ăn uống và ở lại vui chơi với ông bà cha mẹ trong ba ngày, rồi hãy về chốn cũ…

Công việc này diễn ra tuần tự, lần lượt ở các gia đình trong phum từ 16.8 (AL) cho đến gần cuối tháng.

Cầu siêu trong Chùa Kà Ốt.

Lễ chính thì diễn ra trong ba ngày. Cụ thể là khuya ngày 29.8 âm lịch, tất cả mọi nhà đều đem cơm và bánh trái hoa quả cùng vong linh của người đã khuất trong gia đình họ lên chùa. Nghi thức này với ý nghĩa là người nhà đưa vong linh ông bà cha mẹ vào chùa để nghe các sư tụng kinh lấy phước. Sau đó các phật tử mời các sư cùng thọ thực.

Đến sáng thì bắt đầu tổ chức vui chơi múa hát. Các tiết mục văn nghệ được bà con chuẩn bị rất chu đáo và biểu diễn sôi nổi từ sáng cho đến xế chiều. Sau một ngày vui vẻ, chiều đến, mọi người xin phép các sư cho rước vong linh của gia đình họ trở về nhà.

Ở nhà, mọi người lại tiếp tục làm mâm cơm cúng và mời ông bà cha mẹ ở lại chơi với con cháu thêm một đêm nữa. Sáng hôm sau (30.8 AL) thì nhà nhà làm thêm mâm cơm để cúng tiễn đưa vong linh. Họ bỏ thức ăn vào các bẹ chuối hay mo cau, sau khi khấn vái thì thả xuống kênh rạch hay mé ruộng gần đó để tống tiễn ông bà trên đường đi có cái mà ăn… Sau đó họ mời hàng xóm cùng ăn uống vui chơi, ca hát cho đến hết ngày.

Điệu múa mừng Sene dolta.

Ngày cuối cùng (1.9 AL) là ngày nghi lễ hoành tráng nhất. Tất cả bà con trong ấp đều ăn mặc đẹp và lên chùa làm lễ. Ngày này, sư cả và các sư khác trong chùa kết hợp với ban quản trị, bà con phật tử tổ chức tụng kinh, đãi tiệc, biểu diễn văn nghệ và nhận lời chúc mừng của các cấp chính quyền địa phương.

Trong những năm trở lại đây, đời sống kinh tế của bà con Khmer ở Tân Đông được nâng lên rất rõ rệt. Chính vì vậy mà các dịp lễ hội, nhất là lễ Sene dolta được bà con tổ chức rất hoành tráng, trọng thể và đầy màu sắc. Đó chính là bức tranh vừa phản ánh đời sống hiện thực vừa phản ánh đời sống tâm linh, cũng như truyền thống đạo đức uống nước nhớ nguồn của bà con ở đây.

Đào Thái Sơn

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục