Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
"Số phận" môn lịch sử - cần sớm có quyết định dứt khoát
Thứ tư: 00:34 ngày 01/06/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tại thời điểm này, môn Lịch sử cấp THPT, trên nguyên tắc, là môn tự chọn nhưng đang có nhiều ý kiến đề nghị đưa môn học này trở lại thành môn học bắt buộc. Nhiều hiệu trưởng trường THPT trên địa bàn tỉnh cho biết, cán bộ quản lý, giáo viên không biết làm gì hơn ngoài chờ đợi.

Học sinh lớp 9 Trường THCS thị trấn Tân Biên trong giờ chào cờ đầu tuần. Ảnh minh hoạ

Năm học 2021-2022 đã kết thúc. Trong những vấn đề đặt ra cho năm học mới 2022-2023, Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đã và đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội, trong đó có môn Lịch sử. Tại thời điểm này, môn Lịch sử cấp THPT, trên nguyên tắc, là môn tự chọn nhưng đang có nhiều ý kiến đề nghị đưa môn học này trở lại thành môn học bắt buộc. Nhiều hiệu trưởng trường THPT trên địa bàn tỉnh cho biết, cán bộ quản lý, giáo viên không biết làm gì hơn ngoài chờ đợi. Một số ý kiến cho rằng, việc sửa chương trình để môn Lịch sử thành môn học bắt buộc là không thể, vì không đủ thời gian.

ĐỀ XUẤT LÙI TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH

Hiệu trưởng một trường THPT ở Gò Dầu cho biết, trước khi cụ thể hoá chương trình giáo dục phổ thông mới, trong một đợt tập huấn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có khá nhiều ý kiến đề nghị Bộ GD&ĐT không nên đưa môn Lịch sử thành môn tự chọn, vì khi đó, phần lớn học sinh sẽ không chọn môn học này, như vậy, hiểu biết về lịch sử sẽ mai một. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông mới đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua, trên cơ sở này, Bộ GD&ĐT cụ thể hoá chương trình, xây dựng các môn học.

Cũng tại thời điểm trước năm 2018 (khi chương trình giáo dục phổ thông mới chuẩn bị triển khai), Bộ GD&ĐT cho biết, trên thực tế, rất ít học sinh yêu thích môn học Lịch sử. Mặt khác, cấp THPT, theo chươnng trình mới, là cấp học có tính hướng nghiệp, do đó, cùng một số môn học khác, Lịch sử thành môn tự chọn.

“Tại thời điểm đó, thực ra chỉ là bàn bạc, ý kiến thế này thế nọ chứ thực ra, quyết định về chương trình giáo dục phổ thông mới đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua từ năm 2015, không thể thay đổi được gì cả.

Hôm rồi tôi có xem ti vi, thấy nhiều ý kiến đề nghị đưa môn Lịch sử trở lại thành môn học bắt buộc. Tôi ủng hộ đề nghị này vì hai lý do: toàn bộ học sinh THPT cần biết lịch sử dân tộc, quốc tế và chỉ như vậy, giáo viên môn Lịch sử mới có việc làm”.

Vị hiệu trưởng cũng lưu ý, muốn đưa môn Lịch sử trở lại thành môn học bắt buộc thì phải chờ những năm học tiếp theo, năm học 2022-2023 không thể thực hiện được, vì thời gian không còn, “sách giáo khoa lớp 10 in rồi, chương trình cũng thông qua, không thể muốn sửa là sửa, dù muốn hay không cũng phải chấp nhận chương trình mới, không thể đảo lộn được”.

Hiệu trưởng một trường THPT ở thị xã Hoà Thành nêu ý kiến, môn Lịch sử thành môn tự chọn không đồng nghĩa với việc toàn bộ học sinh không học môn này, tức Lịch sử cùng một số môn học khác thành tự chọn là đúng tinh thần đổi mới, hướng nghiệp ở cấp THPT.

“Nhưng nói thật, một số giáo viên dạy Lịch sử trường tôi đang tâm tư, họ cảm thấy môn này không còn được xem trọng, rồi tương lai của giáo viên ra sao, nếu quá ít học sinh chọn môn học này.

Qua trao đổi, giáo viên trường tôi hy vọng có sự thay đổi để Lịch sử vẫn là môn học bắt buộc”- vị hiệu trưởng nói. Cũng như ý kiến của người đồng nhiệm, thời gian đã quá gấp, không thể sửa chương trình tổng thể để đưa môn Lịch sử trở lại thành môn bắt buộc, vì sách giáo khoa đã in, việc chọn bộ sách giáo khoa nào để dạy và học đã xong, không thể thay đổi.

Trong khi đó, hai vị hiệu trưởng khác cho biết, nhà trường đã xây dựng xong phương án sắp xếp, bố trí các lớp học để học sinh, ngoài 5 môn học bắt buộc và hai hoạt động giáo dục khác, chọn theo từng nhóm môn.

“Thật lòng, tôi đang cảm thấy vô cùng bối rối, trong khi chỉ còn vài tháng nữa, năm học mới sẽ bắt đầu. Nếu có thay đổi gì, các cấp có thẩm quyền cần quyết định sớm để nhà trường còn biết sắp xếp, bố trí đội ngũ giáo viên. Mong Quốc hội, Chính phủ sớm có quyết định, thay đổi được thì tốt nhưng chắc không thể kịp, muốn làm lại phải có lộ trình và bước đi phù hợp”- cả hai vị hiệu trường nêu ý kiến.

“Vài ngày nữa tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023, chúng tôi đã lên phương án bố trí, xếp lớp, làm kế hoạch tuyển sinh để nộp Sở GD&ĐT nhưng bây giờ môn học này chưa được quyết định, chúng tôi chưa biết phải làm sao”- hiệu trưởng một trường THPT ở TP. Tây Ninh cho biết.

Vị này đồng thời đề xuất, trước tình hình này, nên chăng các cấp có thẩm quyền lùi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp THPT qua năm học sau. “Nếu quyết định lùi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp THPT, tôi nghĩ ai cũng hoan nghênh”- vị hiệu trưởng nêu.

Xin nhắc lại, tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021 do Bộ GD&ĐT tổ chức, có sự tham gia chỉ đạo của Thủ trướng Chính phủ, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An gây bất ngờ khi ông này đề nghị nên lùi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp THPT thêm khoảng hai năm.

“Còn vài tháng nữa khai giảng năm học mới, việc sửa đổi (để Lịch sử thành môn bắt buộc) chắc chắn không thực hiện được. Chương trình giáo dục phổ thông mới triển khai từ năm học 2020-2021 và trước đó, năm 2018, Bộ GD&ĐT, trên cơ sở nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, đã ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện.

Hơn bốn năm qua không thấy ai có ý kiến gì, giờ chuẩn bị triển khai chương trình và sách giáo khoa mới, mọi chuyện bỗng dưng làm ầm ĩ. Có muốn thay đổi gì cũng phải chờ năm học sau, còn năm học 2022-2023 không thể thay đổi được”- đại diện Nhà xuất bản ĐHSPTP trao đổi với phóng viên Báo Tây Ninh vào chiều 30.5.

KHÔNG THỂ “ĐẼO CÀY GIỮA ĐƯỜNG”

Như đã đề cập, chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp THPT bỗng trở thành “điểm nóng thông tin” sau khi một bản tin thời sự được phát trên VTV1 nói về việc chuẩn bị triển khai chương trình này. Trên thực tế, cột mốc đầu tiên thay đổi chương trình giáo dục phổ thông mới đã ban hành cách nay 9 năm (Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương Đảng).

Sau đó, Quốc hội, Chính phủ và Bộ GD&ĐT thông qua theo quy định, thẩm quyền được giao. Điều đáng tiếc, gần 10 năm qua, không mấy người quan tâm đến sự thay đổi lớn lao này, kể cả nhiều người trong ngành Giáo dục.

Thậm chí, chính những người từng bỏ phiếu thông qua chương trình giáo dục phổ thông mới cũng không nắm chắc nội dung, vì thế, bây giờ họ phủ định lại chính những nội dung trước đó ủng hộ.

Ngày 22.5, trong phiên họp toàn thể, Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục của Quốc hội đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp thu, nghiên cứu sửa chữa chương trình giáo dục phổ thông mới để Lịch sử thành môn học bắt buộc đối với tất cả học sinh THPT.

Trên nguyên tắc, nếu sửa chương trình giáo dục phổ thông mới thì phải sửa lại toàn bộ chương trình, từ lớp 6 đến lớp 12. Điều này không hề đơn giản và việc sửa đổi, nếu có, không thể làm trong một sớm một chiều, tức trong năm học 2022-2023.

Cùng một số môn khoa học cơ bản khác, Lịch sử đã và đang trở thành bài toán khó giải của Bộ GD&ĐT. Nếu chỉ đưa môn Lịch sử trở lại thành môn học bắt buộc, vậy những môn khoa học cơ bản khác như Hoá học, Vật lý, Sinh học, Địa lý… sẽ như thế nào, tự chọn hay bắt buộc? Trường hợp kiên quyết đưa riêng môn Lịch sử trở lại thành môn học bắt buộc, về mặt chuyên môn, sẽ rất khó dạy môn học này cho học sinh đại trà, vì nội dung môn học thiết kế theo tinh thần chuyên sâu để chọn nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp THPT (khác thông sử, lịch sử thường thức).

Một điều nữa, giả thiết, học sinh thật sự được quyền chọn môn học cho mình, giáo viên nhiều môn học này sẽ không có việc làm. Thực tế cũng chứng minh rằng, việc để cho học sinh có toàn quyền lựa chọn môn học sẽ khó xảy ra.

Chương trình phân ban THPT năm 2005 là một ví dụ. Thời gian đã rất gấp, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm quyết định về số phận môn Lịch sử để cơ sở giáo dục có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho năm học 2022-2023.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục