Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Smartphone Huawei đối mặt tương lai mờ mịt
Thứ tư: 08:56 ngày 19/08/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Mảng di động của Huawei có thể suy yếu nhanh chóng sau hàng loạt lệnh cấm từ hệ điều hành Android đến chip xử lý của chính phủ Mỹ.

Hơn hai năm trước, Huawei tuyên bố đặt mục tiêu trở thành hãng smartphone lớn nhất thế giới trong 2020. Giấc mơ của hãng điện tử Trung Quốc đã trở thành hiện thực vào tháng 7 năm nay khi lần đầu vươn lên đứng đầu doanh số bán hàng toàn cầu trong quý II.

Mảng di động của Huawei có thể suy yếu nhanh sau các lệnh cấm của Mỹ. Ảnh: Reuters.

Để có được thành tựu này, Huawei đã đổ "tiền tấn" vào rất nhiều hạng mục, từ các trung tâm R&D tỷ "đô", đến tự cung cấp chip nhớ, hợp tác với các hãng lớn chuyên về camera, cho đến thiết kế sản phẩm tiên phong. Không thể phủ nhận rằng smartphone Huawei ngày càng đẹp, nhiều tính năng, camera hàng đầu, vi xử lý cạnh tranh "sòng phẳng" với Qualcomm và Apple.

Nhưng mọi thứ đang sụp đổ sau các lệnh cấm của Mỹ.

"Vòng kim cô" của Mỹ

Tháng 5/2019, chính quyền Tổng thống Donald Trump liệt Huawei vào danh sách thực thể với lý do "đe dọa an ninh quốc gia", đồng thời cấm các doanh nghiệp nước này làm ăn với công ty Trung Quốc.

"Phát súng" đầu tiên được đưa ra là cấm Huawei sử dụng dịch vụ Google trên các thiết bị di động. "Ở thị trường ngoài Trung Quốc, việc thiếu dịch vụ Google là vấn đề lớn. Huawei có thể tạm thời tập trung vào những phiên bản cũ, giá rẻ cho thị trường đang phát triển, nhưng chiến lược này không thể kéo dài và cũng không giúp họ tiến xa", Bryan Ma, Phó chủ tịch IDC, nói với CNBC.

Khi không còn loạt dịch vụ của Google, như Gmail, YouTube, Search... smartphone Huawei kém hấp dẫn hơn hẳn ở thị trường ngoài Trung Quốc. Hãng đã phải thu hẹp quy mô, rút lui ở hàng loạt khu vực trọng điểm, như châu Âu, Đông Nam Á... Thành tích dẫn đầu thị phần toàn cầu quý II của Huawei phần lớn nhờ sự ủng hộ của người dùng Trung Quốc.

Giữa tháng 5 năm nay, Huawei tiếp tục chịu thêm "đòn đau" khi chính quyền Mỹ yêu cầu các công ty nước ngoài phải xin giấy phép sử dụng công nghệ, phần mềm Mỹ nếu muốn sử dụng chip do Huawei thiết kế.

Việc kinh doanh smartphone của Huawei khó khăn ở thị trường bên ngoài Trung Quốc do thiếu dịch vụ Google. Ảnh: Reuters.

Ngày 15/8, đại diện Google xác nhận giấy phép chung tạm thời (TGL) với Huawei đã hết hạn từ ngày 13/8. Những smartphone của công ty ra mắt trước ngày 15/5/2019 có thể không còn được cấp phép Google Mobile Services nữa - nghĩa là không cập nhật được hệ điều hành Android mới, còn các dịch vụ Gmail, YouTube, Search... sẽ bị giới hạn.

Ngày 17/8, chính phủ Mỹ tiếp tục thu hẹp tầm ảnh hưởng của Huawei khi thêm 38 chi nhánh của công ty này vào "danh sách đen". Mục đích là ngăn Huawei tiếp cận chip và công nghệ sản xuất chip, khiến công ty Trung Quốc không thể mua sản phẩm bán dẫn hay bất kỳ loại chip nào được sản xuất bằng phần mềm hoặc công nghệ Mỹ nếu không có giấy phép đặc biệt. Động thái này cũng hạn chế tình huống Huawei sẽ "lách luật", sử dụng bên thứ ba để tiếp cận công nghệ chip trong thương mại.

"Chúng tôi đang trong tình huống khó khăn", Richard Yu, CEO mảng thiết bị điện tử tiêu dùng của Huawei, thừa nhận.

Khó bán hàng ở thị trường quốc tế

Việc được người dùng Trung Quốc ủng hộ là lý do giúp Huawei "lên đỉnh" thị trường smartphone trong quý II/2020. Theo số liệu từ Canalys, 70% doanh số của hãng trong quý vừa qua được bán tại Trung Quốc. Số liệu của IDC cũng cho thấy, smartphone Huawei bán chạy nhất tại Trung Quốc với hơn 40 triệu máy, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở thị trường ngoài Trung Quốc, hãng đang chứng kiến sự suy giảm mạnh mẽ. Theo Canalys, doanh số bán hàng của hãng trong quý II vừa qua giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo giới phân tích, việc sụt giảm trên chủ yếu liên quan đến lý do không có loạt dịch vụ của Google, và đây là điều đã được dự đoán trước. Khi việc sản xuất chip cũng không thể thực hiện, sắp tới đây, doanh số smartphone Huawei còn giảm tiếp.

Smartphone Huawei được người dùng trong nước ủng hộ. Ảnh: Nikkei.

Nicole Peng, nhà phân tích của công ty nghiên cứu thị trường Canalys, cho rằng nếu không thể tiếp tục với chip Kirin, Huawei có thể chuyển sang sản phẩm của MediaTek. Will Wong, nhà phân tích của IDC, cùng quan điểm, cho rằng công ty Trung Quốc nên tận dụng chipset bán sẵn nếu không được sản xuất chip riêng.

Dù vậy, ông Peng cho rằng việc chuyển qua dùng chip của MediaTek sẽ "xói mòn lợi thế cạnh tranh" của Huawei khi nói đến phần cứng. "Việc không còn chip Kirin chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu 'tạo sự khác biệt và độc nhất' trên smartphone hãng", Peng nhận xét.

Chip Kirin có ưu điểm nhanh, công nghệ tiên tiến, tích hợp AI, xử lý đồ họa tốt và có 5G. Trong khi chip MediaTek chưa có được những điểm nhấn này. "Việc không thể tiếp tục sản xuất Kirin sẽ khiến vị trí của Huawei trên thị trường smartphone không còn chắc chắn, đặc biệt là với smartphone cao cấp. Việc này cũng làm tổn hại đến hình ảnh thương hiệu quốc gia vốn rất quan trọng với Huawei", Wong nhận định.

Chuyên gia này cũng cho rằng việc dựa trên một chip kém mạnh hơn từ đối thủ có thể khiến Huawei mất lợi thế sân nhà, bởi các công ty đồng hương khác, như Vivo, Oppo và Xiaomi, cũng đang hợp tác với MediaTek hay Qualcomm. "Đó sẽ là sự cạnh tranh khốc liệt", Peng nói.

Mỹ đang "cắt đường sống" của Huawei

HiSilicon Technologies hiện là công ty chịu trách nhiệm thiết kế chip cho Huawei. Tuy nhiên, việc gia công phải nhờ đến TSMC - hãng gia công bán dẫn lớn nhất thế giới, hiện sản xuất chip cho Apple và một số công ty khác - thực hiện.

Lệnh cấm của Mỹ sẽ không cho phép TSMC sản xuất chip cho Huawei trong tương lai, do công ty này sử dụng một số công nghệ liên quan đến Mỹ. Ông Yu hôm 14/8 thừa nhận rằng công ty của ông sẽ không thể nhận bất kỳ chip tùy chỉnh nào từ TSMC. "Do đợt trừng phạt thứ hai của Mỹ, việc sản xuất chip sẽ ngừng lại sau 15/9", Yu nói. "Rất có thể thời gian tới là những ngày cuối cùng của dòng chip Kirin. Huawei đã mất 10 năm để phát triển chip. Đó là mất mát lớn đối với chúng tôi".

Mảng di động của Huawei có thể ảm đạm. Ảnh: Reuters.

Huawei đang tìm đến một số giải pháp thay thế. Một nguồn tin tiết lộ, ngoài MediaTek và Qualcomm, công ty đang để mắt đến nhà phát triển chip di động Trung Quốc Unisoc Communications. "Chúng tôi nhận thấy, Huawei đã thử tất cả chip di động, bao gồm nền tảng của MediaTek và Qualcomm, sau phán quyết của Mỹ hồi tháng 5", một giám đốc chuỗi cung ứng tại Trung Quốc tiết lộ với Nikkei. "Huawei không muốn từ bỏ mảng smartphone đã dày công gây dựng".

Sau lệnh cấm hồi tháng 5, Huawei vẫn có thể mua một số linh kiện không phải của Mỹ như cảm biến hình ảnh của Sony, chip điều khiển của Sharp và chip nhớ của Samsung, SK Hynix, do những công ty này không có công nghệ Mỹ. Sau lệnh cấm mở rộng mới hôm 17/8, chuỗi cung ứng của công ty Trung Quốc gần như bị gian đoạn.

Bất kỳ chip hay linh kiện bán dẫn nào trên thế giới đều cần công cụ thiết kế do công ty Mỹ cung cấp, chẳng hạn Cadence Design Systems & Synopsys thiết kế chip, Applied Materials, Lam Research và nhiều công ty khác chế tạo, sản xuất chip và linh kiện bán dẫn. Phạm vi áp dụng của lệnh cấm mới có thể ảnh hưởng tới cả các bộ phận điện tử quan trọng khác, như màn hình hiển thị cần dùng vật liệu từ công ty Corning, 3M của Mỹ.

"Mọi công đoạn sản xuất chất bán dẫn thuộc bất kỳ loại nào trên thế giới đều phải tuân theo các yêu cầu về giấy phép của Mỹ. Chúng sẽ có sự liên quan ở nhiều hình thức, cả trực tiếp lẫn gián tiếp", luật sư Kavin Wolf, một chuyên gia về kiểm soát thương mại hóa và xuất khẩu, nói.

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, nhấn mạnh đã hạn chế quyền tiếp cận của Huawei với công nghệ Mỹ, kể cả việc thông qua bên thứ ba.

Jonah Cheng, Giám đốc công ty đầu tư J&J Investment kiêm nhà phân tích tại UBS, đánh giá Huawei có thể đã gom đủ lượng chip để sử dụng ngắn hạn. Do đó, lệnh cấm của Mỹ sẽ không lập tức gây ảnh hưởng đến hãng điện tử Trung Quốc.

"Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các động thái của chính phủ Mỹ, liệu họ có sửa đổi lệnh cấm với Huawei sau bầu cử diễn ra tháng 11 sắp tới hay không và Bắc Kinh sẽ phản ứng thế nào nếu lệnh cấm vẫn không được dỡ bỏ", Cheng nói.

Còn theo Neil Mawston, chuyên gia phân tích của Strategy Analytics, bộ phận smartphone của Huawei có thể vẫn ổn trong phần còn lại của năm 2020. Tuy nhiên, trong hai năm tiếp theo, "cuộc chơi" có thể hoàn toàn khác.

Nguồn VNE

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục