Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tự chủ trong giáo dục:
Số đơn vị tự bảo đảm chi một phần ngày càng giảm
Thứ ba: 00:42 ngày 27/10/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bà Mai Thị Lệ- Giám đốc Sở GD&ÐT cho biết, ngành Giáo dục vẫn áp dụng Nghị định 43 trong tự chủ, vì Nghị định 16 chưa có thông tư hướng dẫn. Hiện nay, học phí không tăng nhưng mức lương tối thiểu tăng, do đó, số đơn vị tự bảo đảm chi một phần ngày càng giảm.

Giáo viên Trường tiểu học Tân Khai, Khu dân cư biên giới Chàng Riệc. Ảnh: Hồng Thắm

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) thông tin, tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp GD&ÐT gồm: tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; tự bảo đảm chi thường xuyên; tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (theo chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, không có nguồn thu hoặc nguồn thu thấp). Nguồn tài chính của đơn vị, sử dụng nguồn tài chính và phân phối kết quả tài chính trong năm thực hiện theo Nghị định số 43/2006/NÐ-CP và Nghị định 16/2016/2015/NÐ-CP của Chính phủ.

Ðối với tự chủ về tổ chức bộ máy nhân sự, đơn vị sự nghiệp GD&ÐT tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp GD&ÐT tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên được tự chủ xây dựng và phê duyệt đề án vị trí việc làm của đơn vị, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để tổng hợp, theo dõi.

Trên cơ sở đề án vị trí việc làm, đơn vị tự quyết định kế hoạch và tổ chức tuyển dụng viên chức theo đúng trình tự, thủ tục hiện hành của pháp luật về tuyển dụng viên chức. Kế hoạch và kết quả tuyển dụng viên chức hằng năm của đơn vị phải báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để tổng hợp, theo dõi, kiểm tra, giám sát.

Ðơn vị sự nghiệp GD&ÐT tự bảo đảm một phần kinh phí chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp GD&ÐT do Nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên phải xây dựng đề án vị trí việc làm, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Người đứng đầu đơn vị có trách nhiệm thực hiện việc tuyển dụng theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp GD&ÐT có quyền tiếp nhận viên chức theo quy định của pháp luật.

Người đứng đầu đơn vị được ký hợp đồng thuê, khoán đối với những công việc không cần bố trí lao động thường xuyên và các hoạt động dịch vụ khác. Ngoài Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha được giao chủ trì tuyển chọn giáo viên, các cơ sở giáo dục còn lại chưa được thực hiện đầy đủ về tự chủ này, do nhiều nguyên nhân, trong đó các quy định phân cấp chưa được cụ thể, khó thực hiện.

Việc tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị sự nghiệp GD&ÐT đã xây dựng, ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để kiểm tra, giám sát.

Hằng năm, căn cứ quy chế tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế, đơn vị sự nghiệp ban hành kế hoạch hoạt động chuyên môn, nhân sự, tài chính, các hoạt động dịch vụ của đơn vị để tổ chức thực hiện nhằm bảo đảm quy chế dân chủ ở cơ sở và làm cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.

Ðơn vị sự nghiệp GD&ÐT được chủ động quyết định các biện pháp để tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động chuyên môn theo quy định của Luật Giáo dục, điều lệ hoạt động của các cấp học, các quy định của pháp luật có liên quan trên cơ sở phải bảo đảm các điều kiện về nhân lực, chuyên môn nghiệp vụ, cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định để thực hiện và cung cấp các dịch vụ đạt chất lượng.

Theo đánh giá của ngành, việc tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị cơ bản thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, việc tự chủ về nhiệm vụ chưa được đồng bộ với các hình thức tự chủ khác, do đó, kết quả đạt được về tự chủ nhiệm vụ chưa gắn được với tự chủ tài chính (có tự chủ một số nhiệm vụ nhưng kết quả đạt được để giảm chi ngân sách còn hạn chế).

Vì vậy, Sở đã đề ra nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện quy định cơ chế tự chủ. Nghị định 16/2015/NÐ-CP đưa ra lộ trình tính đủ chi phí trong giá cung cấp dịch vụ công, theo đó, đến năm 2016 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp; năm 2018, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý; đến năm 2020, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.

Tuy nhiên, trong thời gian khá dài, Bộ chủ quản chưa tham mưu Chính phủ ban hành nghị định chuyên ngành, các địa phương vẫn tiếp tục thực hiện phương án tự chủ theo Nghị định số 43/2006/NÐ-CP.

Từ lâu, đơn vị sự nghiệp công lập vẫn được Nhà nước hỗ trợ qua giá cung cấp dịch vụ công, nên khi chuyển sang cơ chế mới, nhiều cơ quan Nhà nước chưa sẵn sàng cho việc thực hiện lộ trình này. “Nâng cao quyền tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tế.

Thực hiện tốt chính sách này  có tác động rất lớn đến việc tạo động lực, thúc đẩy sự phát triển của việc cung cấp sản phẩm dịch vụ công, thoả mãn tốt hơn nhu cầu của dân cư”- lãnh đạo Sở GD&ÐT nêu.

Kết quả thực hiện chính sách tự chủ trong thực hiện nhiệm vụ trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông cho thấy, quy định phân cấp về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ làm căn cứ cho các đơn vị trực thuộc thực hiện chỉ mới dừng lại việc xây dựng vị trí việc làm, định biên cho ngành thực hiện. Hiện nay, chưa giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện đối với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc.

Thực hiện chính sách tự chủ trong tổ chức bộ máy, nhân sự, giai đoạn 2016-2017, các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở là 44 đơn vị, gồm Trường CÐSP Tây Ninh, 31 trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, 10 Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, huyện, thành phố và Trường Khuyết tật tỉnh.

Giai đoạn 2018-2020, các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở còn 29 đơn vị. Các cơ sở giáo dục thuộc huyện, thị xã, thành phố có 447 trường công lập gồm 116 trường mầm non, 227 trường tiểu học và 104 trường THCS.

Cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện được chính sách tự chủ trong tổ chức bộ máy, nhân sự. Nguyên nhân, nhiều quy định chồng chéo giữa các ngành nên không thể thực hiện được. Các đơn vị tự bảo đảm chi phí hoạt động chưa được tự quyết định biên chế. Cơ quan chủ quản cấp trên vẫn giao chỉ tiêu biên chế sự nghiệp cho đơn vị, đã hạn chế tính tự chủ của đơn vị.

Năm 2016, toàn ngành có 524/524 đơn vị tự chủ tài chính, trong đó 521 đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động; Trung tâm GDTX tỉnh thuộc đơn vị có nguồn thu sự nghiệp tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên; 1 đơn vị sự nghiệp do ngân sách Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động (Trường phổ thông Dân tộc nội trú). Ðến năm 2020, tất cả các cơ sở giáo dục công lập tự chủ tài chính, trong đó số đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động giảm dần.

Nhìn tổng thể, việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính của các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động chủ yếu từ nguồn ngân sách cấp. Các đơn vị chưa huy động được xã hội hoá và các nguồn lực xã hội đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Do việc xác định mức ngân sách giao thực hiện tự chủ của các đơn vị trực thuộc Phòng GD&ÐT được căn cứ theo chỉ tiêu biên chế được giao, trong khi biên chế được giao còn mang tính chủ quan, chưa chính xác, vì vậy việc phân bố kinh phí giao thực hiện tự chủ chưa thật sự phù hợp, thiếu cơ sở vững chắc.

Các cơ quan quản lý hành chính hầu hết không có nguồn thu khác, trong khi  theo quy định còn phải tiết kiệm 10% kinh phí hoạt động thường xuyên làm nguồn cải cách tiền lương, nên các đơn vị gặp nhiều khó khăn về kinh phí thực hiện nhiệm vụ, khó có khả năng tiết kiệm kinh phí.

Nguồn thu của các cơ sở giáo dục chủ yếu là học phí, mức thu này không điều chỉnh do bảo đảm an sinh xã hội, chỉ số giá tiêu dùng hằng năm ổn định ở mức thấp. Do đó, nguồn thu của các trường giảm so tổng chi ngân sách dẫn đến mức độ tự chủ một phần thu ngân sách ngày càng giảm.

Vừa qua, Ban Văn hoá - Xã hội của HÐND tỉnh đã tổ chức phiên giải trình để nghe lãnh đạo Sở GD&ÐT báo cáo về tình hình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Tại phiên giải trình, bà Kim Thị Hạnh, Phó Ban Văn hoá - Xã hội HÐND tỉnh cho rằng ngành Giáo dục chưa thực hiện đầy đủ nội dung Nghị định 43 hoặc Nghị định 16 (hai nghị định liên quan đến cơ chế tự chủ). Năm 2019, Bộ GD&ÐT ban hành Thông tư 14 về tính giá dịch vụ công nhưng chưa thấy lãnh đạo ngành Giáo dục đề cập đến. Theo bà Hạnh, việc trích quỹ hoạt động giữa các đơn vị trong ngành Giáo dục cũng thiếu sự thống nhất, có đơn vị 10% nhưng cũng có nơi 20%.

Lãnh đạo Sở Tài chính phân tích, Nghị định 16 có những điểm thiếu nhất quán khi tiếp tục cho phép áp dụng một phần nội dung Nghị định 43. Dù ban hành được 5 năm nhưng Nghị định 16 vẫn chưa được chi tiết hoá, vì thiếu thông tư hướng dẫn.

Bà Nguyễn Ðài Thy- Giám đốc Sở Nội vụ nêu ý kiến: Hiện nay, có những đơn vị không rõ có tự chủ hay không tự chủ. Việc tuyển dụng giáo viên mới (trung cấp sư phạm mầm non) khá lúng túng; theo luật không thể tuyển, nhưng không tuyển thì lại thiếu giáo viên.

Bà Mai Thị Lệ- Giám đốc Sở GD&ÐT cho biết thêm, ngành Giáo dục vẫn áp dụng Nghị định 43 trong tự chủ, vì Nghị định 16 chưa có thông tư hướng dẫn. Hiện nay, học phí không tăng nhưng mức lương tối thiểu tăng, do đó, số đơn vị tự bảo đảm chi một phần ngày càng giảm.

Liên quan tuyển dụng, năm nay ngành tuyển 86 giáo viên, chủ yếu môn Tin học và Tiếng Anh, chỉ cần có chứng chỉ sư phạm là được dự tuyển. Trong hai môn nói trên, môn Tiếng Anh, theo dự báo, sẽ không có thí sinh dự tuyển.

Việt Ðông

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục