Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Nói đến dân ca trữ tình của người Nùng ở Thái Nguyên là phải nói đến Sli - đây là một thể loại dân ca độc đáo của người Nùng.
Nói đến dân ca trữ tình của người Nùng ở Thái Nguyên là phải nói đến Sli - đây là một thể loại dân ca độc đáo của người Nùng. Người Nùng có nhiều nhánh, mỗi nhánh lại có điệu Sli riêng: người Nùng Giang có Sli Giang, Người Nùng Cháo có Sli sình làng, người Nùng Phàn Slình có nhì hau, soong hàu…
Sli Nùng là những bài văn vần, mỗi câu bảy chữ, mỗi bài có từ 4 đến 8 câu hoặc dài tới vài trăm câu. Một cuộc hát Sli thường tổ chức hát đối đáp giữa chủ và khách, có thể hát trong nhiều đêm, mỗi bên ít nhất có hai người hát. Các cuộc Sli đều có nhiều người nghe. Người Nùng rất say mê nghe Sli vì thế tục ngữ Nùng có câu: đêm ốm dài, đêm sli ngắn. Một cuộc sli thường có 3 phần: Những bài hát chào mời thăm hỏi, những bài hát trao đổi tình cảm, ca ngợi quê hương và những bài hát tiễn biệt.
Sli mượn hiện tượng như ngày, giờ, tháng, năm, mây, mưa, trăng, sao, các mùa cho đến các hiện tượng lịch sử xã hội để làm đề tài, qua đó bộc lộ tình cảm kín đáo của mình:
Sao sáng lung linh rơi khắp nơi
Lấy vạt áo hứng sao chẳng rơi
Lấy vạt áo hứng sao chẳng rụng
Nó lại rơi xuống biển xa xôi
Về cách thức, Sli có thể được phân biệt làm hai loại: này sli và dằm sli. Này sli gần như là cách nói vần vè, hát trong những cuộc vui, thay cho lời mời còn dằm sli được hát lên giọng, xuống giọng theo một thang giọng nhất định, hát trong những cuộc sli được tổ chức quy mô, có hát đối đáp giữa chủ và khách. Trong cuộc hát ở chặng hát chào mời, sli sử dụng lối nói bóng bẩy lịch sự để chào khách. Trong lời hát chia tay người hát thể hiện nỗi lòng gắn kết tha thiết
Đôi ta sli hát đến tàn canh
Cùng nhau sli hát đến lòng thành
Sáng ra tạm biệt đi mỗi ngả
Yêu em tan nát cả lòng anh
Hiện nay, do sống chung với đồng bào các dân tộc anh em, người Nùng Thái Nguyên tiếp nhận thêm nhiều nét văn hóa của các dân tộc khác nhưng dân ca trữ tình sli vẫn được bảo tồn và phát huy tác dụng.
K.D (st)