Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Siết chặt kinh doanh thực phẩm chức năng trên môi trường số
Chủ nhật: 10:13 ngày 20/03/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thời gian qua, vi phạm ngày càng tràn lan trong kinh doanh thực phẩm chức năng trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Thực tế này đặt ra yêu cầu các cơ quan chức năng cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý nhằm bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng và nhà sản xuất chân chính.

Người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ trước khi chọn mua thực phẩm chức năng trên mạng xã hội. Ảnh: Quang Thái

Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Nguyễn Thị Minh Huyền cho biết, hiện tình trạng vi phạm pháp luật trên website, ứng dụng thương mại điện tử, mạng xã hội đang đặt ra nhiều thách thức. Việc kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên môi trường số ngày càng diễn biến phức tạp, trong đó nổi cộm là các mặt hàng thực phẩm chức năng làm giả xuất xứ, không đạt tiêu chuẩn công bố, không có công dụng...

Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong, trên môi trường mạng xuất hiện nhiều quảng cáo thực phẩm chức năng vi phạm thông tin sai sự thật, quá công dụng gây nhầm lẫn với thuốc chữa bệnh; quảng cáo không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận…

Thực tế, nhiều người tiêu dùng vì tin những quảng cáo này mà "tiền mất, bệnh mang". Bà Trần Minh Anh (ở phố Xuân Đỉnh, quận Tây Hồ) kể, do lo ngại di chứng hậu Covid-19 nên sau khi khỏi bệnh bà mua một loại thực phẩm chức năng có tác dụng “bổ phổi” được quảng cáo là hàng xách tay trên mạng. Tuy nhiên sau gần chục ngày sử dụng những cơn ho của bà Minh Anh vẫn không dứt mà còn mắc thêm bệnh đường tiêu hóa khiến bà rất mệt mỏi.

Trước thực trạng nêu trên, Bộ Công Thương đã tăng cường quản lý các sàn thương mại điện tử, các công ty bán hàng đa cấp kinh doanh sản phẩm thực phẩm chức năng. Nổi bật là năm 2021, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã yêu cầu các sàn thương mại điện tử, website rà soát, ngăn chặn và gỡ bỏ 7.561 gian hàng với 18.725 sản phẩm vi phạm trên các sàn và website thương mại điện tử lớn. Đơn vị này cũng phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) rà soát các website, ứng dụng thương mại điện tử và gỡ bỏ trên 200 gian hàng và trên 500 sản phẩm vi phạm…

Đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay, trong hai năm 2020-2021 đã xử phạt vi phạm quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe với 76 cơ sở, tổng số tiền phạt hơn 3,7 tỷ đồng. Cũng trong thời gian trên, Cục An toàn thực phẩm đã đăng 246 bài cảnh báo về việc sử dụng thực phẩm chức năng; chuyển tới Bộ Thông tin - Truyền thông 375 đường dẫn, trong đó có 67 đường dẫn quảng cáo vi phạm để xác định chủ thể…

Tuy nhiên, việc kiểm soát các vi phạm trong kinh doanh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe không dễ dàng do khó xác định được chủ thể quảng cáo vi phạm bởi các máy chủ đặt tại nước ngoài. Cơ quan chức năng vì thế cũng thiếu cơ sở để xử lý vi phạm. Cùng với đó là tình trạng một số sàn giao dịch thương mại điện tử chưa có biện pháp kỹ thuật để quản lý nội dung quảng cáo, bán hàng thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Để chấn chỉnh tình trạng nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng các bộ, ngành, cơ quan liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa, triển khai các giải pháp quyết liệt hơn trong việc quản lý hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng, đặc biệt là với các loại thực phẩm chức năng. Trong đó tập trung chỉ đạo các cơ quan phát hành quảng cáo thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm chức năng. Bà Trần Minh Anh (trú ở phố Lạc Long Quân, quận Tây Hồ) kiến nghị, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm và đăng công khai các đơn vị vi phạm pháp luật về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe để người dân nắm rõ.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tiếp tục tăng cường rà soát, trao đổi và cung cấp thông tin với các đơn vị liên quan để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các đối tượng lợi dụng các website, ứng dụng thương mại điện tử kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thực phẩm chức năng. “Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo và phổ biến chính sách pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, các doanh nghiệp kinh doanh chân chính, tạo môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh”, bà Nguyễn Thị Minh Huyền nhấn mạnh.

Nguồn hanoimoi

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục