BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sở NN và PTNT Tây Ninh: Triển khai “Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2009-2015, định hướng đến 2020”

Cập nhật ngày: 23/06/2009 - 05:53

Nghề làm bánh tráng

Hội nghị tổ chức ngày 18.6.2009. Đến dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân; lãnh đạo Phân viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh và lãnh đạo các huyện, thị.

Tại hội nghị, lãnh đạo Sở NN&PTNT công bố Quyết định số 26/2009/QĐ-UBND, ngày 27.5.2009 của UBND tỉnh về việc ban hành “Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2009-2015 và định hướng đến năm 2020”. Nội dung Quyết định số 26/2009/QĐ-UBND cho biết: Mục tiêu của Dự án là bảo tồn và phát triển một số làng nghề truyền thống như: sản xuất bánh tráng, mây tre đan, làm nhang, mộc gia dụng…; đồng thời xây dựng, hình thành và phát triển các làng nghề mới gắn với lợi thế của từng địa phương làm cơ sở xây dựng các chương trình kế hoạch cho phát triển ngành nghề nông thôn (NNNT) kết hợp với phát triển thương mại du lịch trên địa bàn tỉnh. Nâng tỷ trọng lao động NNNT lên từ 6-8% trong tổng lao động xã hội, góp phần tạo việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn. Thu nhập bình quân đầu người từ ngành nghề đến năm 2015 tăng gấp 1,85-1,9 lần so với năm 2007; đạt từ 17-18 triệu đồng/người/năm (tính riêng trong lĩnh vực NNNT), đến năm 2020 đạt 22,6 triệu đồng/người/năm. Tăng giá trị sản lượng NNNT trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2009-2020 bình quân 9-9,5%. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm khu vực NNNT đạt trên 10 triệu USD vào năm 2015 và 15 triệu USD năm 2020 (chiếm 22-25% tổng giá trị sản lượng NNNT). Nội dung quy hoạch chủ yếu: Bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống: làm bánh tráng, mây tre đan, làm nhang, mộc gia dụng; bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống: Làm bánh tráng ở Trảng Bàng; mây tre đan ở xã An Hoà (Trảng Bàng), xã Long Thành Bắc (Hoà Thành); làm nhang xã Long Thanh Bắc; mộc gia dụng xã Hiệp Tân (Hoà Thành). Phát triển làng nghề truyền thống với du lịch; đồng thời phát triển các làng nghề mới như sản xuất kinh doanh sinh vật cảnh; chế biến bảo quản rau, hoa, quả. Xây dựng 9 dự án ưu tiên đầu tư phát triển NNNT trên địa bàn tỉnh. Khái toán tổng vốn đầu tư của Dự án là 387,057 tỷ đồng. Hiệu quả kinh tế của Dự án, đến năm 2015, tổng giá trị sản lượng NNNT trên địa bàn tỉnh đạt 656,65 tỷ đồng, đến năm 2020 giá trị sản lượng đạt 1.114 tỷ đồng.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân nhắc nhở các ngành, các huyện, thị phải nhận thức sâu sắc các văn bản phát triển NNNT để chủ động thực hiện một cách đúng đắn, nhất là các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh, trước hết là Sở NN&PTNT, Sở Công thương, Liên minh hợp tác xã… để triển khai các chương trình dự án đầu tư phát triển NNNT trên địa bàn; phối hợp với Trung tâm Khuyến công chọn, xây dựng dự án và tổ chức các mô hình trình diễn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật-công nghệ vào sản xuất; chủ động hướng dẫn xã, ấp tiến hành làm hồ sơ và tổng hợp trình UBND tỉnh công nhận nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống; có kế hoạch cụ thể khôi phục và phát triển nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống. UBND xã, và các ấp (có làng nghề) chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển ngành nghề theo chỉ đạo của UBND huyện, thị xã, các sở, ngành tỉnh; hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh NNNT đăng ký kinh doanh và thực hiện tốt chủ trương chính sách của Chính phủ về phát triển NNNT theo quy hoạch, đạt hiệu quả.

D.H


 
Liên kết hữu ích