Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Sở GTVT: Thí điểm áp dụng công nghệ bóc tái sinh nguội
Thứ bảy: 13:45 ngày 22/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Vừa qua, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Tây Ninh đã tổ chức buổi đánh giá thực tế ưu điểm, nhược điểm của công nghệ bóc tái sinh nguội bằng nhủ tương và xi măng.

Đây là một trong các công nghệ mới được ứng dụng để sửa chữa, nâng cấp, cải tạo mặt đường. Đến tham dự và tìm hiểu thực tế tại công trình có lãnh đạo Sở GTVT, Ban quản lý dự án các huyện, thành phố, các doanh nghiệp xây dựng cầu đường trong tỉnh.

Đại biểu tìm hiểu thực tế kỹ thuật thi công tại công trình thí điểm.

Công trình nâng cấp đường tỉnh 782 (từ ngã ba đường tránh QL22 đến ngã 3 Bàu Đồn) được Sở GTVT chọn thí điểm áp dụng công nghệ mới này; Công ty cổ phần Hải Đăng là đơn vị được lựa chọn triển khai thí điểm.

Theo Sở GTVT, công nghệ này đã được Bộ GTVT nghiên cứu, ứng dụng thực tế và đã ban hành Quy định chỉ dẫn kỹ thuật thi công, nghiệm thu để triển khai ứng dụng rộng rãi trên toàn quốc.

Công nghệ mới này được biết đến với các ưu điểm như tái sử dụng được vật liệu mặt đường, tiết kiệm vật liệu, không tôn cao nền đường ảnh hưởng đến dân cư hai bên đường. Việc áp dụng công nghệ này cho thấy hiệu quả về mặt kinh tế và kỹ thuật trong thi công.

Sở GTVT cũng đã nghiên cứu thực tế công nghệ cào bóc tái sinh nguội bằng nhũ tương và xi măng với Công ty Sakai (Nhật Bản) và lựa chọn tuyến đường 782 để triển khai thí điểm công nghệ mới này.

Hiện nay ở nước ta phổ biến có ba công nghệ tái sinh nguội, gồm công nghệ cào bóc tái sinh nguội bằng nhũ tương cải thiện và xi măng của Mỹ (hãng Hall Brothers); công nghệ cào bóc tái sinh nguội bằng nhũ tương và xi măng của Nhật (Sakai) và công nghệ cào bóc tái sinh nguội bằng bitum bọt và xi măng của Đức (Wirtgen).

Các công nghệ cào bóc tái sinh nguội trên đều là công nghệ tiên tiến, thích hợp để cải tạo mặt đường bê tông nhựa cũ có lớp móng trên bằng cấp phối đá hoặc đá dăm, hay mặt đường cấp phối đá dăm cũ đã được Bộ GTVT ứng dụng và ban hành các Quy định chỉ dẫn kỹ thuật thi công, nghiệm thu.

Công trình ĐT782 có kết cấu mặt đường là bê tông nhựa, móng đường cấp phối đá dăm nên rất phù hợp ứng dụng công nghệ cào bóc tái sinh nguội. Sở GTVT Tây Ninh đã chọn công nghệ của Nhật (SAKAI) ứng dụng thử nghiệm vào công trình, với ưu thế về yếu tố kinh tế cũng như mức độ phổ biến của thiết bị, vật liệu thi công (nhũ tương, xi măng) phù hợp với điều kiện của dự án.

Công nghệ này có những ưu điểm là tiến hành đồng thời với việc cào bóc, phay, trộn, rải lại và lu lèn bằng một tổ hợp xe máy liên hoàn nên thi công nhanh, chất lượng tốt, dễ kiểm soát chất lượng, có thể xử lý triệt để các vết nứt và biến dạng của lớp mặt đường cũ tạo ra một lớp hỗn hợp vật liệu mới có tính đồng nhất, ổn định và có khả năng chịu lực cao. Rất thích hợp khi thi công trên đường đang khai thác, có khả năng cho phép thông xe trực tiếp trên bề mặt lớp tái chế sau 1 -3 ngày.

Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ mới này còn tận dụng được tối đa vật liệu cũ, tái chế lại nên ít phải sử dụng vật liệu bổ sung, giá thành rẻ hơn so với làm mới. Có thể giữ nguyên cao độ mặt đường cũ (hoặc tôn cao không đáng kể) do chủ động điều tiết được lượng vật liệu tận dụng và ít ảnh hưởng đến môi trường do ít phải sử dụng vật liệu đá bổ sung.

Hiện Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng ngành giao thông tỉnh đã ký hợp đồng với Phân viện Kinh tế xây dựng Miền Nam để xây dựng định mức cụ thể cho công nghệ cào bóc tái sinh trên địa bàn Tây Ninh, từ đó đánh giá hiệu quả kinh tế về công nghệ nhằm làm cơ sở để triển khai ứng dụng rộng rãi vào các công trình trên địa bàn tỉnh.

Thiên Tâm

data:
Liên kết hữu ích
Cơ sở thu mua sắt phế liệu Hòa Bình
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục