Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thị trường Tết năm 2022:
Siêu thị dự trữ hàng hoá sớm, chợ truyền thống im lìm
Thứ tư: 01:15 ngày 05/01/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Còn gần 1 tháng nữa đến Tết Nguyên đán năm 2022, tại các khu chợ, siêu thị, không khí mua sắm tết nóng dần lên. Trong khi các hệ thống siêu thị tăng cường dự trữ hàng hoá bán tết sớm, các khu chợ truyền thống lại đìu hiu, vắng vẻ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Khách hàng mua bánh kẹo, mứt tại Siêu thị Co.opmart Tây Ninh.

Siêu thị dự trữ hàng hoá sớm

Dạo một vòng quanh siêu thị Co.opmart Tây Ninh thời gian này đã thấy mặt hàng bánh mứt, các món ăn truyền thống cho ngày tết được sắp xếp lên kệ, trưng bày đẹp mắt, sinh động.

Theo ông Nguyễn Văn Bảo- Giám đốc siêu thị Co.opmart Tây Ninh, để chuẩn bị tốt nguồn hàng phục vụ tết, ngay từ giữa năm nay, siêu thị đã có kế hoạch phối hợp với các đơn vị sản xuất, nhà cung cấp chuẩn bị kế hoạch tăng cường dự trữ lượng hàng thiết yếu lên 20%.

Trong đó, phần lớn ưu tiên đầu tư cho trữ lượng các nhóm hàng bình ổn thị trường gồm gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thuỷ hải sản, còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản tết. Co.opmart Tây Ninh tăng cường tần suất kiểm soát chất lượng hàng hoá trong giai đoạn kinh doanh cao điểm này, đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm thời vụ tết.

Bên cạnh các mặt hàng truyền thống tết, năm nay, siêu thị Co.opmart Tây Ninh kịp bổ sung hơn 200 mặt hàng thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ dưỡng để tăng cường sức khoẻ cho người tiêu dùng trong mùa dịch, được chia theo 3 nhóm: thực phẩm làm đẹp, thực phẩm giảm cân và thực phẩm bổ trợ như viên sữa ong chúa, nước collagen, yến tinh chế, yến sợi trắng tinh chế, trà thảo dược nhuỵ hoa nghệ tây, trà thảo mộc, vitamin, viên sủi… với giá bán mỗi sản phẩm chỉ từ 200.000 đồng, rất phù hợp để làm quà biếu trong dịp tết.

Siêu thị Co.opmart Tây Ninh cũng cố gắng giữ và giảm giá trong giai đoạn cuối năm. Đặc biệt, để giảm áp lực mua sắm cho người dân, siêu thị duy trì song song các chương trình khuyến mãi tặng quà, điểm thưởng mức cao, phiếu quà tặng… Ngoài ra, những ngày cận tết, Co.opmart Tây Ninh sẽ tăng cường nhóm hàng thực phẩm tươi sống, các món chế biến sẵn để gia tăng tính tiện lợi và tiết kiệm thời gian cho người tiêu dùng.

Từ đầu tháng 12.2021, Co.opmart Tây Ninh đã khởi động giai đoạn kinh doanh cao điểm tết và tổ chức giảm giá khuyến mãi 8 tuần liên tục đối với các ngành hàng đồ dùng, may mặc, hoá phẩm, thực phẩm công nghệ… để kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh người dân đang thắt chặt chi tiêu.

Ngoài ra, Co.opmart Tây Ninh còn thực hiện chính sách khuyến mãi giỏ quà tết, được gói theo yêu cầu của khách hàng và doanh nghiệp. Dịp tết năm nay, siêu thị Co.opmart Tây Ninh tiếp tục thực hiện dịch vụ “Gắn kết tình thân - Tết xa thêm gần”, khách hàng có thể đến một siêu thị Co.opmart, chọn và đặt giỏ quà, sau đó, siêu thị sẽ giao giỏ quà miễn phí.

Để phòng, chống dịch trong thời gian cao điểm phục vụ tết nguyên đán, siêu thị thực hiện test nhanh Covid-19 định kỳ 1 tuần/lần cho nhân viên các bộ phân tiếp xúc nhiều với khách hàng và tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của tỉnh, Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ, như: sàng lọc khai báo y tế điện tử, dán mã QR, bố trí máy đo thân nhiệt tự động, dung dịch khử khuẩn tại lối ra vào để thuận lợi cho khách hàng/nhân viên siêu thị thực hiện khai báo y tế, đo thân nhiệt.

Tổ chức lực lượng kiểm tra giám sát, nhắc nhở việc tuân thủ 5K của nhân viên và khách hàng; kiểm soát lượng khách hàng vào tham quan mua sắm. Đặc biệt, để giảm mật độ khách hàng đến mua sắm trong dịp tết, siêu thị đẩy mạnh dịch vụ giao hàng tận nơi qua các kênh mua sắm trực tuyến của siêu thị: Zalo, Facebook, fanpage, số điện thoại tổng đài…

Khác hàng mua bánh mứt tại một sạp bánh mứt ở Trung tâm Thương mại Long Hoa.

Chợ truyền thống gặp khó sau dịch

Mặc dù đã bước qua tháng Chạp nhưng các khu chợ truyền thống bán bánh mứt tết nổi tiếng của tỉnh như Trung tâm thương mại Long Hoa hay chợ thành phố Tây Ninh vẫn vắng vẻ khách mua sắm, khiến nhiều tiểu thương thấp thỏm. Nhiều hộ kinh doanh buôn bán ế ẩm quyết định đóng cửa tiệm, không bán trong dịp tết này. Điều này khiến việc kinh doanh của tiểu thương ở các chợ truyền thống vốn đã khó khăn trong các đợt dịch trước, nay càng thêm lao đao.

Bà Phương Liên, chủ một tiệm bánh kẹo ở Trung tâm thương mại Long Hoa (phường Long Hoa, thị xã Hoà Thành) vừa bày biện bánh mứt bán tết vừa chia sẻ: mọi năm, giữa tháng 11 âm lịch, gian hàng bánh mứt tết của bà đã đầy ắp hàng hoá tết, năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh nên đến đầu tháng Chạp bà mới dọn hàng.

Sau dịch bệnh, chợ rất vắng vẻ, người dân e ngại dịch bệnh không còn đi chợ thường xuyên. “Trước sự cạnh tranh của các thị trường hàng hoá bên ngoài: nhà phân phối, siêu thị, tạp hoá, cửa hàng tiện lợi… tiểu thương buôn bán ở chợ ngày càng gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, vì là nghề của truyền thống gia đình nên dù dịch bệnh, vắng khách tôi vẫn cố gắng lấy hàng buôn bán trong dịp tết. Một phần bán cho khách quen, phần để có bánh mứt phục vụ gia đình ngày tết”- bà Liên nói.

Nhiều tiểu thương bán bánh mứt tại chợ thành phố Tây Ninh (phường 2, TP. Tây Ninh) cũng lo âu vì gần đến tết nhưng khu chợ vẫn khá vắng vẻ, không còn không khí náo nức người dân đi chợ sắm đồ tết như mọi năm. Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo, chủ sạp bánh kẹo, mứt tại chợ thành phố Tây Ninh cho biết, sau dịch bệnh, khu chợ rất vắng khách. Thấy tình hình mua bán dịp tết không khả quan, chị Thảo nhập hàng giảm hơn 70% so với mọi năm.

Chị chia sẻ: “Lo lắng dịch bệnh trong dịp tết, tôi nhập hàng dè chừng mỗi món 1 thùng, khi nào hết thì lấy thêm, không dám nhập nhiều sợ tồn hàng qua tết khó bán. Hiện tại vẫn chưa có nhiều khách đến mua bánh kẹo, mứt, chỉ có vài khách đến mua số lượng ít để dùng. Bây giờ các tiểu thương ở chợ chỉ mong những ngày cận tết khách đến mua sẽ đông hơn. Hy vọng tình hình dịch bệnh sẽ ổn định để người dân yên tâm mua bán, có thêm thu nhập”.

Ngọc Bích - Lê Thuỳ

Nhằm tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần- 2022, UBND tỉnh yêu cầu Sở Công Thương theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn thời gian qua để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và tết nguyên đán hoặc trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.

Phối hợp với các sở, ngành có liên quan tăng cường triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, chương trình bình ổn thị trường, kết nối cung cầu, đưa hàng hoá nông thôn ra thành thị; tham mưu phương án điều tiết, hỗ trợ bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hoá bình ổn, hàng hoá thiết yếu đến khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, các huyện ngoại thành, các khu vực bị cách ly do dịch bệnh, vùng sâu vùng xa… trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền sâu rộng việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường đối với các lĩnh vực về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn.

Tích cực thực hiện các giải pháp, kế hoạch bảo đảm cung ứng điện, xăng dầu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân- nhất là trong dịp tết; không cắt điện trong dịp tết, giám sát chặt chẽ chất lượng xăng dầu; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục