BAOTAYNINH.VN trên Google News

Shisha và những mối lo

Cập nhật ngày: 12/04/2015 - 04:04

Giới trẻ hút shisha ở quán cà phê Hè Phố.

Vài năm nay, trong giới trẻ ở nước ta bắt đầu xuất hiện một “trò vui” mới: hút shisha. Shisha là một loại thuốc thảo mộc có chứa nicotine, có mùi thơm, tạo cho người hút một cảm giác khoan khoái, dễ chịu, thế nhưng đi kèm theo đó là những tác hại khó lường trước được. Thú vui đáng lo ngại ấy hiện đã lan tới Tây Ninh.

Một buổi tối, chúng tôi đến quán cà phê Hè Phố trên đường Nguyễn Trãi, phường IV, TP. Tây Ninh để được “mục sở thị” cảnh tượng nhiều người trẻ tụ tập công khai hút shisha. Trước 19 giờ, trong quán đã có hàng chục cô cậu nam nữ tuổi choai choai ngồi quây quần theo từng bàn, mỗi bàn có 4-6 người với một bình shisha.

Qua quan sát, lắng nghe cách họ trò chuyện với nhau, chúng tôi đoán: nhiều khả năng các cô cậu này là học sinh cấp hai, cấp ba. Có cô, có cậu vai còn quảy cặp sách, vẻ như vừa… lén ba mẹ trốn khỏi lớp học thêm chạy đến đây. Trong tiếng nhạc xập xình, cả nhóm thay phiên nhau ngậm vòi shisha trong miệng, kéo một hơi rồi sau đó nhả ra từng cuộn khói to, trắng xoá. Thỉnh thoảng, họ thổi khói vào mặt nhau, cười đùa thích thú.

Càng về khuya, quán càng đông khách. Cứ tốp trẻ này ra về thì tốp trẻ khác bước vào. Có một nhóm ngồi ngay phía sau bàn tôi có lẽ đã đến quán nhiều lần nên tỏ ra rất sành điệu. Vừa ngồi vào bàn, một thiếu nữ môi son, má phấn, tóc tai chải chuốc cầu kỳ, diện trang phục sang trọng cất tiếng giọng sành sõi: “Cho bình shisha màu đen, tối hôm qua”.

Tiếp viên bưng bình shisha ra, để lên bàn. Một cô trong nhóm liền bật lửa, chộp vòi đưa ngay vào miệng, rít liền một hơi rồi ngửa cổ, nhả cuộn khói vào không trung với vẻ hả hê, khoái trá. Những người khác trong nhóm cũng tranh nhau “kéo” shisha với dáng vẻ hào hứng, hả hê như vậy.

Có người tranh thủ rít liên tiếp ba, bốn hơi mới chịu buông ra. Không rõ trong tẩu thuốc shisha có pha trộn thêm cần sa, bạch phiến, heroin, thuốc lắc gì không mà sau khi rít một hơi, các cô, cậu cứ gật gù, đung đưa cái đầu theo điệu nhạc. Nhìn những cặp nam nữ non choẹt đang thi nhau thả hồn trong khói thuốc shisha mà tôi không khỏi e sợ. Ở lứa tuổi học trò, lẽ ra giờ này họ đang phải cặm cụi, miệt mài với bài vở thay vì đến đây chìm đắm trong thứ trò chơi rõ ràng vô bổ thậm chí còn rất độc hại.    

Hút shissa như kiểu hút thuốc lào.

Không chỉ ở quán cà phê Hè Phố, mà ở quán cà phê Phố gần đó tình trạng cũng diễn ra tương tự, có khác chăng hầu hết đối tượng đến quán này có độ tuổi lớn hơn các “cô chiêu, cậu ấm” quán Hè Phố. Ngày 8.4, lúc gần 22 giờ khi chúng tôi đến đã thấy trong quán có bày ra mấy bàn, mỗi bàn có từ 5 đến 10 thanh niên đang ngồi chụm đầu vào bình shisha.

Trong ánh sáng vàng vọt, từng cụm khói trắng vô tư bay lên. Một nữ tiếp viên của quán (hay có thể là chủ quán cũng nên), tỏ ra khá chịu chơi, thỉnh thoảng cô đến từng bàn biểu diễn một màn hút shisha điệu nghệ. Nhóm thanh niên trong bàn ngước nhìn cô với vẻ hâm mộ, tán thưởng.

Nhìn lại trên bảng hiệu của quán cà phê Phố có ghi dòng chữ cho biết đây là điểm giao lưu đàn guitar nhưng suốt buổi tối hôm đó, chẳng thấy ai đến đây đánh đàn, chỉ thấy toàn bộ khách mải mê thả hồn theo làn khói trắng.

Chỉ nhìn bằng mắt thường, không thể nói chắc trong những bình shisha của hai quán cà phê kể trên có “chêm” thêm chất gây nghiện nào hay không và những thanh thiếu niên đến đây chơi shisha có bị nghiện ma tuý hay không. Nhưng nhìn cảnh tượng ấy, có lẽ không bậc cha mẹ hay thầy cô nào có thể yên tâm về trò vui của con em mình tại đây.

Trong thực tế xảy ra không ít trường hợp từ hút shisha dẫn đến hút và nghiện ma tuý. Theo thông tin trên báo Công An TP. Hồ Chí Minh, có một thiếu niên tên Toản đang theo học tại một trường phổ thông trên địa bàn quận 1 thường hay có biểu hiện ngáp ngắn ngáp dài.

Nghi ngờ, mẹ cậu này đưa con trai đi xét nghiệm, kết quả: cậu bé 16 tuổi dương tính với ma tuý. Toản thừa nhận: “Con và tụi bạn chơi shisha, hút hoài cũng chán nên thỉnh thoảng bỏ thêm rượu và hàng “đá” để… phê hơn”. Cũng theo báo này, shisha mới vào Việt Nam trong vài năm trở lại đây.

Lúc đầu, nó chỉ xuất hiện ở những quán bar, vũ trường, gần đây bỗng tràn ra các quán cà phê. Nhiều quán “trà chanh shisha” cũng đua nhau quảng cáo rầm rộ trò vui này trên các trang mạng xã hội để thu hút khách- chủ yếu là giới trẻ.

Thậm chí, một vài người còn lập ra hội những người yêu thích khói thuốc shisha trênfacebook, lôi cuốn hàng ngàn thành viên tham gia. Ở các quán bar, cà phê, shisha thường được pha chế thêm nhiều hỗn chất khác chủ yếu là để bán rẻ, lãi cao.

Các quán bar, cà phê shisha thường có không gian nhỏ hẹp, ánh sáng mập mờ, nên dân shisha dễ dàng “chế” thêm các loại ma tuý, rượu vào để thưởng thức.

Hàng chục thanh niên chụm đầu hút shisha ở quán cà phê Phố.

Ở Việt Nam chưa có công trình nghiên cứu về tác hại của shisha, nhưng trên các diễn đàn, nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đều có kết luận: việc hút shisha cũng gây hại cho sức khoẻ không kém gì hút thuốc lá, nếu sử dụng nó cùng ma tuý thì càng đặc biệt nguy hiểm.

Báo cáo của WHO và Hội Ung thư Hoa Kỳ cho thấy, hút shisha một giờ, một người có thể sẽ hít nhiều gấp 100 lần đến 200 lần khối lượng khói và nhiều hơn 70% lượng nicotine so với hút thuốc lá. Một nghiên cứu vào năm 2005 cũng cho thấy người hút shisha có nguy cơ mắc bệnh răng miệng và nguy cơ bị ung thư phổi sẽ cao gấp năm lần người không hút.

Thêm một điều đáng lo ngại khác, trên thị trường xuất hiện các mặt hàng thuốc shisha trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chủ yếu là hàng Trung Quốc, khi hút vào sẽ gây cảm giác đau đầu, buồn nôn và lâu dài có khả năng gây ra tình trạng đãng trí.

Hiện nay, chưa có văn bản pháp lý nào cấm kinh doanh mặt hàng shisha. Tranh thủ điều này, nhiều quán “chế” thêm bồ đà, ma tuý tổng hợp, rượu, bia. Do đó việc kinh doanh mặt hàng này cũng tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội và gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ giới trẻ.

So với TP Hồ Chí Minh thì ở Tây Ninh phong trào hút shisha chỉ mới bắt đầu nhen nhóm. Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp quản lý, kiểm soát, tránh để giới trẻ dấn sâu vào một trò vui có khả năng huỷ hoại cuộc sống của chính mình.

Trường Sơn