Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Sở Giáo dục và Đào tạo vừa có thông tin về kết quả thực hiện kết luận chất vấn tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khoá X về một số vấn đề của ngành Giáo dục được dư luận xã hội quan tâm, trong đó có vấn đề thiếu giáo viên, sử dụng cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học.
Trong giờ học ở Trường tiểu học Thạnh Bắc B, huyện Tân Biên.
ĐIỀU CHUYỂN GIÁO VIÊN
Để khắc phục một số bộ môn đang thiếu giáo viên phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo tiếp tục rà soát, bố trí, sắp xếp đội ngũ, kịp thời tham mưu thực hiện điều động, thuyên chuyển hoặc biệt phái giáo viên ở những nơi thừa sang nơi thiếu.
Tuyệt đối không để tồn đọng tình trạng thừa giáo viên ở những địa bàn thuận lợi nhưng lại thiếu giáo viên ở những vùng khó khăn. Ưu tiên điều chuyển, bố trí giáo viên về những địa bàn khó khăn để ổn định trường lớp. Đối với các lớp mầm non, trong khi chờ tuyển dụng mới, tạm thời phân công mỗi giáo viên một lớp để tiếp nhận trẻ ra lớp trên địa bàn, không để tình trạng có cơ sở vật chất nhưng không có học sinh.
Nhà trường linh hoạt bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên, ưu tiên bảo đảm đủ số lượng giáo viên những khối lớp triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong trường hợp chưa thể bố trí đủ giáo viên theo biên chế được giao thì cần có giải pháp tạm thời thỉnh giảng giáo viên, hợp đồng giáo viên phù hợp với đặc điểm từng trường, từng địa phương, bảo đảm “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”.
Cơ sở giáo dục, nhà trường rà soát để sử dụng tối đa nguồn giáo viên hiện có, thực hiện điều động phân công giáo viên dạy liên trường trong từng cấp học, biệt phái, điều động giáo viên môn Tiếng Anh, môn Tin học cấp trung học cơ sở theo thẩm quyền quản lý tham gia giảng dạy tại các trường tiểu học.
Theo đó, giáo viên chưa dạy đủ số tiết theo quy định, có thể phân công dạy đủ số tiết ở đơn vị trường khác có khoảng cách gần nhau về địa lý. Trường hợp, giáo viên dạy vượt định mức thì thực hiện chế độ chi trả đầy đủ, hợp lý và được sự đồng thuận của giáo viên.
Để bảo đảm 100% học sinh lớp 3 được học môn Tiếng Anh, Tin học theo đúng quy định của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 trong bối cảnh thiếu giáo viên hiện nay ở cấp tiểu học, Phòng GD&ĐT cần tính đến một số giải pháp.
Cụ thể, đối với những trường có nhiều điểm trường, tuỳ theo điều kiện của địa phương, có thể chuyển học sinh lớp 3 tại các điểm trường về học tại trường chính để học sinh được học môn Tiếng Anh, Tin học và giảm số điểm trường lẻ ở những nơi có cự ly gần với điểm trường chính để tạo điều kiện cho học sinh đến lớp.
Nghiên cứu xây dựng mô hình dạy học trực tiếp kết hợp dạy trực tuyến khi bảo đảm các yêu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị đường truyền, có giáo viên trợ giảng, phụ trách các lớp học tại các điểm cầu (học tập trực tiếp qua lớp học ảo, một giáo viên tại một thời điểm có thể dạy cho nhiều hơn một lớp học ở những vị trí địa lý khác nhau).
Giáo viên Trường mầm non Hoa Mai, xã Mỏ Công, huyện Tân Biên cùng học sinh trong giờ dạy học.
XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ GIÁO VIÊN VÙNG SÂU
Ngày 13.10.2022, Sở GD&ĐT có Tờ trình số 4441 trình UBND tỉnh; dự kiến trình HĐND tỉnh tháng 12.2022 ban hành nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non công lập khó tuyển dụng trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo Sở đang tiếp tục phối hợp với các địa phương, ngành chức năng, cơ sở đào tạo xây dựng kế hoạch đặt hàng đào tạo giáo viên giai đoạn 2020-2025 theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP ngày 15.9.2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Hiện nay, ngành đã trình phê duyệt định mức kinh tế - kỹ thuật, làm cơ sở xây dựng kế hoạch đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116 để tạo nguồn đào tạo giáo viên ở các cấp học.
Đối với công tác tuyển dụng giáo viên, thông báo rộng rãi nhu cầu, chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên nhằm thu hút giáo viên trong và ngoài tỉnh. Chỉ đạo các địa phương vùng sâu, biên giới cần có kế hoạch tuyển dụng nhiều lần trong năm (việc tổ chức tuyển dụng giáo viên không thể thực hiện sớm hơn vì thời điểm trước tháng 10 sinh viên chưa có bằng tốt nghiệp).
Các địa phương thiếu giáo viên được thực hiện hợp đồng lao động giáo viên trong các trường hợp cụ thể (theo tinh thần Nghị quyết 102/2020/NQ-CP ngày 3.7.2020 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế). Thực hiện hợp đồng thỉnh giảng đối với những viên chức ở các ngành khác có ngành đào tạo gần với ngành sư phạm (Tin học, Tiếng Anh), có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm được tham gia giảng dạy tại các trường công lập trên địa bàn; phổ biến rộng rãi chính sách tuyển dụng giáo viên đối với những sinh viên tốt nghiệp các ngành đào tạo gần với ngành sư phạm và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm tham gia dự tuyển vào đội ngũ giáo viên của tỉnh.
KHÔNG LÃNG PHÍ ĐỒ DÙNG DẠY HỌC
Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát, báo cáo thực trạng cơ sở vật chất, nhu cầu mua sắm trang bị thiết bị dạy học phục vụ cho năm học mới và thống kê sách giáo khoa dùng chung phục vụ cho giáo viên, văn phòng, ban giám hiệu, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng phòng học bộ môn, thư viện, phòng giáo dục nghệ thuật, giáo dục thể chất, nhà đa năng… đáp ứng yêu cầu của chương trình sách giáo khoa mới, bảo đảm đủ cho học sinh được học 2 buổi/ngày và lộ trình cho những năm học tiếp theo.
Quá trình thực hiện, Sở kiểm tra các đơn vị trường học về sử dụng cơ sở trang thiết bị dạy học, nhìn chung trang thiết bị được sử dụng tốt, phát huy được vai trò trong hoạt động dạy học; tận dụng được cơ sở vật chất hiện có phục vụ cho quá trình đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thời gian tới, sẽ tiếp tục chỉ đạo các trường trang cấp thiết bị đủ theo danh mục yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, khai thác triệt để, bảo quản tốt, không lãng phí phát huy hiệu quả trong quá trình dạy học và giáo dục.
VIỆT ĐÔNG