Phù điêu Chiếng thắng Tua Hai. Ảnh: Đ.H.T.
Trong biên bản xác nhận thành tích của các đảng viên trong lòng địch, đồng chí Phạm Việt Ngữ, nguyên Bí thư Huyện uỷ Châu Thành ghi rõ: “Năm 1957-1958, tôi là Huyện uỷ viên phụ trách Binh vận huyện.
Tháng 3.1958, ta đã tổ chức được 3 cơ sở nội tuyến đầu tiên là Nguyễn Kúc, Lê Cơ, Lê Uy. Các đồng chí này trong vai trò lính nguỵ, được giao lãnh đạo tất cả các phong trào đấu tranh chống luyện tập, gây mất trật tự quân ngũ, đấu tranh đòi cải thiện đời sống, gây tâm lý bi quan trong hàng ngũ lính nguỵ thuộc Trung đoàn 39 ở Tua Hai.
Ngày 10.8.1958, Ban Binh vận Huyện uỷ Châu Thành đã kết nạp Ðảng cho Nguyễn Kúc, Lê Cơ, Lê Uy; sau đó, đồng chí Nguyễn Kúc giữ chức bí thư chi bộ và chi bộ này được giao xây dựng, lãnh đạo chi đoàn, gây dựng thêm cơ sở để phát triển tổ chức.
Quá trình hoạt động, chi bộ đã vận động binh sĩ nguỵ hơn 200 người; báo cáo cung cấp tình hình phòng thủ địch, báo cáo luôn cả mật hiệu hằng đêm địch tuần tra canh gác, tạo điều kiện cho ta vẽ sơ đồ nghiên cứu đánh tập kích thành công Căn cứ Tua Hai năm 1960, thu nhiều súng đạn phục vụ đồng khởi vũ trang toàn Ðông Nam bộ. Mà quả thật là tìm được địa điểm kết nạp Ðảng cho các đồng chí này rất khó, vì họ đang là lính nguỵ, ở trong Căn cứ Tua Hai, lại còn yếu tố bí mật nữa”.
Lão đồng chí Lê Cơ năm nay đã 60 năm tuổi Ðảng. Chúng tôi tìm đến căn nhà trọ nơi ông tá túc và bốc thuốc nam trị bệnh cho dân nghèo ở ấp 1, xã Hoà Phú, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh- nơi chỉ cách quê hương Tây Ninh vài cây số.
Nghe nhắc đến Tua Hai, ông thật sự xúc động: “Sáng hôm đó, tôi nhận chỉ thị là trưa phải có mặt tại một địa điểm gần trung tâm thị xã. Sau đó, cơ sở đưa tôi đến một căn nhà liền kề… Ty Cảnh sát Tây Ninh. Trong nhà có sẵn một cái bàn dài, sáu cái ghế đẩu, trên vách có treo ảnh Bác Hồ và trên bàn là bình bông vạn thọ.
Khi ấy chúng tôi biết nhau, mắt chúng tôi đều cay xè vì xúc động và bất ngờ vì được kết nạp Ðảng giữa tứ bề là địch, giữa cao điểm của chiến dịch “Tố Cộng, diệt Cộng” mà Mỹ-nguỵ đang ra sức thi hành. Mãi mãi tôi biết ơn sự tài trí của Tỉnh uỷ Tây Ninh, Huyện uỷ Châu Thành… Trọn đời theo Ðảng, chi bộ ngày ấy giờ chỉ còn tôi, các đồng chí Nguyễn Kúc, Lê Uy đều đã qua đời!".
Hồi ký của Bí thư Chi bộ Nguyễn Kúc có đoạn: “Cấp trên phân công chúng tôi vẽ sơ đồ toàn bộ khu vực bố trí quân của địch trong Tua Hai, ghi rõ vị trí chỉ huy trung đoàn, tiểu đoàn; dãy nhà sĩ quan, dãy nhà lính, kho vũ khí, nhà thông tin, điện đài. Sơ đồ này phải chỉ rõ đường vào, đường vòng tránh vọng gác, nơi có gài mìn.
Nhờ vậy mà tôi biết được ban đêm thì địch thu súng lại hết của binh sĩ cất vào kho, chỉ có bọn gác mới có súng. Và cách liên lạc là sử dụng “hộp thư” mật là chiếc lon sữa bò chôn dưới gốc cây cầy”. Nghe nhắc đến đoạn này, lão đồng chí Lê Cơ hào hứng kể: “Chi bộ sinh hoạt Ðảng bằng cách gặp mặt nhau rồi trao đổi nhanh nội dung, sau đó giải tán vì anh Nguyễn Kúc lúc đó là thư ký trung đoàn, Lê Uy là lính mật mã còn tôi là lính trực tổng đài nên các tin tức quan trọng chúng tôi đều nắm được và chuyền ra bên ngoài. Thêm nữa, chúng tôi còn giác ngộ thêm 235 binh lính nguỵ trở thành cảm tình với cách mạng, nhờ vậy khi diễn ra trận đánh Căn cứ Tua Hai, số lính này chỉ ngồi yên, không chống trả”.
Theo Lịch sử Ðảng bộ Tây Ninh và theo lời kể của những người trong cuộc, chi bộ đã báo cáo đồng chí Phạm Việt Ngữ xin binh biến bằng cách “đánh từ trong ra, ngoài đánh vào” nhưng Bí thư Tỉnh uỷ Võ Văn Truyện lúc ấy chưa duyệt vì thời cơ chưa chín muồi, và chưa thỉnh thị được với Thường vụ Xứ uỷ Nam bộ.
Ðiều này đã được đồng chí Phạm Việt Ngữ nhắc lại: “Chi bộ có đề nghị phối hợp lực lượng vũ trang bên ngoài tiêu diệt Căn cứ Tua Hai vì lúc đó ta còn có 30 đoàn viên và 235 binh lính cảm tình cách mạng trong lòng địch. Nhưng ngày 20.1.1959, Tỉnh uỷ Tây Ninh chỉ đạo chi bộ tiếp tục mai phục chờ thời cơ.
Mà thật vậy, khi đến đúng cơ hội, Tỉnh uỷ Tây Ninh đã chỉ đạo cơ sở trong lòng địch vận động binh sĩ nguỵ trong Trung đoàn 32 về quê ăn tết để làm suy yếu chúng nên một phần lớn cảm tình cách mạng bỏ về nhà, một phần ở lại đã không chống trả khi ta đánh Căn cứ Tua Hai ngày 26.1.1960”.
Căn cứ Tua Hai sau khi bị ta đánh phá chỉ còn mỗi cổng thành. Ảnh tư liệu P.TK
Theo Lịch sử Quân sự Quân khu 7, Căn cứ Tua Hai được quân nguỵ Sài Gòn chọn làm vị trí đóng quân của Trung đoàn 32 nhằm kiểm soát, kìm kẹp phong trào cách mạng ở Tây Ninh. Căn cứ Tua Hai được xây dựng trên một khu đất bằng, cấu trúc hình vuông mỗi cạnh dài khoảng 800m, xung quanh có tường thành bao bọc; được địch canh phòng với hàng chục vọng gác và ụ chiến đấu, quân số thường xuyên của Trung đoàn 32 lên tới 1.694 tên được trang bị vũ khí hiện đại.
Thực hiện nhiệm vụ của Xứ uỷ Nam bộ cần tập trung lực lượng đánh một trận lớn để mở màn phong trào vũ trang đồng khởi ở miền Ðông Nam bộ. Phương án tác chiến là dựa vào thông tin cơ sở trong lòng địch rồi sử dụng lực lượng đặc công, bí mật đột nhập dùng trái nổ diệt sở chỉ huy; đồng thời, các đơn vị bộ binh đồng loạt xung phong trên các hướng tiêu diệt các mục tiêu còn lại.
Trận đánh Tua Hai có tổng quân số 225 cán bộ chiến sĩ và 300 dân công phục vụ mục đích chủ yếu: “chiếm đoạt vũ khí”. Và quả thật, trận tiến công Căn cứ Tua Hai là trận đánh giành thắng lợi vang dội nhất ở chiến trường miền Ðông Nam bộ từ sau năm 1954 đến năm 1960, có tác động mạnh mẽ, mở màn cao trào Ðồng khởi ở Ðông Nam bộ. Từ thắng lợi của trận đánh, ta đã thu được một lượng lớn vũ khí, kịp thời trang bị cho các đơn vị địa phương tiến công địch trong quá trình đồng khởi vũ trang.
Diễn biến trận tập kích Căn cứ Tua Hai của lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ (đêm 25 rạng 26 tháng 1 năm 1960).
Giờ thì chi bộ trong lòng địch ngày nào chỉ còn lại lão đồng chí Lê Cơ ngày ngày bốc thuốc Nam từ thiện. Các đồng chí Nguyễn Kúc, Lê Uy đều đã mất vì di chứng tàn bạo của địch. Hỏi vì sao từ một cán bộ binh vận, lại biết nghề cao quý này, ông kể rằng trong thời gian bị địch bắt, tra tấn rồi đày ra Côn Ðảo, ông học lóm từ một lão thành cách mạng khác, dùng để tự trị bệnh cho mình và cho bạn tù.
Cho nên dù hiện chỉ hưởng lương hưu và trợ cấp thương binh khoảng 7 triệu đồng/tháng, ông vẫn muốn hành thiện giúp dân nghèo như lời thề khi đi theo Ðảng. Vậy nên ngoài khoản chi tiêu dè sẻn sau khi trừ chi phí thuê nhà 3 triệu đồng/tháng, cứ mỗi năm một lần, ông lại mang tiền tích cóp được đóng góp cho các công việc thiện nguyện.
Lại hỏi làm sao mà nhớ hết các bài thuốc nam, ông bảo dùng viết ghi chi chít chữ trong mặt sau của áo tù, sau đó ra tù thì chép lại lên giấy, rồi tự học nâng cao tay nghề qua việc đọc thêm sách Ðông nam dược…
Ông Lê Cơ và vợ.
Lịch sử đã ghi nhớ sự kiện đặc biệt Chiến thắng Tua Hai như một mốc son chói lọi, thì cũng cần tôn vinh xứng đáng vai trò của chi bộ Ðảng đầu tiên trong Căn cứ Tua Hai và cá nhân từng đảng viên, từng con người. Bởi khi biết và tôn trọng quá khứ, trân trọng tiền nhân, chúng ta mới có tương lai thật sự tươi sáng!
DƯƠNG MINH ANH