Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Smartphone Trung Quốc với nỗi lo dịch kéo dài
Thứ hai: 10:38 ngày 10/02/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nhiều hãng smartphone Trung Quốc vẫn đủ máy bán tại Việt Nam trong vài tháng tới, nhưng sẽ gặp khó nếu dịch kéo dài.

Theo đại diện một vài nhà bán lẻ, một số hãng điện thoại, phụ kiện tại Trung Quốc cũng như nhà phân phối của họ tại Việt Nam đã gửi thông báo về việc "nguồn hàng sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới". Dù chưa có kế hoạch cụ thể, các nhà bán lẻ  cũng đang phối hợp với các đơn vị phân phối sản phẩm từ Trung Quốc để đảm bảo lượng hàng trong kho trước những diễn biến khó lường của dịch viêm phổi do virus corona tại Trung Quốc.

Đây cũng là tình trạng chung của các hãng smartphone Trung Quốc trên toàn cầu. Theo SCMP, trong năm 2020, các nhà sản xuất điện thoại tại Trung Quốc có thể sẽ giảm lượng smartphone xuất xưởng 5% so với dự kiến.

 

Lượng smartphone Trung Quốc xuất xưởng năm 2020 có thể giảm so với dự kiến. Ảnh: Lưu Quý

Dịch bệnh khiến nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng xấu, kéo theo mức chi tiêu của người dùng dành cho smartphone giảm. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt nguồn cung ứng, nhân lực, có thể khiến cho hoạt động sản xuất của các nhà máy tại Trung Quốc bị đình trệ, trong khi đất nước này là nơi cung cấp 70% lượng smartphone trên toàn thế giới. Theo báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường Canalys, lượng smartphone xuất khẩu từ nước này có thể sẽ giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2013.

Sự ảnh hưởng được cho là sẽ bắt đầu từ quý II/2020, bởi lượng điện thoại bán trong quý I năm nay vốn đã được chuẩn bị trước từ cuối năm 2019.

Đại diện Oppo Việt Nam cho biết đơn vị này đã tích trữ hàng hóa từ cuối năm 2019, đảm bảo cho việc kinh doanh ít nhất đến hết tháng 4 năm nay. Oppo hiện là hãng có thị phần smartphone lớn thứ hai Việt Nam. Hãng vẫn giữ kế hoạch ra mắt sản phẩm mới tại sự kiện MWC 2020 sắp tới.

Trong khi đó, nguồn tin từ một hãng chuyên cung cấp smartphone và phụ kiện lớn từ Trung Quốc cho biết, đơn vị này cũng chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh do không có kế hoạch ra mắt sản phẩm trong quý I năm nay. "Nhu cầu mua sắm sau Tết không quá nhiều, vì vậy lượng hàng tích trữ từ trước Tết vẫn đủ đáp ứng. Nhưng nếu qua quý I, nguồn cung không được cải thiện, chắc chắn công ty sẽ gặp khó khăn", người đại diện cho biết.

Trong một bài viết trên trang cá nhân, Lu Weibing, Phó chủ tịch Xiaomi kiêm Tổng giám đốc thương hiệu Redmi, xin lỗi người dùng vì một số sản phẩm hết hàng, đồng thời khẳng định tình hình sẽ được cải thiện sau ngày trở lại làm việc 10/2. "Việc phát hành các sản phẩm mới đã bị gián đoạn và chúng tôi đang thực hiện các điều chỉnh. Ngành công nghiệp smartphone đang gặp khó khăn trong năm nay và chúng tôi cần thêm nỗ lực để khắc phục điều này", ông Lu viết.

Còn với Huawei, hãng này cho biết đã nối lại một phần hoạt động trên toàn cầu. Các đơn vị của Huawei ngoài Trung Quốc đã làm việc bình thường, từ cung ứng đến bán hàng, đồng thời công ty cũng sẽ tăng cường hoạt động để bù đắp ở giai đoạn thích hợp.

Mặc dù các công ty điện thoại đưa ra bình luận lạc quan, theo các nhà phân tích, tất cả sẽ phải trông chờ vào diễn biến của dịch bệnh và gần nhất là tình hình sản xuất của các nhà máy, chuỗi cung ứng vào ngày 10/2 tới, khi các công ty Trung Quốc trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết dài.

Một số hãng smartphone cho biết sẽ đẩy mạnh hoạt động tại các nhà máy ở Ấn Độ hoặc Đông Nam Á để giảm áp lực cho nhà máy tại Trung Quốc, tuy nhiên, điều này khó khả thi nếu chuỗi cung ứng linh kiện vẫn phụ thuộc Trung Quốc. Phần lớn smartphone hiện nay tại các thị trường này là hàng SKD (lắp ráp trong nước), nhưng có một phần linh kiện được nhập khẩu. 

"88% linh kiện của máy SKD tại Ấn Độ đến từ Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam và Nhật Bản, trong đó, Trung Quốc là nhà cung cấp lớn nhất. Chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nếu dịch bệnh không được kiểm soát nhanh", Tarun Pathak, Phó Giám đốc công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research nói.

Nguồn VNE

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục