Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Sơ kết chuyên đề trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm
Thứ tư: 20:30 ngày 02/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sau hai năm triển khai, ngày 1.8, Sở GD&ĐT sơ kết việc thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021-2025.

Đại biểu dự hội nghị.

Lãnh đạo Phòng Giáo dục mầm non thuộc Sở GD&ĐT thông tin, 2 năm qua, Sở GD&ĐT đã kiểm tra 35,5% số cơ sở GDMN, Phòng GD&ĐT huyện, thị xã, thành phố đã kiểm tra 100% số cơ sở GDMN triển khai thực hiện chuyên đề (trong đó 37,9% số lượt kiểm tra riêng về chuyên đề, 62,1% số lượt kiểm tra lồng ghép, kết hợp với nội dung kiểm tra khác). Các cơ sở GDMN tự kiểm tra, rà soát, đánh giá việc thực hiện các tiêu chí xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm để bổ sung, hoàn thiện.

Qua kiểm tra, các đơn vị được hướng dẫn thực hiện chuyên đề ngày càng hiệu quả, đáp ứng các tiêu chí xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm. Từ năm học 2021-2022, Sở GD&ĐT thành lập Ban tư vấn hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn và đội ngũ giáo viên mầm non cốt cán với mục đích phối hợp các Phòng GD&ĐT, cơ sở GDMN tăng cường công tác quản lý, thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ.

Ban tư vấn được chia thành 3 cụm theo địa bàn, mỗi cụm có 1 cụm trưởng phụ trách xây dựng kế hoạch và tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo cụm 3 lần/năm học. Với mô hình hoạt động như trên, Ban tư vấn hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn và giáo viên mầm non cốt cán đã giúp Sở GD&ĐT xây dựng các mô hình điểm về thực hiện chuyên đề tại 9 huyện, thị xã, thành phố và nhân rộng mô hình có hiệu quả.

Sở GD&ĐT chỉ đạo các Phòng GD&ĐT xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất cho trường thực hiện điểm về chuyên đề của huyện, đồng thời hướng dẫn và giao trách nhiệm cho hiệu trưởng các cơ sở GDMN xây dựng kế hoạch cải tạo trường, lớp, sân vườn mua sắm thiết bị, đồ dùng đồ chơi phục vụ các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo tiêu chí xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm. Kết quả tổng kinh phí đầu tư chuyên đề trong 2 năm là hơn 20 tỷ đồng.

Năm học 2021-2022, Sở GD&ĐT tổ chức sinh hoạt chuyên môn các nội dung: nâng cao chất lượng tổ chức các hoạt động giáo dục; thảo luận xây dựng bộ tiêu chí đánh giá “xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” tại 3 cụm theo địa bàn (cụm 1: gồm huyện  Dương Minh Châu, thị xã Hoà Thành, thành phố Tây Ninh; cụm 2 gồm huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành và cụm 3 gồm thị xã Trảng Bàng, huyện Gò Dầu, Bến Cầu).

Khen thưởng cho tâp thể, cá nhân thực hiện tốt mô hình trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm.

Năm học 2022-2023, Sở GD&ĐT tổ chức sinh hoạt chuyên môn cho Ban tư vấn nghiệp vụ chuyên môn và giáo viên mầm non cốt cán với 2 nội dung: Hướng dẫn tổ chức các hoạt động giáo dục phát triển ngôn ngữ cho trẻ mẫu giáo; công tác tuyên truyền, phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng trong nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

Lãnh đạo Phòng Giáo dục mầm non đánh giá, sau hai năm thực hiện, cán bộ quản lý, giáo viên mầm non có sự thay đổi, chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về tầm quan trọng của quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm và việc xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm nhằm giúp trẻ phát triển toàn diện. Cơ sở GDMN đã thay đổi nhiều mặt tích cực: xây dựng môi trường nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục hướng đến trẻ; năng lực thực hiện Chương trình của cán bộ quản lý, giáo viên mầm non được cải thiện rõ rệt.

Việc xây dựng kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục linh hoạt, phù hợp với thực tế; phương pháp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục được đổi mới. Việc đánh giá sự phát triển của trẻ được nhận thức và thực hiện đúng mục đích, yêu cầu vì sự tiến bộ của trẻ; sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng trong nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ được nhận thức và thực hiện đúng định hướng “tất cả vì trẻ em”.

Quá trình triển khai thực hiện chuyên đề đã huy động được sự ủng hộ về vật chất và đồng thuận về tinh thần trách nhiệm, tăng sự gắn kết trách nhiệm gia đình với cơ sở GDMN trong nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Trẻ được quan tâm đúng mức trong việc tạo cơ hội “học mà chơi, chơi bằng học” để được phát triển toàn diện theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.

Hai năm triển khai thực hiện chuyên đề đã góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo các cơ sở GDMN, tác động rõ rệt nhằm nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ. Mặc dù vậy, đến nay, điều kiện thực hiện chuyên đề ở một số cơ sở GDMN còn chưa đảm bảo, đặc biệt tại các cơ sở GDMN độc lập. Đội ngũ giáo viên mầm non còn thiếu nhiều ảnh hưởng đến chất lượng tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

Nhiều bản tham luận của giáo viên, cán bộ quản lý bậc học mầm non tại hội nghị đều thống nhất rằng, việc lấy trẻ làm trung tâm trong cơ sở giáo dục mầm non là hoàn toàn đúng đắn, vì học sinh là trung tâm của mọi hoạt động giáo dục. Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, sau 2 năm thực hiện thí điểm, kết quả nổi bật nhất của chuyên đề là trẻ em thực sự được trở thành trung tâm trong mọi hoạt động của cơ sở GDMN.

Các cơ sở đã thay đổi nhiều mặt tích cực một cách rõ rệt, tăng cường sự phối hợp giữa cơ sở giáo dục với gia đình và cộng đồng. Theo số liệu thống kê từ Bộ GD&ĐT, một số địa phương còn rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất nhưng đã triển khai 100% số cơ sở GDMN trong tỉnh thực hiện chuyên đề lấy trẻ làm trung tâm như Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Cà Mau, An Giang... Để triển khai thí điểm, Bộ GD&ĐT đã chọn ra 8 tỉnh, thành phố đại diện 7 vùng trong cả nước, là Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Nội, Nghệ An, Đăk Lăk, Khánh Hoà, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Tháp.

Việt Đông

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục