Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Sở Giao dịch xưa, nay là đâu ?
Thứ tư: 09:22 ngày 22/07/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo sách Tây Ninh bên dòng lịch sử miền Nam (Dương Công Đức. NXB Tri thức, năm 2019), có 2 ngôi chợ đầu tiên trên đất Tây Ninh khi miền đất này còn là phủ Tây Ninh thuộc tỉnh Gia Định. Đấy là vào thời vua Thiệu Trị, và các ngôi chợ này còn được gọi là Sở Giao dịch.

Chợ trâu ở Tây Ninh năm 1910. (Ảnh tư liệu Đ.H.T)

Sở Giao dịch đầu tiên còn gọi là Sở Giao dịch Quang Hoá, được thiết lập năm 1843 trên vùng đất huyện Quang Hoá, nay là huyện Bến Cầu. Còn Sở thứ hai được lập năm 1847 trên địa bàn thôn Vĩnh Cứ ở gần phủ Tây Ninh.

Cũng sách trên cho biết, ngay sau khi mở chợ Quang Hoá, có tới 4.800 thổ dân và hơn 2.300 xe trâu đến buôn bán. Những người trực tiếp quản lý chợ là Suất đội Nguyễn Viên và Thư lại Nguyễn Bá Hựu cũng chiêu tập được hơn 100 người Kinh về đây buôn bán và sinh sống. Có thể họ chính là những cư dân đầu tiên của 2 thôn Long Khánh và Tiên Thuận- hai trong số 26 thôn được quan Tuyên phủ sứ Tây Ninh Cao Hữu Dực lập mới vào năm 1845.

Tuy vậy, cũng có một chuyện bất lợi xảy ra. Đấy là vào tháng 3.1845, người Chân Lạp có: “dùng kế lừa bắt được viên quản lý sở giao dịch Quang Hoá là Nguyễn Bá Hựu rồi đem về Nam Vang làm con tin” (Sđd, trang 297).

Vì chuyện này mà các quan đầu phủ Tây Ninh là Cao Hữu Dực và Tôn Thất Hàn bị quở trách và giáng một cấp nhưng cho lưu dụng. Riêng chợ này thì bị cấm hoạt động. Nhân sự kiện này, chiến tranh giữa Đại Nam và Xiêm La tái diễn trên đất Chân Lạp.

Phải đến tháng 2.1847, chiến cuộc mới ngưng trên hai miền đất Nam Kỳ và Chân Lạp. Dù tác giả sách trên không đề cập đến số phận chợ Quang Hoá, nhưng chắc chắn nó đã hoạt động trở lại sau khi tình hình biên giới bình yên.

Vấn đề hiện nhiều người quan tâm là hai ngôi chợ này, nay ở đâu? Xin bắt đầu từ ngôi chợ thứ hai. Ngôi này chỉ có thể là ở bến Trường Đổi, nay thuộc phường 1, TP. Tây Ninh mà thôi!

Một là, trong sách Từ điển địa danh hành chính Nam bộ của tác giả Nguyễn Đình Tư, không có thôn Vĩnh Cứ, mà chỉ có Vĩnh Cư (dịch thuật cuốn Đại Nam thực lục có sai sót, nhầm lẫn gì chăng?). Mà thôn Vĩnh Cư lại ở liền kề thôn Xuân Sơn, để tới năm 1872, chính quyền Pháp nhập vào làm một thôn Vĩnh Xuân.

Thôn này, nay thuộc địa bàn khu phố 2, phường 1, và chùa Vĩnh Xuân chỉ cách bến Trường Đổi khoảng gần 1 km. Có tới hai sự may mắn ở đây. Một là chùa vẫn giữ được tên làng, dù tên làng xưa đã mất. Hai nữa là địa danh bến Trường Đổi đã kịp lưu tên mình vào sử sách Tây Ninh.

Sách Tây Ninh xưa của Huỳnh Minh, in năm 1973 có ghi lại hơn hai chục di tích, sự tích truyền miệng tại Tây Ninh, trong đó có “Sự tích Bến Trường Đổi”. Tuy vậy, tác giả lại cho rằng chợ này có từ thời Pháp thuộc, là nơi trao đổi hàng hoá giữa người Chàm và người Việt. Nghĩa là có sau năm 1862.

Đến năm 1986, Ban Tổng kết chiến tranh Tỉnh uỷ Tây Ninh có ra mắt cuốn Lược sử Tây Ninh đã viết chính xác hơn, là chợ có từ triều Nguyễn, khi khu vực này còn thuộc huyện Tân Ninh.

Đấy là do: “Người Việt và người Chăm qua lại ngang sông ở đoạn này và đường đi ở đó, chưa có đường đi ngang cầu Quan như sau này. Từ bến này người Việt và người Chăm giao dịch trao đổi hàng hoá với nhau…” (trang 42).

Chợ cầu Long Thuận.

Có lẽ là chợ không chỉ có người Chăm và Việt. Bởi sự trao đổi bán mua đã diễn ra ở quy mô lớn hơn, trở thành địa danh lịch sử truyền lại đến đời sau. Các trận chiến xảy ra trong khu vực này của liên quân Trương Quyền- Pu-Kôm-Pô năm 1866 cho thấy còn có những dân tộc khác như Khmer, Stiêng.

Do vậy, sách "Thị xã - 30 năm đấu tranh cách mạng", in năm 1991 đã viết về ngôi chợ này là: “cách cầu Quan ngày nay độ 1 cây số về hướng Bắc được làm điểm trao đổi hàng hoá giữa nhân dân các nơi. Do đó bến được mang tên là bến Trường Đổi cho đến nay…”.

Viết như vậy, có lẽ là đúng nhất! “Nhân dân các nơi” có nghĩa là kể cả hàng hoá từ bên kia biên giới đưa về. Về hình thức, nó cũng giống với một ngôi chợ “biên mậu” ngày nay. Có điều chợ biên mậu này nằm khá sâu vào lãnh thổ, lại sát gần ngay thủ phủ của Tây Ninh. Không có tài liệu nào kể đến sự kết thúc của nó, nhưng có lẽ đấy là sau khi quan ba Chủ tỉnh De Larclauze tử trận tại đây vào năm 1866…

Còn ngôi chợ đầu tiên- Sở Giao dịch Quang Hoá. Nó đã từng ở đâu trong quá khứ và có còn tới ngày nay? Câu trả lời cũng chỉ có thể là chợ Cầu Long Thuận. Cả trong ký ức các bậc cao niên ở Bến Cầu, hay sử địa phương, ngôi chợ xa xưa nhất trên miền đất này, xưa là tổng Giai Hoá có từ thời triều Nguyễn thì chỉ có một chợ Cầu.

Sách "Truyền thống cách mạng huyện Bến Cầu (1945-1975)" (Ban Tuyên giáo Huyện uỷ in 1997) có đoạn: “Từ thuở ban sơ đến năm 1945, cả một vùng dân cư rộng lớn của Giai Hoá chỉ có một chợ để làm nơi gặp gỡ, trao đổi hàng hoá giữa dân cư trong vùng với nhân dân ở nhiều nơi khác trong tỉnh Tây Ninh và xa hơn nữa là nhân dân lục tỉnh (Nam Kỳ- TV)…

Khu đất để nhóm chợ nằm kế bên rạch Bảo… một cây cầu bắc qua rạch (nay ở trên đường 786- TV). Chợ liền sông, sông có cầu; từ đó chợ được mang tên chợ Cầu…” (trang 8- 9 Sđd).

Còn trong ký ức nhân dân, các cụ cao tuổi trong khu vực như Võ Thành Đi, Năm Trinh đều nhớ gốc tích xa xưa của ấp Xóm Khách quê mình, nay thuộc xã Long Giang. Có cái tên ấy bởi khi chợ Cầu còn là trung tâm thương mại sôi động nhất của toàn vùng thì những thương nhân người Hoa đã về, chọn bờ rạch Xóm Khách làm nơi trú ngụ lâu dài để làm ăn, buôn bán.

Ông Tô Ngọc Tấn, sinh 1950, là hậu duệ của một trong những thương gia ấy. Ông cho biết, cụ cố nội của ông là Tô Văn Liễn đã về đây, thoạt đầu là buôn bán, về sau ở lại lập nghiệp.

Ông nội của ông Tấn cũng được sinh ra ở ấp Xóm Khách này đây. Ngôi nhà đầu tiên của họ ở chính nơi khách trú xưa lên buôn bán; nay là nhà họ tộc cũng ở kề bên rạch. Nhà xưa thường cất kiểu nửa trong bờ, nửa de ra mặt nước.

Từ rạch Xóm Khách tới chợ Cầu bên rạch Bảo, nay cũng chỉ hơn 3km theo đường 786; nếu theo sông rạch thì cũng chỉ cách khoảng 3km. Thật là một khoảng cách lý tưởng cho các thương nhân trú tại Xóm Khách đến giao dịch, đổi trao, mua bán tại chợ Cầu, Long Thuận.

Sở Giao dịch Quang Hoá xưa, chỉ có thể là ở đây! Nó vừa gần với thành bảo Long Giang, ấp Bảo, xã Long Giang, lại vừa gần với bảo Định Liêu nay thuộc về xã Tiên Thuận.

Vị trí này vừa đáp ứng được yêu cầu theo chỉ dụ của vua Thiệu Trị vào năm 1843, là phải gần bảo Định Liêu; lại vừa thuận tiện cho người từ các nơi về buôn bán. Khi mà đường thuỷ phát triển thì người từ “lục tỉnh” theo sông Vàm Cỏ Đông lên, rẽ vào rạch Bảo, rạch Xóm Khách.

Vị trí này cũng gần biên giới để cho các đoàn xe trâu từ bên kia biên giới đưa lâm, thổ sản qua đường biên của các xã Long Thuận, Long Khánh, Long Phước, Ninh Điền…

Nếu đã đủ các cứ liệu lịch sử thì chợ Cầu Long Thuận hôm nay- Sở Giao dịch Quang Hoá xưa sẽ là ngôi chợ “biên mậu” đầu tiên, lâu đời nhất trên đất Tây Ninh. Nó cũng xứng đáng được tôn vinh như một di tích lịch sử văn hoá, cần được bảo tồn và phát triển.

TRẦN VŨ

Tin cùng chuyên mục