Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Sinh viên đi bán tiểu cầu
Chủ nhật: 07:38 ngày 13/08/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Với 400.000 đồng cho một lần lấy đơn, 700.000 đồng cho một lần lấy đôi, nhiều sinh viên đã chọn việc bán tiểu cầu để kiếm tiền trang trải chi phí sinh hoạt.


Nhân viên điều dưỡng chăm sóc cho người “chạy” tiểu cầu - Ảnh: H.LY.

8h sáng, tôi đến khu 25 - Trung tâm truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), tòa nhà sáu tầng bên cạnh điểm phát cơm miễn phí cho bệnh nhân. Trong số 25 người đang đợi để hiến máu, phân nửa là người trẻ, và đa số trong đó là sinh viên. Chưa tính thêm 15 người đã nằm trong phòng “chạy” tiểu cầu.

Thiếu tiền... lại đi

Tại TP.HCM có ba nơi để bán máu hoặc “chạy” tiểu cầu: Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Quân y 175.

Hiện nhiều người kẹt tiền, đi “chạy” tiểu cầu phổ biến hơn đi hiến máu. Lý do đơn giản là vì nhiều tiền hơn và khoảng cách giữa các lần hiến ngắn hơn, khoảng 2-3 tuần.

Ngồi cạnh tôi là V.H.H. - sinh viên một trường ĐH tại quận 1 - vừa được lấy máu xét nghiệm. H. nói không nhớ rõ đây là lần thứ bao nhiêu đi bán tiểu cầu, chỉ biết khi cần tiền mà không biết xoay đâu ra H. lại đến đây.

“Mới lần đầu đến hả, cầm CMND đến đằng kia lấy phiếu điền vô, xong mang vào trong nộp lại để lấy máu xét nghiệm, được thì người ta lấy, không thì trả lại” - biết tôi là sinh viên, H. hướng dẫn tận tình.

“Bác sĩ cho máy hút máu trong người rồi qua máy chạy tiểu cầu, máy sẽ lọc và giữ lại mỗi tiểu cầu với một ít huyết tương thôi, rồi trả máu về lại nên không chóng mặt như bán máu đâu, yên tâm” - H. tư vấn.

Tôi làm y như H. hướng dẫn, điền thông tin vào phiếu rồi đi lấy máu, khám sức khỏe và ngồi đợi kết quả.

“Sau một tiếng mà không thấy họ gọi đến trả đơn thì coi như là qua rồi đó, uống trà đường để lát vào hiến” - H. đưa tôi ly trà đường vẫn còn ấm.

Nếu đậu, tôi sẽ có ít nhất 400.000 đồng (lấy đơn, 250ml tiểu cầu), nhiều hơn sẽ có 700.000 đồng (lấy đôi, tương ứng với 500ml). Việc lấy bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào chỉ định của bác sĩ.

Theo một điều dưỡng tại đây: “Sinh viên đến bán ở đây khá nhiều, cứ khi nào cần tiền thì họ đến thôi, có một số quen đến mức tôi nhớ mặt”.

Hai tiếng sau, những người bán tiểu cầu được gọi tên, phòng “chạy” tiểu cầu của bệnh viện với hơn 15 giường, được trang bị máy móc hiện đại và luôn ở chế độ lạnh.

Mỗi lần máy hút gần 300ml máu để tiến hành lọc. Sau đó lại trả về cơ thể rồi lại tiến hành lượt khác.

Mỗi lượt như vậy mất 10-20 phút, lặp lại 6-10 vòng tùy thuộc thể trạng cơ thể người hiến và số lượng tiểu cầu cần lấy.

Khi máy tự động báo lấy đủ, máu trả về hết, người hiến sẽ dùng băng dán ven chích lại và ngồi tầm năm phút để cơ thể ổn định, như vậy là đã xong một lần đi bán tiểu cầu.

Bước từ trong phòng lấy tiểu cầu ra, Minh - quê ở Gia Lai, nam sinh viên - một tay giữ cho miếng gạc trên tay không bị tuột ra, tay kia xách balô và túi quà.

Ngoài tiền bán tiểu cầu, mỗi người đến hiến sẽ nhận được suất ăn với một gói bánh mì, ba hộp sữa tươi và một vỉ thuốc sắt.

Ngồi xuống ghế, Minh thở một hơi rõ dài như vừa hoàn thành nhiệm vụ gì lớn lao lắm. Trên trán còn lấm tấm vài giọt mồ hôi, đi biết bao nhiêu lần rồi nhưng Minh vẫn sợ.

“Mỗi lần cắm kim vào là mình cứ cố gắng nghĩ sang chuyện khác để quên cái kim được đâm vào tay mình, không dám nhìn nữa” - Minh nói.

Mấy lần kia chạy thì không sao, nhưng thời gian này phải ôn thi nhiều nên Minh thấy hơi mệt. Thi xong, Minh cần tiền về quê nhưng không muốn xin bố mẹ nên lại vào đây.

“Đi học mình tự làm thêm để chi tiêu hết, chỉ lúc nào đóng học phí bố mẹ giúp thêm một ít chứ ở quê cũng làm gì có tiền” - vừa nói Minh vừa lấy tay chỉnh lại băng gạc.

Qua mặt bác sĩ

Một chiếc quần thể thao, áo thun xanh và đeo túi xách con con, đó là P.T.T.H. - sinh viên một trường ĐH ở Q.Thủ Đức - ngồi lặng lẽ, đợi gọi tên. Hỏi thăm mới biết cô gái này đã có “thâm niên” hơn 20 lần “chạy” tiểu cầu.

Tình cờ biết đến “dịch vụ” này khi tham gia một câu lạc bộ tình nguyện tại trường, H. đã đến thử và xem đây như một “nghề” làm thêm và có thể kiếm tiền. H. quê Bình Định, mang theo niềm vui đậu ĐH bước chân vào Sài Gòn.

Cuộc sống ở quê không khá giả nhưng cha mẹ đã cố gắng sắm cho H. một chiếc xe máy để tiện đi lại, học tập.

Nhưng rồi chiếc xe bị trộm lấy mất. H. sợ không dám nói với ba mẹ nên cố gắng vừa đi làm thêm vừa “chạy” tiểu cầu để kiếm đủ tiền mua lại chiếc xe mới.

Có những tháng H. “ghé thăm” bệnh viện đến ba lần chỉ để bán tiểu cầu. “Khoảng hai tuần là mình có thể bán lại được rồi.

Đầu tháng mình ghé Bệnh viện Chợ Rẫy, 10-12 ngày sau mình qua Bệnh viện Truyền máu - huyết học rồi cuối tháng lại quay về đây.

Quan trọng là trên tay mình có còn dấu ven hay không, nếu bác sĩ nhận ra là bị trả lại ngay” - H. thổ lộ về những “thủ thuật” để được hiến nhiều lần.

Nhiều lúc H. cũng thấy mình choáng, nhưng cố gắng tẩm bổ để phục hồi sức khỏe và chuẩn bị cho lần “chạy” kế tiếp.

Một tháng mới được “chạy” tiểu cầu một lần

Theo bác sĩ Phù Chí Dũng - Giám đốc Bệnh viện Truyền máu - huyết học TP.HCM: tiểu cầu là những tế bào máu giống như hồng cầu, bạch cầu, có chức năng cầm máu bằng cách làm máu vón cục và đông lại, giúp chúng ta hàn kín vết thương.

“Chạy” tiểu cầu là quá trình máu đi vào máy lọc ly tâm để tách tiểu cầu ra khỏi các thành phần khác của máu.

Đời sống của tiểu cầu kéo dài 8-12 ngày nên nếu chúng ta không hiến tiểu cầu thì cơ thể sẽ đào thải để sản sinh lượng tiểu cầu mới.

Mỗi lần hiến, số lượng tiểu cầu mất khoảng 20% so với ban đầu. Nghĩa là khi hiến tiểu cầu bằng máy thì người hiến phải có số lượng tiểu cầu hơn 200.000 tiểu cầu/mm3.

Sau khi hiến, số lượng tiểu cầu sẽ còn 160.000 - 170.000 tiểu cầu/mm3. Số lượng tiểu cầu này vẫn ở mức bình thường (150.000 - 300.000 tiểu cầu/mm3) nên không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trên thế giới, người ta vẫn cho phép hai tuần thì có thể hiến lại nhưng tại Việt Nam, vì sức khỏe của người Việt không giống người nước ngoài, chế độ dinh dưỡng không đảm bảo nên hiện tại ở bệnh viện vẫn quy định bốn tuần mới hiến lại để đảm bảo sức khỏe và tiểu cầu hồi phục.

Việc một số người vẫn cố gắng hiến nhiều lần trong thời gian ngắn ở nhiều trung tâm khác nhau, bệnh viện vẫn không kiểm soát được, chỉ trừ khi bác sĩ phát hiện dấu tích vẫn còn thì sẽ không chấp nhận.

“Vấn đề này cần có sự kết nối trên hệ thống giữa các trung tâm truyền máu ở TP để quản lý hồ sơ người hiến máu mới không có tình trạng người hiến nhiều lần nữa. Hiện tại chỉ có biện pháp khám sức khỏe và xét nghiệm máu trước khi hiến, nếu đạt yêu cầu chúng tôi vẫn cho hiến” - ông Dũng nói.

“Tiện hơn bán máu”

H. cho biết bán tiểu cầu tiện hơn nhiều so với bán máu. Mỗi lần lấy đôi được 700.000 đồng, trong khi lấy máu chỉ có 400.000 đồng. Thời gian bán lại được rút ngắn, chỉ 20 ngày có thể bán lại lần hai, còn hiến máu thì phải đợi đến ba tháng.

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục