Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Phòng, chống dịch bệnh mùa mưa:
Số ca sốt xuất huyết tăng mạnh
Thứ tư: 01:25 ngày 14/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ở Tây Ninh, trong khi bệnh viêm não Nhật Bản và Zika chưa phát hiện ca nào thì SXH đã bùng phát mạnh tại một số địa phương trong tỉnh. Tính đến hết ngày 31.5, toàn tỉnh có 471 ca mắc SXH- tăng 42 ca so với cùng kỳ năm 2016.

Một ca mắc SXH điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh (ảnh chụp ngày 1.6).

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ sau tết nguyên đán, số ca SXH đã xuất hiện rải rác trong các tháng. Ngay trong tháng 5 vừa qua có tổng cộng 18 ca mắc SXH điều trị tại bệnh viện.

Bác sĩ Huỳnh Văn Đệ- Trưởng khoa Nhiễm- Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhận xét, nếu những năm trước đây, dịch bệnh SXH thường bùng phát theo mùa và thường là vào mùa mưa thì năm nay, SXH diễn biến khá phức tạp, không theo mùa mà các ca mắc SXH xuất hiện rải rác từ sau tết nguyên đán.

Đến khoảng tháng 4, 5 khi bắt đầu bước vào mùa mưa thì số ca mắc tăng dần, tỷ lệ ca mắc ở trẻ em cao hơn người lớn. Hầu hết các ca bệnh SXH nhập viện đều được điều trị kịp thời, xuất viện sớm.

Trảng Bàng “soán ngôi” Châu Thành

Tính đến ngày 31.5, số ca mắc SXH ở huyện Trảng Bàng dẫn đầu toàn tỉnh với 165 ca- tăng 110 ca so với cùng kỳ năm 2016 (năm 2016 địa phương có số ca SXH cao nhất là Châu Thành).

Chỉ riêng trong tháng 5 vừa qua, toàn huyện Trảng Bàng có 33 ca mắc SXH (tháng này năm trước chỉ có 7 ca). Các ca mắc xuất hiện chủ yếu tại các xã như Gia Lộc, An Tịnh, An Hoà và thị trấn Trảng Bàng.

Do số ca mắc tăng cao nên năm nay số ổ dịch trên địa bàn huyện cũng cao hơn mọi năm. Cán bộ chuyên trách công tác phòng, chống dịch bệnh của huyện đã phối hợp với các trạm y tế xã xử lý hơn 30 ổ dịch, góp phần hạn chế số ca mắc SXH trên địa bàn. Nhìn chung, tình hình dịch bệnh SXH năm nay có nhiều thay đổi.

Trong khi huyện Trảng Bàng có số ca mắc SXH cao nhất tỉnh hiện nay thì huyện Châu Thành- tính đến hết tháng 5 vừa qua có tổng cộng 50 ca mắc SXH- giảm đáng kể so với cùng kỳ.

Đứng thứ hai trên “bảng xếp hạng” SXH năm nay là thành phố Tây Ninh với 67 ca mắc (tính đến ngày 28.5)- tăng 5,97% so với cùng kỳ năm 2016.

Điều đáng chú ý là trong những năm qua, thành phố Tây Ninh luôn có số ca mắc SXH cao, nguyên nhân đầu tiên là do dân cư Thành phố đông hơn so với các huyện còn lại. Năm nay, các ca mắc chủ yếu xuất hiện ở  phường 1 (11 ca), Ninh Sơn (10 ca), phường IV (9 ca), phường 3 (8 ca).

Mưa nhiều kéo dài không chỉ tạo điều kiện cho muỗi mòng sinh sôi phát triển mà còn gây khó khăn cho công tác vệ sinh, phun thuốc khử trùng tại các ổ dịch SXH, đồng thời làm giảm tác dụng của thuốc phun do bị rửa trôi.

Người dân còn chủ quan

Có thể nói, ngày nay, SXH không còn là một bệnh lạ đối với mọi người. Những năm qua, công tác tuyên truyền phòng, chống bệnh SXH luôn được các cấp, các ngành- đặc biệt là ngành Y tế tỉnh nhà quan tâm thực hiện bằng nhiều biện pháp.

Nhưng chính sự chủ quan của không ít người dân lại tạo điều kiện cho dịch bệnh SXH bùng phát hằng năm.

Phòng, chống dịch bệnh SXH chỉ cần những biện pháp thật đơn giản như: giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, thoáng đãng; thường xuyên phát quang bụi rậm; không để các lu, vại… chứa nước xung quanh nhà (dễ tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng), chủ động diệt trừ lăng quăng... nhưng không phải ai cũng để tâm thực hiện.

Cần biết SXH là loại bệnh mang tính xã hội, môi trường cao; cho dù không mắc bệnh tại nhà, chúng ta cũng có thể bị mắc bệnh từ nơi khác nếu môi trường nơi đó đủ điều kiện để cho muỗi gây bệnh phát triển. Do đó, mỗi người phải tự ý thức và thực hiện đồng loạt các thao tác phòng, chống bệnh ngay từ ban đầu, vì “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

 Ông Nguyễn Văn Giàu- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Trảng Bàng- địa phương đang dẫn đầu về SXH nhận định rằng, người dân trên địa bàn huyện vẫn còn chủ quan trước dịch bệnh SXH.

Từng có trường hợp khi cán bộ y tế đến nhà có ca bệnh SXH để phun thuốc khử trùng mới phát hiện: điều kiện vệ sinh nơi ở của người bệnh rất kém. Những nơi ẩm thấp, không sạch sẽ, có nhiều ao tù nước đọng đều là nguồn nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong khu dân cư.

“SXH là bệnh thường gặp nhưng dễ chuyển biến nặng nếu không kịp thời phát hiện và điều trị. Vì vậy, mọi người dân đều không nên lơ là, chủ quan với căn bệnh này”- ông Giàu khuyến cáo. Cho đến nay, bệnh SXH vẫn chưa có thuốc đặc trị và vắc-xin phòng ngừa.

Trong suy nghĩ của nhiều người, bệnh SXH chỉ bùng phát ở những vùng sâu, vùng xa có nhiều kênh rạch, ao hồ... Thế nhưng sự thật ngược lại, những nơi có nguồn nước chảy không thích hợp cho muỗi cư ngụ sinh sản; thay vào đó là những nơi nước đọng trong khu dân cư.

Theo ông Nguyễn Văn Quới- cán bộ chuyên trách phòng, chống dịch bệnh Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Tây Ninh, chính vì mưa kéo dài, liên tục nên không có thời gian cách quãng cho muỗi chết mà còn tạo môi trường thuận lợi cho muỗi gây bệnh SXH sinh sản nhanh.

Thành phố Tây Ninh lại là địa phương chịu ngập nặng. Hiện trạng này cũng tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh SXH trên địa bàn. Cũng theo ông, người dân trong Thành phố cần có ý thức cao hơn vì đa số các hộ gia đình sống san sát cạnh nhau, nếu không giữ gìn vệ sinh môi trường cho tốt sẽ dễ làm bùng phát bệnh SXH, nếu không phát hiện xử lý sớm dễ tạo thành dịch.

Trong nhà có một số nơi muỗi thường sinh sản nhưng ít ai chú ý như: bình hoa, ly, tách cúng trên bàn thờ, hồ nước tiểu cảnh; chậu cây cảnh có nước, xô, thùng đựng nước tắm, nước sinh hoạt..

Những năm gần đây, thức ăn nhanh đã trở nên phổ biến trong các khu đô thị, nơi tập trung đông dân. Kèm theo đó các vật dụng như hộp nhựa, ly nhựa, túi ni lông… cũng xuất hiện ngày một nhiều hơn.

Rác thải từ các loại vật dụng này dễ biến thành đồ chứa nước sau mưa, làm nơi cho muỗi sinh sản. Do đó, những người sử dụng cần có ý thức để bỏ rác đúng nơi đúng chỗ, không tạo điều kiện để dịch bệnh có cơ hội phát sinh và lây lan.

Muỗi là nguyên nhân chính làm bùng phát SXH nói riêng, các dịch bệnh mùa mưa nói chung. Do đó, phòng chống muỗi tốt chính là tự bảo vệ bản thân và gia đình khỏi bệnh tật. Phụ nữ mang thai càng cần phải đề cao cảnh giác, tự bảo vệ mình khỏi bị muỗi đốt trong thời gian mang thai để bảo đảm thai nhi không bị ảnh hưởng bởi bệnh SXH,  Zika...

Thời gian ủ bệnh SXH thông thường từ 3 - 6 ngày, có khi đến 15 ngày sau khi nhiễm bệnh. Một số triệu chứng của bệnh SXH thường gặp: đột ngột sốt cao và kéo dài từ 2 ngày trở lên, người mệt mỏi rũ rượi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ (đau thắt lưng và đôi khi đau chân), thường kèm theo đau họng, buồn nôn, nôn mửa, đau vùng thượng vị và tiêu chảy...

Ở trẻ em, đau họng và đau bụng thường là những triệu chứng nổi trội. Khi gặp các triệu chứng trên, người bệnh không nên tự ý mua thuốc uống mà nên đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

Trách nhiệm cả cộng đồng

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh SXH, năm nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố nói chung và ngành Y tế nói riêng tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng bệnh của người dân tỉnh nhà.  Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1337/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh SXH và Zika.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo; vận động người dân tiến hành các hoạt động dọn dẹp vệ sinh, loại bỏ các vật dụng phế thải có thể làm nơi sinh sản cho muỗi; đậy kín các dụng cụ chứa nước mưa, nước sinh hoạt, thường xuyên thay nước bình hoa để muỗi không vào đẻ trứng, thả cá vào các dụng cụ chứa nước (nếu có) để diệt lăng quăng; tổ chức các chiến dịch huy động người dân tự diệt lăng quăng để phòng bệnh sốt xuất huyết và Zika.

Ngành Y tế cần quan tâm khâu giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để tiến hành xử lý ổ dịch kịp thời; tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do SXH; thực hiện tốt việc phân loại bệnh nhân, phân tuyến điều trị, tránh tình trạng bệnh nhân đến bệnh viện muộn, không được điều trị kịp thời hoặc gây quá tải cho bệnh viện.

Tiếp thu chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 30.5 vừa qua, Sở Y tế đã có công văn chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các bệnh viện tư nhân cùng tăng cường công tác phòng, chống SXH và Zika trên địa bàn.

Phòng, chống dịch bệnh mùa mưa đòi hỏi tinh thần trách nhiệm và sự chung tay góp sức của cả cộng đồng, không chỉ riêng ai.

Lê Thuỳ

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục