Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tây Ninh, trong tuần 38 có 286 ca mắc SXH được ghi nhận, giảm 328 ca so với tuần 37 (giảm 12,8%).
Người dân chờ lấy mẫu xét nghiệm sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh.
Địa phương có số ca mắc SXH cao nhất vẫn là thị xã Trảng Bàng 71 ca, thành phố Tây Ninh 39 ca, huyện Gò Dầu 38 ca. So với tuần 36 và tuần 35, số ca mắc SXH giảm mạnh (từ 34,9% giảm còn 29,7%). Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2021 tăng 35,75 lần (8 ca). Tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh, từ đầu tháng 9.2022 đến nay đã tiếp nhận 43 ca mắc SXH, chủ yếu là trẻ em.
Tính từ đầu năm đến hiện tại, tổng số ca mắc SXH là 9.613 ca, tăng 467,14 lần so với cùng kỳ năm 2021 (16.895 ca). Trong đó, ghi nhận 5 ca tử vong ở các huyện: Gò Dầu (2 ca), Tân Châu (1 ca), Bến Cầu (1 ca) và TP. Tây Ninh (1 ca).
Luỹ kế, địa phương có số ca mắc SXH cao nhất là thị xã Trảng Bàng 1.763 ca, TP. Tây Ninh 1.561 ca, huyện Dương Minh Châu 1.296 ca, Tân Châu 1.136 ca.
Trẻ mắc SXH đang điều trị tại khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh.
Mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, để kéo giảm số ca mắc SXH trên địa bàn, ngăn chặn kịp thời nguy cơ tiềm ẩn gây bùng phát dịch SXH, ngành Y tế và chính quyền địa phương tăng cường giám sát chỉ số muỗi, lăng quăng ở khu vực nguy cơ cao để có giải pháp ứng phó kịp thời.
Đồng thời, chú trọng công tác truyền thông, hướng dẫn người dân diệt lăng quăng, diệt muỗi, phát hiện sớm các trường hợp mắc hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh tại hộ gia đình nhằm điều trị và xử lý sớm, triệt để ổ dịch, không để lây lan ra cộng đồng.
Tâm Giang