BAOTAYNINH.VN trên Google News

Siêng việc nhà, giỏi việc xóm làng

Cập nhật ngày: 29/01/2010 - 05:37

Năm 1980 chị từ quê Nghệ An khăn gói vào Nam, chọn Tây Ninh làm quê hương mới. Hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng chị phải làm đủ nghề để kiếm sống. Nay hoàn cảnh gia đình có phần đỡ hơn trước nhưng anh chị cũng không khá giả mấy so với nhiều người khác.

Chị là Nguyễn Thị Ngũ hiện ngụ tại tổ 17, ấp Thạnh Phú, xã Tân Hiệp, huyện Tân Châu. Vừa là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp vừa là cộng tác viên dân số của xã, chị kiêm luôn thành viên của tổ y tế tại địa phương. Bận rộn nhiều việc nhưng trong công tác chị Ngũ đều hoàn thành tốt, được sự tin tưởng của chị em phụ nữ. Năm nào chị Ngũ cũng được xã tuyên dương. Năm 2008 chị được nhận giấy khen của Sở Y tế về thành tích trong công tác y tế. Năm 2009 chị là một trong 4 cá nhân tiêu biểu của xã Tân Hiệp được tuyên dương trong việc thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Theo chị Trần Thị Phước, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Hiệp thì: “Chị Ngũ là một cán bộ hoạt động rất năng nỗ luôn đi đầu trong mọi công tác”.

Chị Ngũ làm việc trên chiếc bàn “đa dụng”.

Ở xã Tân Hiệp, chị Ngũ cũng là một người tích cực tham gia công tác từ thiện. Chị có tài vận động bà con đóng góp giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, khi là tiền, khi là vài ký gạo… Chị làm tất cả những gì có thể để giúp người khác vì “khi tham gia những việc làm ấy tinh thần mình thấy rất thoải mái”.

Vợ chồng chị Ngũ không có con cái, nhưng anh chị không lấy làm buồn vì hiện tại anh chị đã có ba đứa con nuôi để hủ hỉ khi tuổi  già. Tuy hoàn cảnh kinh tế cũng còn nhiều khó khăn, chồng chị Ngũ là thương binh 4//4, đau ốm liên miên, gia đình chị hiện sống trong căn nhà tình thương do chính quyền và đồng đội của anh trợ giúp, nhưng anh chị không nề hà, nhận nuôi cả ba cháu trong đó có một cháu bị tật hai chân. Chị Ngũ cho hay: “Mình đã nghèo nhưng gia đình mấy đứa nhỏ này còn nghèo hơn. Bé Phước thì gia đình thuộc diện nghèo theo chuẩn Trung ương, còn bé Tuyết và anh trai thì mồ côi mẹ, gia đình cũng rất khó khăn”. Chị Ngũ cười, cho biết, mặc dù lo ngại mình không thể nuôi được những đứa trẻ ăn học đến nơi đến chốn nhưng khả năng chúng học đến đâu sẽ nuôi đến đó. Hiện tại một cháu đã nghỉ học khi xong lớp 9 đang phụ giúp anh chị chăn nuôi bò, còn lại bé Tuyết đang học lớp chín, bé Phước đang học lớp sáu.

Gia đình chị Ngũ hiện nay kinh tế cũng tạm ổn với việc chăn nuôi bò và bán quán tại nhà. Căn nhà của chị khá nhỏ nên rất chật chội, những hồ sơ sổ sách của chị được gói gọn trong một cái thùng giấy nhỏ, chị khoe từng xấp hồ sơ được bao bọc kỹ theo từng công việc riêng biệt. Ban đêm sau khi đã dọn hàng, chị lại cắm cúi làm việc trên chiếc bàn ban sáng là nơi để hàng hoá để bán. Những ngày cuối năm, chị tất bật làm đủ việc để có tiền lo Tết cho gia đình: làm đầu công giẫy cỏ thuê, phụ bán hàng ở chợ, chăm sóc người bệnh… không có việc nào chị ngần ngại. Chị nói vui: “Chăm sóc người bệnh riết thành quen, nay chị sắp thành điều dưỡng chuyên nghiệp rồi”.

Luôn bận rộn như vậy nhưng chị Ngũ vẫn dành thời gian cho công tác Hội và công tác xã hội khi có yêu cầu. Hỏi chị sẽ gắn bó với công tác Hội phụ nữ đến khi nào, chị đáp: “Còn sức thì còn làm. Vì khi tham gia công tác, đi nhiều nơi thấy nhiều hoàn cảnh còn khổ hơn mình. Và mình cũng từng trải qua những cảnh khổ ấy nên cũng muốn góp một chút gì đó giúp đỡ mọi người. Mình không có của thì góp sức, góp công vậy”.

ĐÀO NAM