Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Sơ kết vụ Đông xuân 2019-2020 khu vực Nam Bộ
Thứ bảy: 04:14 ngày 28/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 27.3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Đông xuân 2019-2020 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ Hè thu, Thu đông và vụ Mùa năm 2020 các tỉnh khu vực Nam Bộ.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh chủ trì hội nghị ở điểm cầu Trung ương. Tại điểm cầu Tây Ninh, ông Tạ Văn Đáo- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cùng lãnh đạo các đơn vị, phòng, ban trực thuộc Sở NN&PTNT tham dự hội nghị.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) vụ sản xuất lúa Đông xuân 2019-2020 có tổng diện tích gieo trồng tại các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là 1.618.200 ha, giảm 68.500 ha, năng suất ước đạt 68,54 tạ/ha, tăng 1,23 tạ/ha; sản lượng ước đạt 11.090 nghìn tấn, giảm 261 nghìn tấn so với cùng kỳ.

Nhìn chung, tình hình xuống giống lúa vụ Đông xuân 2019-2020 tại các tỉnh khu vực ĐBSCL được triển khai sớm từ 20-30 ngày né hạn, mặn; thời tiết thuận lợi giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, sâu bệnh ít, cho năng suất cao.

Vụ sản xuất Đông xuân 2019-2020, diện tích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa tại các tỉnh Nam Bộ ước đạt 41.570 ha (ĐBSCL ước đạt 41.320 ha và Đông Nam Bộ ước đạt 430 ha). Trong đó, chuyển đổi cây trồng hàng năm là 32.648 ha, cây ăn quả là 8.922 ha và nuôi trồng thủy sản là 719 ha; thực hiện cánh đồng lớn ước đạt 170.000 ha, tăng hơn 50.000 ha so với vụ Đông Xuân 2019-2020. Tuy vậy, quy mô này vẫn còn chiếm tỷ lệ thấp trong toàn diện tích sản xuất.

Tuy nhiên, vụ sản xuất Đông Xuân 2019-2020 do tác động của tình hình khô hạn, xâm nhập mặn đến sớm, gây thiếu nước ngọt làm ảnh ưởng không nhỏ đến diện tích, sản lượng và năng suất cây trồng, nhất là tại các tỉnh ĐBSCL. Thêm vào đó, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm giá một số mặt hàng nông sản xuống thấp.

Theo Tổng cục Thủy lợi, hiện nay khu vực Nam Bộ đang vào cao điểm mùa khô, tình hình hạn, mặn đã xuất hiện sớm vào đầu mùa khô và ngày càng gay gắt so với trung bình nhiều năm. Bên cạnh đó, tình hình dịch hại trên cây trồng như khảm lá mì (sắn) là 37.443,6 ha, tăng 482,2 ha so với cùng kỳ năm trước; sâu keo mùa thu gây hại 506,8 ha bắp (ngô); bệnh đốm nâu, chổi rồng, sâu đục trái...

Nông dân thu hoạch lúa vụ Đông Xuân 2019-2020.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, dự báo trong thời gian từ tháng 4 và tháng 5 sắp tới, thời tiết khu vực Nam Bộ tiếp tục ít mưa, lượng nước trên các sông, hồ trong khu vực thấp hơn trung bình nhiều năm, tình hình xâm nhập mặn tại các tỉnh ĐBSCL sẽ duy trì đến cuối tháng 4, sau đó có xu thế giảm dần.

Dự kiến, kế hoạch sản xuất lúa vụ Hè Thu năm 2020 toàn vùng sẽ xuống giống 1.627.500 ha, năng suất khoảng 56,41 tạ/ha, sản lượng là 9.181.000 tấn; vụ lúa Thu Đông 2020, vùng ĐBSCL gieo sạ 750.000 ha, năng suất 55,35 tạ/ha, sản lượng 4.151 nghìn tấn; vụ Mùa 2020, toàn vùng thực hiện xuống giống 278.000 ha, năng suất 49 tạ/ha, sản lưởng 1.363 nghìn tấn. Phấn đấu thực hiện kế hoạch năm 2020, tổng diện tích lúa cả vùng là 4.273,9 nghìn ha, năng suất 60,33 tạ/ha và sản lượng đạt 25.786 nghìn tấn, giảm 62.260 ha so với năm 2019.

Phát biểu kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhận định, mặc dù vụ sản xuất Đông Xuân 2019-2020 vùng Nam Bộ bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình hình thời tiết khô, hạn và xâm nhập mặn nhưng nhờ sự chỉ đạo, nỗ lực của các địa phương cũng như nông dân, cả vùng đã có vụ sản xuất khá thắng lợi, bảo đảm năng suất và sản lượng tăng so với cùng kỳ năm trước

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, hiện cả vùng còn trên 15% diện tích lúa chưa thu hoạch, vì vậy ông đề nghị các địa phương có giải pháp bảo vệ, bảo đảm an toàn cho diện tích này. Theo dự báo tình khô hạn sẽ kéo dài đến tháng 5, các địa phương nên có phương án nước tưới cho diện tích cây ăn trái.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh lưu ý, việc triển khai kế hoạch vụ sản xuất lúa Hè Thu, các địa phương phải tiếp tục các giải pháp né hạn, mặn; vụ Thu Đông cần chú ý đề phòng nước lũ trong mùa nước nổi, tập trung sử dụng các giống ngắn ngày. Bên cạnh đó các địa phương có phương án sử dụng nguồn nước tưới tiết kiệm, hiệu quả, tùy tình hình thực tế có phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, thích ứng với tình hình hạn mặn, quan tâm thực hiện công tác phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng.

Minh Dương

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục