Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Các cơ quan chức năng cho biết đang cố gắng phối hợp giải quyết xét nghiệm cho số shipper phát sinh. Việc cập nhật dữ liệu F0 cần nhanh chóng hơn nữa để rà soát lịch trình di chuyển của F0.
Mới đây, tại cuộc họp báo thông tin về tình hình dịch trên địa bàn, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, cho biết TP đã tiêm được hơn 8,7 triệu liều vaccine, trong đó hơn 6,7 triệu mũi 1 và hơn 2 triệu mũi 2. Trong đó, hơn 1 triệu người bệnh nền và trên 65 tuổi đã được tiêm.
Tính đến 18 giờ ngày 18-9, TP đang điều trị cho hơn 41.000 bệnh nhân, trong đó có hơn 3.400 trẻ em dưới 16 tuổi, hơn 2.300 bệnh nhân nặng đang thở máy và 21 bệnh nhân can thiệp ECMO.
50 F0 không biết mình là F0 khi lưu thông
Tại cuộc họp báo, làm rõ hơn về việc 50 trường hợp F0 được cấp giấy đi đường lưu thông qua các chốt kiểm soát nội ô, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết qua kiểm tra và rà soát, tất cả trường hợp F0 được cấp giấy đi đường lưu thông trên đường không có vi phạm. Số này được diện cấp giấy đi đường và khi lưu thông chưa biết mình là F0.
Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, sở dĩ có tình trạng trên là do có độ trễ trong việc cập nhật thông tin từ khi lấy mẫu, xét nghiệm đến khi chuyển lên cơ sở dữ liệu quốc gia, quá trình này mất từ một đến ba ngày, có khi năm ngày. Do đó, sau khi có danh sách, Công an TP tiến hành rà soát danh sách cập nhật thì phát hiện có các F0 từng lưu thông qua chốt.
“Sau khi xác minh lại thì người lưu thông không biết mình là F0, hoặc khi đi khám ở cơ sở khám chữa bệnh thì được cơ quan y tế yêu cầu cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà thì vẫn di chuyển được. Do vậy, không cần phải lo ngại kiểm soát kỹ mà F0 vẫn đi ra ngoài đường được” - Thượng tá Lê Mạnh Hà lý giải.
Trước đó, tại buổi họp báo ngày 18-9, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết đến ngày 16-9, Công an TP.HCM phát hiện 135 trường hợp có cảnh báo là F0 lưu thông qua các chốt kiểm soát trong nội ô của TP. Qua xác minh, có 33 F0 đã khỏi bệnh, 26 trường hợp đang cách ly tập trung và 76 F0 cách ly tại nhà.
Trong số 102 F0 chưa khỏi bệnh, có 50 trường hợp được cấp giấy đi đường. Công an TP đã thu hồi 10 giấy đi đường, 40 giấy đi đường bị hủy. Các trường hợp còn lại không thuộc diện được cấp giấy đi đường với các lý do: Người đi cách ly, người đi tiêm ngừa, nhân viên y tế, đi khám bệnh từ bệnh viện về nhà…
Lấy mẫu xét nghiệm cho shipper tại một điểm xét nghiệm ở quận Gò Vấp, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Sớm gỡ vướng mắc giao thông liên vùng
Về việc tổ chức giao thông liên vùng, Phó Giám đốc Sở GTVT Phạm Công Bằng nêu ở thời điểm dịch bệnh sẽ có những khó khăn nhất định, đặc biệt một số địa phương có cách làm chưa phù hợp cần phải điều chỉnh.
Sở GTVT TP.HCM đã phối hợp với các địa phương để báo cáo với Bộ GTVT nhằm đề xuất các vướng mắc và cơ bản được kịp thời giải quyết.
Shipper đăng ký hoạt động tăng năm lần, xét nghiệm quá tải
Một vấn đề được quan tâm tại cuộc họp báo là xét nghiệm cho shipper có tình trạng bị quá tải, Sở Y tế và Sở Công Thương TP.HCM cho biết đang tính các giải pháp để giải quyết tình hình này.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết những ngày qua, lượng shipper đăng ký và hoạt động tăng dần. Nếu như trước ngày 17-9 có khoảng 20.000 shipper hoạt động thì đến ngày 17-9 có khoảng 24.200/26.500 shipper đăng ký hoạt động, thực hiện hơn 543.000 đơn hàng, tăng gấp đôi thời điểm có 20.000 shipper hoạt động. Đến ngày 18-9, số shipper đăng ký hoạt động lên 33.500 người và ngày 19-9 có 82.160 shipper đăng ký hoạt động. Sở Công Thương đã đề nghị Sở Y tế hỗ trợ, tính toán, bổ sung nguồn lực thực hiện công tác xét nghiệm để đảm bảo cho lực lượng shipper hoạt động, theo dự tính của Sở Công Thương là 90.000 shipper hoạt động.
Trao đổi về nội dung này, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Nguyễn Thị Huỳnh Mai thông tin thời gian qua, Sở Y tế phối hợp với Sở Công Thương hỗ trợ xét nghiệm miễn phí cho 17.800 shipper (thời gian từ ngày 31-8 đến 6-9) và đã đáp ứng cho lực lượng shipper.
Tuy nhiên, số shipper đăng ký đã tăng vọt. Đến ngày 18-9, theo số liệu, có hơn 92.000 shipper đăng ký. Trong khi đó, nhiệm vụ thực hiện xét nghiệm cho shipper được giao cho trạm y tế lưu động với sự hỗ trợ của 1.200 lực lượng bác sĩ quân y.
Lực lượng này đang đảm trách nhiều nhiệm vụ khác nữa, trong đó nhiệm vụ quan trọng nhất là chăm sóc F0 tại nhà, cùng với đó là hỗ trợ xét nghiệm cho người dân, tiêm vaccine.
Do đó, theo bà Mai, với số lượng shipper tăng gần năm lần lúc đầu, đồng nghĩa số lượng test nhanh cũng tăng năm lần và thời gian thực hiện kéo dài đến ngày 30-9 khiến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) gặp lúng túng.
Với 501 trạm y tế lưu động tại TP hiện có, Sở Y tế đang phối hợp với HCDC, trung tâm y tế các quận, huyện để hỗ trợ thêm cho hoạt động này trong thời gian từ 5 giờ đến 6 giờ sáng. Bà Mai lưu ý các shipper cần đến vào khung giờ quy định để tạo điều kiện cho lực lượng xét nghiệm giải quyết hết, dành thời gian còn lại trong ngày xử lý những việc khác.
CSGT có quyền kiểm tra giấy xét nghiệm của tài xế
Phó Giám đốc Sở GTVT Phạm Công Bằng thông tin luồng xanh tại TP.HCM từ khi triển khai đến nay không có vướng mắc, hoạt động ổn định nhưng trong quá trình lái xe, hoạt động có sự vi phạm. Cụ thể, vào ngày 18-9, có tài xế đi qua chốt kiểm soát dịch bệnh tại cầu Phú Cường (nối tỉnh Bình Dương và TP.HCM) cố tình sửa ngày trên giấy xét nghiệm âm tính để thông chốt và sau đó được test nhanh lại dương tính. Điều này gây ra mất an toàn trong công tác phòng chống dịch.
Theo ông Bằng, về nguyên tắc, các chốt kiểm soát không bắt buộc phải kiểm tra giấy xét nghiệm nhưng lực lượng chức năng vẫn có thể kiểm tra ngẫu nhiên hoặc khi không ảnh hưởng lưu thông. Do đó, ông Bằng đề nghị tài xế lưu thông phải đảm bảo tuân thủ các quy định phòng chống dịch.
Nguồn PLO