Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Khoảng cách tốt nhất giữa hai lần sinh là 27-32 tháng, nếu gần hơn có thể khiến các cha mẹ căng thẳng, nếu xa hơn có thể không tốt cho sức khỏe người mẹ.
Tiến sĩ tâm lý học Justin Coulson, chuyên gia nuôi dạy con của chương trình “Parental Guidance” trên Channel Nine (Australia) tiến hành một nghiên cứu để tìm ra đáp án cho câu hỏi “Sinh con cách nhau bao nhiêu tuổi là lý tưởng?”.
Ông có 6 con với khoảng cách tuổi tác từ 14 tháng tới 4 tuổi rưỡi. Từ những gì quan sát được khi làm việc với các gia đình và với con cái mình, ông chỉ ra rằng khoảng cách tuổi tác giữa các con lớn hơn có xu hướng tốt hơn.
Justin Coulson cho biết, cha mẹ có những đứa con gần tuổi nhau hơn có xu hướng mệt mỏi hơn rất nhiều và ít có khả năng đầu tư toàn tâm toàn ý vì họ kiệt sức và cạn kiệt nguồn lực. Trong khi đó, nếu sinh con thưa, cha mẹ ít đặt ra yêu cầu cho bản thân, có khả năng cảm xúc cao hơn, do đó hoạt động tốt hơn và con được cha mẹ chăm sóc kỹ càng hơn.
Điểm lợi của việc sinh con sàn sàn tuổi nhau là những đứa trẻ trở thành bạn. Việc nuôi dạy con cái dễ dàng hơn vì bạn có thể dạy chúng cùng một khái niệm cùng một lúc. Tuy nhiên, chúng sẽ tranh giành nhau rất nhiều thay vì biết nhường nhịn. Đối với những trẻ có khoảng cách tuổi lớn hơn 5 tuổi, trẻ lớn hơn có thể giúp ích nhiều hơn cho trẻ nhỏ hơn, do đó bạn sẽ giảm bớt căng thẳng chung với tư cách là cha mẹ.
Ảnh minh họa: iStock
Tuy vậy, tiến sĩ Coulson nói rằng mỗi gia đình có điều kiện khác nhau nên có nhiều yếu tố góp phần quyết định việc thu hẹp khoảng cách giữa tuổi những đứa trẻ. Tiến sĩ cũng nhấn mạnh, hạnh phúc của cha mẹ là điều quan trọng nhất, do đó chất lượng mối quan hệ giữa vợ chồng cũng nên được quan tâm.
Trong một nghiên cứu khác, nhà tâm lý học Mỹ Cara Goodwin, đã chỉ ra khoảng cách tuổi của những đứa trẻ từ 27-32 tháng có thể mang lại kết quả sức khỏe thể chất, tinh thần tốt nhất cho mẹ và con.
“Xét về mối quan hệ anh chị em, anh chị em gần tuổi nhau có xu hướng đánh nhau nhiều hơn nhưng cũng gần gũi nhau hơn, điều này có thể mang lại lợi ích tích cực cho các kỹ năng xã hội”, chuyên gia nói.
Dưới góc độ y tế, các chuyên gia khuyên không nên sinh con chênh nhau quá nhiều tuổi. Điều này liên hệ trực tiếp tới sức khỏe người mẹ. Các nhà nghiên cứu nhận định, khoảng cách giữa các lần mang thai dài hơn có thể có tác động tiêu cực vì cơ thể người mẹ sau khi sinh con sẽ mất dần trạng thái chuẩn bị để mang thai. Những bà mẹ không mang thai trong nhiều năm sau lần sinh con trước có thể có các yếu tố nguy cơ sức khỏe, gây ra các vấn đề về khả năng sinh sản, thậm chí có khả năng xảy ra biến chứng khi mang thai và sinh nở lần kế tiếp.
Trong khi đó, giảng viên cao cấp về tâm lý học tại Đại học Sunshine Coast, Rachael Sharman, cho biết mọi người thực sự cần suy nghĩ về nguồn lực của mình, cả tiền bạc và thời gian. Nên tính toán cả đến việc người mẹ có thời gian phục hồi sau khi mang thai, cho con bú, trước khi quyết định sinh con tiếp theo.
Nguồn VNE