Công nghệ   Thiết bị số

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Smartphone 2025 sẽ thế nào 

Cập nhật ngày: 11/02/2020 - 17:51

Smartphone 2025 sẽ có thiết kế đa dạng, không còn cổng kết nối hay phím vật lý và hỗ trợ tốt hơn nhu cầu của người dùng.

Tạm biệt cổng kết nối

Tất cả cổng kết nối có thể sớm bị bỏ trên smartphone. Ảnh: Digital Trends.

Không chỉ là nơi đọng nước và bụi bẩn, cổng kết nối còn chiếm một phần không gian quý giá bên trong smartphone, cũng như khiến thiết kế tổng thể của thiết bị kém thẩm mỹ.

Apple là công ty đầu tiên khai tử giắc cắm tai nghe. Dù công ty phải hứng chịu nhiều chỉ trích khi loại bỏ cổng 3,5 milimet tiêu chuẩn trên iPhone 7, hầu hết hãng smartphone khác đều chạy theo xu hướng này. Nhìn chung, sự phổ biến của các mẫu tai nghe Bluetooth và True-Wireless như Apple AirPods khiến việc thiếu giắc cắm tai nghe không còn là vấn đề quá lớn.

Khi toàn bộ cổng kết nối trên smartphone bị loại bỏ, người dùng sẽ không phải đem theo một mớ dây dợ lằng nhằng hay mò mẫm cắm sạc vào ban đêm. Các hãng điện thoại Android, đặc biệt là Samsung, đang tiên phong trong công nghệ sạc không dây. Hiện nay, người dùng có thể nạp đầy pin cho smartphone nhanh hơn, đồng thời không cần đặt thiết bị vào vị trí chính xác trên đế sạc.

Apple sẽ sớm tham gia vào cuộc đua phát triển công nghệ này. Công ty được cho là đã lên kế hoạch ra mắt thế hệ iPhone không cổng kết nối. Ngoài ra, một số nhà sản xuất phụ kiện đã phát triển và thử nghiệm đế sạc không dây từ xa.

Một thiết bị sạc không dây qua sóng vô tuyến (RF) của Powercast cho phép sạc 30 thiết bị đồng thời trong phạm vi 25 mét. Ảnh: Cnet.

"Trong tương lai, chúng tôi cho rằng người dùng có thể mong đợi về những chiếc điện thoại với thiết kế liền mạch, toàn màn hình và trang bị nhiều tính năng hơn. Cổng kết nối và phím bấm vật lý sẽ bị loại bỏ hoặc tích hợp bên trong thiết bị", Ruben Castano, Phó Chủ tịch phụ trách thiết kế Motorola dự đoán. "Chúng tôi đã thực hiện điều này với cảm biến vân tay. Giờ đây, cảm biến vân tay đã tích hợp bên trong màn hình, thay vì đặt ở mặt lưng. Tương tự, sạc không dây và tai nghe Bluetooth phổ biến sẽ khiến cổng kết nối trở nên thừa thãi".

Phím bấm vật lý bị khai tử

Tương tự cổng kết nối, các phím bấm vật lý đang cản trở sự sáng tạo trong thiết kế smartphone. Trong vòng hai năm qua, các nhà sản xuất đã thay thế cảm biến vân tay nhúng trong màn hình trên các mẫu flagship cao cấp. Xét trên tốc độ phản hồi và độ tin cậy, các cảm biến này đều được đánh giá khá tốt. Hơn nữa, công nghệ nhận diện khuôn mặt ứng dụng rộng rãi giúp người dùng mở khóa thiết bị thuận tiện hơn mà không cần nhấn bất kỳ phím nào.

"Thao tác cử chỉ thường dùng trên màn hình điện thoại hiện nay có thể được thực hiện trên bất kỳ bề mặt vật liệu nào", Castano cho biết. "Đối với các nhà sản xuất điện thoại, công nghệ mới này là sự kết hợp giữa những yếu tố về phần cứng, phần mềm và trải nghiệm người dùng. Bề mặt cứng có thể được số hóa ‘theo nhu cầu’, với khả năng nhận thức và học hỏi về thói quen sử dụng theo thời gian".

HTC U12 Plus, kế thừa tính năng cảm ứng cạnh viền của U11, cho phép người dùng tùy biến chức năng theo từng thao tác bóp cạnh và thay đổi độ nhạy của cảm biến lực. Ảnh: Android Pit.

Năm 2018, HTC đã trình làng U12 Plus không phím bấm vật lý nhờ dải cảm biến lực bố trí dọc theo viền máy. Người dùng có thể thiết lập chức năng tùy vào thao tác bóp cạnh. Ví dụ, siết mạnh để gọi Google Assistant, nhấn đúp để thay phím Back, nhấn và giữ để khóa tính năng xoay màn hình... Sentons, "cha đẻ" công nghệ cảm ứng cạnh viền của HTC U12 Plus, đã cải tiến tính năng này trên Asus ROG Phone 2. Tại CES 2020, phiên bản nâng cấp của Sentons cũng được các chuyên gia đánh giá rất cao.

Trong khi đó, UltraSense Systems, start-up trụ sở ở California, có giải pháp khác để hiện thực hóa smartphone không phím vật lý. Công ty đã phát triển loại cảm biến lực siêu nhỏ TouchPoint để khắc phục vấn đề cố hữu của máy đo biến dạng, ngoại lực và sóng âm bề mặt với các vật liệu dày. Tuy nhiên, công nghệ này vẫn cần thêm thời gian để hoàn thiện.

"Chúng tôi đã tạo ra một công nghệ cảm ứng trên bất kỳ bề mặt nào nhờ sóng siêu âm", Daniel Goehl, Giám đốc kinh doanh UltraSense Systems nói. "Giải pháp của chúng tôi hoạt động kể cả trên bề mặt ẩm, bám dầu hay bụi bẩn".

Công nghệ của UltraSense Systems hứa hẹn cho phép các nhà sản xuất giảm độ dày khung kim loại để cải thiện khả năng thu nhận sóng hoặc thiết kế smartphone với màn hình tràn viền hay "thác nước".

Công nghệ tương lai cho phép người dùng chạm vào mặt lưng smartphone để chụp ảnh selfie hay vuốt cạnh máy để điều chỉnh âm lượng. Bên cạnh đó là khả năng tùy biến tùy theo nhu cầu cá nhân, gồm thiết lập bề mặt cảm ứng và thao tác chạm khác nhau.

Theo Geohl, tốc độ phản hồi và độ nhạy của cảm biến lực trên bề mặt cũng có thể tùy chỉnh theo mục đích của nhà sản xuất. Ông tiết lộ rằng, UltraSense System đang hợp tác với một số hãng smartphone hàng đầu và hy vọng kết quả khả quan vào cuối năm 2020.

Tương lai của smartphone màn hình gập

Galaxy Fold (trái) và Motorola Razr 2019 (phải). Ảnh: Tom's Guide.

Trong vài năm qua, xu hướng thiết kế smartphone thay đổi theo thị hiếu người dùng. Các nhà sản xuất đã giảm kích thước viền màn hình, đổi công nghệ tấm nền và tích hợp cơ chế camera thò thụt. Tuy nhiên, việc vô số linh kiện quan trọng nằm bên dưới khiến nhiệm vụ tăng tối đa kích thước hiển thị trở nên bất khả thi. Màn hình dẻo có thể gập lại được coi là giải pháp hiệu quả nhất, đồng thời giúp thu hẹp khoảng cách giữa smartphone và máy tính bảng.

"Chúng tôi cho rằng màn hình gập sẽ đóng vai trò quan trọng trong kỷ nguyên smartphone tiếp theo", Castano. "Chúng tôi mới chỉ bắt đầu nhận ra tiềm năng của nó".

Khi điện thoại phát triển như máy tính cá nhân bỏ túi, tính di động có thể bị lãng quên. Ví dụ, Samsung trình làng Galaxy Fold với kích thước khi mở ra tương đương máy tính bảng. Motorola cũng tìm cách kết hợp thiết kế điện thoại vỏ sò với công nghệ hiện đại để tạo ra Razr 2019.

"Người dùng đang tìm kiếm một mẫu smartphone mang tính di động của điện thoại nắp gập, trong khi trang bị tính năng thông minh và màn hình lớn", Castano giải thích. "Thiết kế smartphone nắp gập có thể đáp ứng nhu cầu về màn hình và tính di động, trong khi thiết kế smartphone với màn hình ‘thác nước’ cung cấp kích thước hiển thị lớn hớn".

Dù các nhà sản xuất đều tin smartphone màn hình gập là xu hướng thiết kế tiếp theo, chưa công ty nào tìm ra hình mẫu lý tưởng.

Surface Duo thiết kế với hai màn hình độc lập. Ảnh: The Verge.

Microsoft đang theo đuổi thiết kế hai màn hình độc lập như Surface Duo. TCL tuyên bố đang phát triển 30 nguyên mẫu smartphone gập khác nhau. Hầu hết công ty đều có quan điểm riêng trong thiết kế smartphone gập để thay thế dạng thanh truyền thống.

"Các thử nghiệm với công nghệ màn hình và thiết kế mới sẽ đóng vai trò quan trọng trong thập kỷ tiếp theo của smartphone", Castano nói. "Màn hình ‘thác nước’ sẽ trở nên phổ biến hơn. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong chờ sự xuất hiện của những thiết kế đột phá khác".

Cá nhân hóa smartphone

Thị trường smartphone cao cấp được đánh giá là ngày càng phân mảnh. Mỗi năm, các hãng smartphone lớn như Apple, Samsung hay Huawei giới thiệu ba flagship trở lên với mức giá khác nhau. Nhiều nhà sản xuất đã nỗ lực thay đổi thiết kế trở nên nhàm chán qua nhiều năm và hướng đến thiết bị phù hợp mục đích sử dụng của từng người.

"Chiến lược của chúng tôi là tập trung vào dòng smartphone phù hợp nhu cầu sử dụng trong thập kỷ tới. Cuộc cách mạng trò chơi di động sẽ mang đến cho thị trường những mẫu smartphone chơi game chuyên dụng với thời lượng pin dài, hệ thống âm thanh sống động và màn hình tần số refresh cao", Castano nhận định. "Còn người dùng yêu thích mạng xã hội sẽ quan tâm tới mẫu smartphone khả năng ghi hình chuyên nghiệp và truyền phát video không độ trễ".

Xiaomi BlackShark 2 hướng tới người dùng thích giải trí bằng các tựa game di động. Ảnh: Android Pit.

Hầu hết flagship hiện đều trang bị camera độ phân giải cao, tốc độ xử lý ấn tượng và kết nối siêu nhanh. Tuy nhiên, chúng đôi khi cung cấp nhiều tính năng hơn mức cần thiết. Nếu giá thành smartphone tiếp tục tăng, các nhà sản xuất sẽ phải tạo ra các mẫu smartphone phục vụ sở thích và lối sống cụ thể để cân bằng chi phí sản xuất và thu hút người dùng nâng cấp thiết bị.

Nguồn VNE (theo Digital Trends)