Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Sở Giáo dục và Ðào tạo: Giải trình nhiều vấn đề được dư luận quan tâm
Thứ tư: 00:02 ngày 19/08/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Lãng phí ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; tuyển dụng giáo viên mầm non đạt kết quả thấp; phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; kêu gọi đầu tư vào Trường cao đẳng Sư phạm; sáp nhập những trường học có quy mô nhỏ, học sinh quá ít... là những vấn đề không mới đối với ngành Giáo dục, nhưng đây luôn là câu chuyện được dư luận quan tâm. Sở Giáo dục và Ðào tạo đã giải quyết như thế nào để khắc phục bất cập đó?

Việc tuyển dụng giáo viên mầm non vẫn khó khăn do thiếu nguồn tuyển. Ảnh minh hoạ

Chuyển thiết bị của trung tâm về trường nghề

Trước những bất cập, thiếu hiệu quả trong việc sử dụng trang thiết bị dạy nghề ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) và thực hiện ý kiến của nhiều đại biểu HÐND tỉnh, Sở GD&ÐT quyết định chuyển nhiều thiết bị dạy nghề về cho trường nghề sử dụng.

Cụ thể, Sở phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) rà soát, đánh giá hiện trạng tất cả các trang thiết bị dạy nghề được trang bị cho các trung tâm GDNN-GDTX, điều chuyển đến các cơ sở dạy nghề trực thuộc Sở LÐ-TB&XH như Trường cao đẳng Nghề, Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật, Trường trung cấp Nghề Nam Tây Ninh. Ðến nay, đã điều chuyển 360 danh mục/1.634 đơn vị sản phẩm, nguyên giá trên 1.520 triệu đồng.

Sở GD&ÐT đã chỉ đạo các trung tâm GDNN-GDTX tiếp tục phối hợp, thông báo đến các trường dạy nghề có nhu cầu sử dụng thiết bị để làm thủ tục điều chuyển đợt 2.  Hiện nay, Sở đang làm thủ tục điều chuyển số đăng ký tiếp nhận của Trường trung cấp Kinh tế -  Kỹ thuật từ một số thiết bị còn lại ở Trung tâm GDNN-GDTX Hoà Thành, gồm 17 danh mục (đã trình Sở Tài chính thẩm định).

Ðối với việc rà soát điều chỉnh quy mô các trung tâm, theo đánh giá của Sở GD&ÐT, giai đoạn 2011-2015, các trung tâm đã đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu học tập trong điều kiện thực tế từng giai đoạn. Riêng Trung tâm GDNN-GDTX Hoà Thành và Trung tâm GDNN-GDTX thành phố Tây Ninh xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng giảng dạy, ngành đang thực hiện các bước sáp nhập 2 trung tâm này để có điều kiện đầu tư xây dựng, phát triển.

Về vấn đề các trung tâm xây dựng khá lớn nhưng ít học sinh, Sở GD&ÐT cho biết, việc này đang từng bước được khắc phục. Trong đó, Trung tâm GDNN-GDTX Châu Thành chuyển một số phòng học cho cơ sở 2 Trường THPT Hoàng Văn Thụ; Trung tâm GDNN-GDTX Bến Cầu cắt chuyển diện tích đất cho trường mầm non và tiểu học; các trung tâm còn lại đã tăng cường liên kết đào tạo, phát huy hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất.

Ngoài 2 trung tâm GDNN-GDTX Hoà Thành và thành phố Tây Ninh, Sở không tham mưu đầu tư các trung tâm còn lại mà chỉ đạo tăng cường các giải pháp chiêu sinh, liên kết đào tạo, phát huy hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất trang thiết bị đã được đầu tư, tránh lãng phí.

Trong thời gian tới, Sở GD&ÐT tiếp tục rà soát sắp xếp lại các trung tâm theo hướng cụm, khu vực. UBND các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng đề án tự chủ của các trung tâm GDNN-GDTX. Theo đó, lộ trình tự chủ một phần tài chính tiến đến tự chủ toàn bộ các hoạt động trung tâm GDNN-GDTX để vừa bảo đảm chức năng dạy nghề và dạy văn hoá. Kết quả có 6/9 huyện đã hoàn thành đề án trình các cơ quan chuyên môn xem xét cho ý kiến.

Giải pháp nào để sử dụng các cơ sở trường lớp đã được đầu tư? Lãnh đạo Sở GD&ÐT cho biết, trước mắt thực hiện có hiệu quả các giải pháp khắc phục những tồn đọng trong đầu tư, xây dựng các trung tâm GDNN-GDTX và sử dụng nguồn lực của các trung tâm.

Sở tham mưu điều chuyển cơ sở vật chất phù hợp, ví dụ, thu hồi một phần đất của Trung tâm GDNN-GDTX Châu Thành để UBND huyện này xây dựng cơ sở bồi dưỡng lý luận chính trị. Tiếp theo, Sở có kế hoạch điều chuyển giáo viên dạy các môn văn hoá có đủ tiêu chuẩn về dạy các trường phổ thông, số giáo viên được điều chuyển này vẫn có thể tham gia dạy ở các trung tâm nếu có học sinh. Trong năm học 2018-2019, số học sinh đăng ký học tại các trung tâm GDTX ít, Sở đã cho chuyển số học sinh này sang học ở các trường THPT trên cùng địa bàn.

Kết quả điều phối giáo viên giữa các Trung tâm GDNN-GDTX và trường THPT trên cùng địa bàn, Sở đã cho giáo viên đăng ký điều chuyển từ năm học 2018-2019. Ðến nay, đã điều chuyển 6 giáo viên ở các trung tâm GDNN-GDTX về các trường THPT.

Phân luồng học sinh, tuyển dụng giáo viên

Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về Ðề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong GDPT giai đoạn 2018-2025” trên địa bàn tỉnh, Sở  đã điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh, phân luồng học sinh, phối hợp với doanh nghiệp, liên kết đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động, bảo đảm việc thực hiện chương trình GDTX lấy bằng tốt nghiệp THPT.

Theo đó thực hiện giải pháp địa điểm tổ chức lớp học vừa đặt tại trung tâm vừa đặt tại cơ sở giáo giáo dục liên kết. Ðây là nội dung cơ bản giải quyết tình trạng không có học sinh học GDTX hiện nay, huy động học sinh học tại các trung tâm góp phần phát huy hiệu quả sử dụng đầu tư cơ sở vật chất.

Sở đã tham mưu UBND tỉnh phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 theo hướng phân luồng các học sinh vừa học nghề vừa học chương trình THPT. Tỷ lệ bình quân học sinh sau trung học cơ sở vào học nghề và học trung cấp hằng năm trên 15%, chỉ tiêu tuyển sinh vào các trung tâm GDNN-GDTX 5,5%.

Công tác tuyên truyền, tư vấn cho học sinh các trường THCS được thực hiện đồng bộ, định hướng cho học sinh chọn trường THPT, trung tâm GDNN-GDTX xét tuyển phù hợp với năng lực của học sinh và định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Về công tác tuyển dụng và sử dụng đội ngũ giáo viên mầm non, gắn với cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh, Sở đã họp sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Ðề án hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non tại vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020.

Ðối với việc khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non, không tuyển dụng được giáo viên mầm non, Sở rà soát điều kiện của từng địa phương, xây dựng dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về chế độ, chính sách hỗ trợ đối với công chức, viên chức, nhân viên và học sinh, sinh viên ngành.

Kết quả thực hiện đến nay đã lấy ý kiến toàn ngành, hoàn thành dự thảo, sẽ thực hiện các bước theo trình tự thủ tục quy định. Sở chỉ đạo phòng GD&ÐT tham mưu UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tuyển dụng giáo viên mầm non. Kết quả đã tuyển dụng, phân công giảng dạy 191/383 giáo viên mầm non. Hiện nay, các huyện đang tiếp tục thực hiện công tác tuyển dụng giáo viên mầm non.

Cùng với đó, Sở tham mưu UBND tỉnh đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh nhóm ngành đào tạo giáo viên mầm non và được Bộ GD&ÐT phê duyệt cho Trường CÐ Sư phạm Tây Ninh 160 chỉ tiêu ngành Giáo dục mầm non.

Tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Nội vụ bổ sung biên chế ngành Giáo dục Tây Ninh. Kết quả, đã được Bộ GD&ÐT đồng ý đề nghị Bộ Nội vụ, báo cáo Thủ tướng giao bổ sung 521 biên chế ngành Giáo dục (trong đó ngành học mầm non có 33 biên chế cán bộ quản lý và 274 biên chế giáo viên mầm non).

Tổ chức lại hệ thống trường lớp

Từ thực tế của các đơn vị không tuyển dụng được giáo viên mầm non, Sở đưa ra các giải pháp khắc phục tình trạng xây dựng phòng học nhưng chưa sử dụng. Theo đó, số phòng học đã bàn giao nhưng chưa sử dụng đúng công năng đã được khắc phục, đến nay chỉ còn 20 phòng học chưa sử dụng đúng công năng do chưa tuyển dụng được giáo viên mầm non (trong đó có 5 phòng bàn giao cho trường tháng 10.2018 và 15 phòng bàn giao cho trường tháng 9.2019).

Số phòng học xây dựng xong nhưng chưa có học sinh đã được các trường tạm thời sử dụng làm phòng hành chính, phòng hiệu bộ và một số phòng chuyên môn khác, số còn lại chưa sử dụng được bảo quản chờ khi có giáo viên sẽ huy động trẻ em ra lớp. Các phòng học đã xây dựng được đưa vào sử dụng, khắc phục những bất cập mà đoàn giám sát HÐND đã nêu trong báo cáo giám sát năm 2019.

Ðối với tình hình sắp xếp hệ thống tổ chức, quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn tỉnh, Sở đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cán bộ, giáo viên và học sinh về tinh thần và mục tiêu cần thực hiện của chủ trương sáp nhập các trường có quy mô nhỏ để cán bộ, giáo viên yên tâm công tác.

Ðối với Trường CÐ Sư phạm, Sở đã xây dựng đề án kêu gọi xã hội hoá thành lập Trường mầm non thực hành sư phạm trong Trường CÐ Sư phạm. Sở đã lập đề án sắp xếp lại Trường CÐ Sư phạm, lấy ý kiến tập thể giáo viên, cán bộ quản lý trường, phòng chuyên môn Sở, mời gọi nhà đầu tư liên kết, đề xuất hợp tác. Ðến nay, Sở đã làm việc với Công ty CP Ðầu tư phát triển Nguyễn Hoàng (TP. Hồ Chí Minh) về nghiên cứu đầu tư hệ thống giáo dục tại Tây Ninh, trong đó có nghiên cứu đề án Trường CÐ Sư phạm.

Việt Ðông

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục