Sở GT-VT Tây Ninh vừa có tờ trình gửi UBND tỉnh
xin chủ trương xử lý lục bình theo phương thức khoán gọn đảm bảo luồng tàu chạy
trên sông Vàm Cỏ Đông với kinh phí dự tính lên đến 7,2 tỷ đồng/năm.
Máy móc chưa thể vớt hết lục bình
Theo Sở GT-VT, sau khi thông báo chủ trương của
UBND tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong tỉnh tham gia xử lý
lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông, đến nay Sở GT-VT đã nhận được hồ sơ đăng ký của
5 doanh nghiệp. Sở GT-VT đánh giá cụ thể đối với từng doanh nghiệp như sau:
Công ty TNHH MTV TM- XD- ĐT Mê Kông (TP.HCM) và
Công ty TNHH MTV Lê Chính (Thị xã) là hai đơn vị đăng ký và gửi hồ sơ, kế hoạch
tham gia xử lý lục bình khá sớm nhưng đến nay chưa có động thái tích cực, chưa
triển khai thực hiện.
 |
Máy móc không thể vớt hết lục bình
trên sông |
Công ty Cổ phần Vận tải –TM- DV Vạn Phúc (Hoà
Thành) đã tổ chức vận hành thử nghiệm hệ thống cơ giới vớt lục bình ngày
6.8.2010 tại đoạn sông thuộc khu vực xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành. Kết quả thử
nghiệm cho thấy hệ thống này còn rất nhiều hạn chế, chi phí thực hiện cao, công
suất thấp. Do đó, Sở GT-VT đề nghị Công ty Vạn Phúc tiếp tục khắc phục, điều
chỉnh, bổ sung hoàn thiện hệ thống vớt lục bình và sẽ tổ chức vận hành thử
nghiệm lại.
Công ty TNHH XD&TM Thanh Sơn (Gò Dầu) đã vận
hành thử nghiệm hệ thống cơ trục vớt lục bình trong tháng 9.2010. Qua khảo sát,
Sở GT-VT nhận thấy phương pháp này chưa hoàn toàn thuyết phục về tính khả thi
của hệ thống trục vớt lục bình.
Mới đây, giữa tháng 9.2010, Sở GTVT có công văn
chấp thuận cho Công ty TNHH Lộc Nam được tham gia xử lý lục bình thí điểm cùng
các đơn vị khác. Công ty Lộc Nam cũng cho biết sẽ sử dụng phương tiện cơ giới
trục vớt để diệt lục bình (tương tự các đơn vị khác). Thiết bị trục vớt của Công
ty này có tải trọng và công suất lớn gấp nhiều lần các đơn vị khác. Theo Công ty
Lộc Nam, hệ thống trục vớt của Công ty là “bản sao” của phương tiện cơ giới
đường dùng để “móc sông, đào vàng”, có công suất “cực lớn” ở các tỉnh miền
Trung. Tuy nhiên, tác dụng của “bản sao cực lớn” này như thế nào thì… vẫn còn
phải chờ đợi được kiểm chứng.
Sở GT-VT nhận định, nguyên nhân khiến tiến độ xử
lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông bị kéo dài trong thời gian qua là do việc xử
lý còn mới mẻ, chưa có kinh nghiệm thực tế, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Sở
GT-VT nhận xét lạc quan mô hình xử lý lục bình bằng phương tiện trục vớt “chuyên
dụng” của Công ty Lộc Nam. Tuy nhiên, hiện Công ty này chưa lắp đặt máy móc,
thiết bị và cũng chưa vận hành thử nghiệm để ngành chức năng khảo sát, đánh giá.
Do đó, đến nay, giải pháp xử lý lục bình của Công ty Lộc Nam vẫn chỉ mới thể
hiện trên lý thuyết. Theo Công ty, chi phí đầu tư hệ thống cơ giới xử lý lục
bình lên đến 3 tỷ đồng, trong khi tỉnh Tây Ninh chưa có các chính sách hỗ trợ
cũng như chưa công bố cụ thể chi phí xử lý lục bình nên Công ty còn phân vân.
Đề nghị giao khoán từng đoạn sông
Sở GT-VT kiến nghị UBND tỉnh xem xét và cho ý
kiến các vấn đề sau: Giải pháp vớt lục bình trên sông bằng các phương tiện cơ
giới hoặc bán cơ giới như sử dụng gàu cạp (Công ty Vạn Phúc), căng dây ngang
sông để chặn lục bình và sử dụng băng chuyền, máy vớt liên hợp trên sà lan (Công
ty Lộc Nam)… nếu được lắp đặt, cải tiến hoàn chỉnh có thể đưa lục bình lên bờ
trong phạm vi hẹp, với cự ly ngắn. Theo đề nghị của hai đơn vị trên, tỉnh có thể
xem xét hỗ trợ chi phí theo hai phương án: khoán diện tích mặt sông hoặc hỗ trợ
chi phí cho mỗi đơn vị trọng lượng lục bình được vớt lên bờ.
Tuy nhiên, Sở GT-VT cho rằng, cả hai phương án
trên đều khó thực hiện do không có lực lượng quản lý, giám sát, đo đạc, cân đếm
lục bình; mặt khác cơ sở thanh toán rất phức tạp. Do đó, Sở đề nghị UBND tỉnh
thực hiện hình thức khoán gọn theo tiêu chí đảm bảo luồng tàu chạy (là vùng nước
được giới hạn bằng hệ thống báo hiệu đường thuỷ nội địa để phương tiện đi lại
thông suốt, an toàn). Theo quy định hiện hành, luồng tàu chạy là phần mặt sông
giữa dòng trừ lại 15m tính từ 2 mép bờ sông trở ra (trừ 2 bên bờ sông là 30m).
Căn cứ vào quy mô, địa hình sông Vàm Cỏ Đông, nếu trừ phần hai bên mép bờ sông,
phần luồng tàu chạy trên sông (phần còn lại) luôn lớn hơn 50m, đảm bảo đúng quy
định an toàn giao thông đường thuỷ nội địa.
Sở GT-VT cũng đề nghị UBND tỉnh giao khoán từng
đoạn sông cho các đơn vị tham gia xử lý lục bình thực hiện (phương án chi tiết,
cụ thể sẽ báo cáo sau khi khảo sát kỹ toàn tuyến sông). Các đơn vị được giao
khoán chủ động phương tiện, phương pháp xử lý lục bình, bãi chứa, đầu ra cho lục
bình… để chủ động ngăn chặn lục bình phát triển trong mùa khô. Sở GT-VT chịu
trách nhiệm phối hợp với các ngành chức năng để quản lý giao thông đường thuỷ,
môi trường, xác nhận luồng tàu chạy có đảm bảo hay không… để làm cơ sở thanh
toán chi phí cho đơn vị nhận khoán.
 |
Lục bình ngập mặt sông Vàm Cỏ Đông |
Mới đây, Sở GT-VT đã tổ chức khảo sát toàn tuyến
sông Vàm Cỏ Đông đoạn qua Tây Ninh (dài 151 km, qua các huyện Tân Biên, Châu
Thành, Hoà Thành, Gò Dầu, Bến Cầu và Trảng Bàng). Trong đó, đoạn sông cần xử lý
lục bình để đảm bảo cho các phương tiện lưu thông dễ dàng là 100km, đoạn từ chốt
kiểm soát Đồn Biên phòng 839 (xã Hoà Hiệp, Tân Biên) đến rạch Tràm (xã Phước
Chỉ, Trảng Bàng).
Sở GT-VT tạm thời chia sông Vàm Cỏ Đông làm 3
đoạn cần xử lý lục bình: Đoạn từ Đồn Biên phòng 839 đến cầu Bến Sỏi (xã Thành
Long, Châu Thành), dài 40km, chiều rộng để luồng tàu chạy là 50m; đoạn từ cầu
Bến Sỏi đến cảng Bến Kéo (Hoà Thành), dài 20km, chiều rộng cần cho luồng tàu
chạy là 60m; đoạn còn lại dài 40km, chiều rộng cần thiết để luồng tàu chạy là
70m. Tổng diện tích mặt sông cần “dọn dẹp”, giữ thông thoáng suốt năm là 6 triệu
m2. Mức kinh phí vớt lục
bình mà Sở GT-VT đề nghị là 1,2 triệu đồng/m2/năm.
Dự toán tổng kinh phí phải chi để xử lý lục bình là 7,2 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên,
khả năng thực tế của các đơn vị chỉ có thể làm sạch lục bình tối đa khoảng 70%
tổng diện tích 6 triệu m2 mặt
sông. Do đó, Sở GT-VT “trừ hao” 30% không dọn dẹp được nên phần kinh phí thực
chi dự kiến khoảng trên 5,04 tỷ đồng. Trong đó, đoạn sông từ cảng Bến Kéo đến
Rạch Tràm sẽ do đơn vị quản lý đường sông số 10 (thuộc Chi cục Đường thuỷ nội
địa phía Nam) đóng góp để chi trả, bởi đoạn sông này trực thuộc sự quản lý của
Trung ương.
BẢO TÂM