Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sinh viên bỏ học giữa chừng vì lo thất nghiệp

Cập nhật ngày: 12/06/2016 - 10:33

Tình trạng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp đang diễn ra phổ biến. Ảnh ST.

Bỏ học để tìm việc phù hợp

Nhìn vào thực tế cử nhân, thạc sỹ không tìm được việc làm và nhận thấy khả năng bản thân sau khi ra trường khó có thể xin được công việc phù hợp nên đã có một số sinh viên đã quyết định bỏ học giữa chừng.

Đang là sinh viên năm thứ 2 ngành Quản trị nhân lực, Hệ Cao đẳng của trường Đại học N. Hà Nội, Trương Bích Thủy đã quyết định nghỉ học để về quê mở quán ăn. Theo Thủy, dù có học hết hệ cao đẳng và học liên thông lên đại học sau khi tốt nghiệp cũng khó khăn tìm được việc làm.

“Ngay từ khi em học năm nhất, gia đình đã nhờ mối quan hệ để xin cho em vào làm hành chính ở TP. Hà Giang (Hà Giang) sau này. Nhưng sau 2 năm học, gia đình đã nhận được thông báo không còn “suất” nào làm hành chính ở thành phố. Sau khi biết thông tin đó em đã suy nghĩ rất nhiều và quyết định nghỉ học để về mở quán ăn để giảm chi phí cho gia đình”, Thủy cho biết. 

Thủy tâm sự, trong hai năm học vừa qua, gia đình đã chi 150 triệu đồng để em đi học, nếu học tiếp năm thứ 3 gia đình cũng phải chi thêm gần 100 triệu đồng nữa. Sau khi, tốt nghiệp gia đình cũng phải bỏ ra một khoản tiền tương đương với 3 năm học cao đẳng  để... nhờ người xin việc.

“Nhờ được người xin việc phù hợp với ngành nghề đang học của em rất khó. Nếu xin được việc với đồng lương 3 triệu/tháng, không biết bao giờ có thể thu lại số tiền nhờ người xin việc. Với số tiền đó, em có thể làm vốn để kinh doanh tại sao cứ phải cố học để có một  tấm bằng”, Thủy cho biết.

Chia sẻ về quyết định của mình, Thủy cho biết: “Khi biết em quyết định nghỉ học giữa chừng gia đình phản đối vì cho rằng đi học có tấm bằng cũng hơn so với những người không đi học. Tuy nhiên, sau khi thuyết phục, gia đình cũng đã ủng hộ quyết định này và tạo điều kiện để kiện để em kinh doanh. Đối với em đi học có tấm bằng chỉ là cái danh, quan trọng có công việc ổn định có thể nuôi sống được bản thân. Hiện có nhiều bạn trẻ không có bằng đại học cũng có thể kiếm vài chục triệu một tháng, vậy tại sao mình lại phải cứ bám vào bằng đại học để ra trường lại thất nghiệp”.

Tương tự, Trần Văn Hưng cũng quyết định bỏ học khi đang học năm 2 trường Cao đẳng Công nghiệp Hóa chất (Phú Thọ) để đi học nghề vì nhận thấy ra trường sẽ không tìm kiếm được việc làm phù hợp.

Hưng chia sẻ: “Lúc đầu đi học cũng hy vọng ra trường sẽ tìm được việc làm như mong muốn nhưng hiện có quá nhiều cử nhân, thạc sĩ không tìm được việc làm nên em đã quyết định nghỉ học. Sau khi nghỉ học em đã quyết định đi học nghề để ra trường có thể kiếm được một công việc ổn định”.

Khi nhận giấy báo đỗ vào Đại học Thái nguyên, Đỗ Văn Mai (Hà Giang) rất vui mừng nhưng nhận thấy sau khi học 4 năm đại học nhiều người đã rất khó khăn để xin được một công việc phù hợp. Do vậy, Mai đã quyết định không đi học và nộp hồ sơ xin làm côn nhân tại Công ty Samsung (Thái Nguyên). Sau hai năm đi làm, hiện mỗi tháng Mai thu nhập khoảng 10 triệu đồng. “Mình chịu khó làm tăng ca và chi tiêu tiết kiệm để sau này có chút vốn để về quê mở một cửa hàng điện tử”, Mai cho biết.

Chia sẻ về quyết định không đi học đại học, Mai nói: “Sau một thời gian đi làm em nhận thấy quyết định của mình là đúng đắn. Tại sao phải cố gắng mất một khoản tiền đi học đại học để khi ra trường lại đi làm công nhân”.

Nhiều tồn tại trong đào tạo đại học

Hiện các trường đại học, cao đẳng chỉ chú trọng đến việc đào tạo lý thuyết nên sau khi ra trường sinh viên thiếu kỹ năng thực hành và không thể đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyển dụng. “Trong suốt quá trình đi học, sinh viên chủ yếu được dạy lý thuyết, thời gian thực hành rất ít. Do đó khi ra trường, sinh viên không biết công việc cụ thể mình phải làm là gì nên cũng khó xin việc vào các công ty, cơ quan Nhà nước”, Thủy chia sẻ.

Tại buổi làm việc với đại diện lãnh đạo của các trường đại học, học viện, cao đẳng trực thuộc Bộ Giáo dục- Đào tạo về vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục đại học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế của giáo dục trong thời gian qua. Đó là sự bất cập trong quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng; chương trình đào tạo chậm đổi mới, một số trường gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển sinh.

Ngoài ra, đội ngũ giảng viên cơ hữu. Nhiều sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm đúng với chuyên môn đào tạo... Những tồn tại, hạn chế này cần sớm được khắc phục để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

Trước những thông tin sinh viên lo lắng ra trường không tìm được việc làm nên đã nghỉ học giữa chừng để đi học nghề và làm công nhân, Thứ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết: “Năm nay, số lượng thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia thi để xét tuyển đại học, cao đẳng ít hơn các năm trước do một số chỉ muốn tốt nghiệp THPT để đi học nghề và làm việc. Các em tùy thuộc vào năng lực của bản thân, nếu thấy phù hợp thi đại học, còn không phù hợp có thể đi học nghề”. 

Dù rằng nâng cao chất lượng đào tạo là điều cần thiết, nhưng Bộ Giáo dục- Đào tạo cần phải thực hiện phân luồng học sinh để các em sớm có hướng phát triển cho bản thân để tránh tình trạng lãng phí nguồn nhân lực. Đồng thời, người học cũng không phải mất nhiều thời gian và tiền bạc để tìm ra hướng đi phù hợp với bản thân.

Nguồn HQ Online