Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Số phận một vườn chim
Thứ tư: 11:27 ngày 28/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Xin trở lại với vườn chim thành phố Tây Ninh. Bởi một lý do đơn giản này thôi. Có lẽ mùa Ðông Xuân này là mùa cuối với vườn chim. Vậy thì hỡi những ai yêu chim, những nhà nhiếp ảnh từng cả đời mải miết săn một khoảnh khắc của vũ điệu chim cò xin hãy ra ngay để ngắm, hoặc ghi lại những hình ảnh, mà sau này sẽ khó gặp lại trong thời buổi từ làng quê tới phố phường đang nô nức đô thị hoá!

Vườn chim những năm trước.

Một bài hát của thiếu nhi có những câu: “Em yêu chim, em mến chim/ Vì mỗi lần chim hót, em vui”. Có lẽ nhiều người lớn nay còn thuộc và vẫn giữ được tình yêu đó. Xa xôi hơn thì tìm lại ca dao. Ðã có bao nhiêu câu tuyệt hay chỉ viết về cò. Có biểu tượng nào hay hơn cánh vạc, cánh cò khi viết về người nông dân? Cần cù lao động là “con cò lặn lội”. Kiêu hãnh, lạc quan là “con cò bay lả bay la”. Cò luôn là bạn với người nông dân, khi thì lội theo luống cày vừa lật để tìm con tôm con tép. Chốc chốc lại bay lên giữa cánh đồng bát ngát như chỉ để làm vui mắt cho người.

Có phải cái cơ duyên giữa nông dân và loài cò đã khiến người Việt có tình cảm đặc biệt với các loài chim nói chung, và cò vạc nói riêng. Và tình cảm ấy đã lưu truyền trong máu người Việt, đời này qua đời khác. Ðể tới một chiều hôm cách nay 11 năm, ông Hà Huyền Mộng thấy đàn cò đến đậu qua đêm trên những cây tràm nước ruộng nhà. Và thế là, ông đã trồng thêm cả tới 5 công (5.000m2) cây tràm, làm nơi cho cả bầy cò về nghỉ đêm sau một ngày lặn lội. Dần dà đã có một vườn chim.

Thế mà, khi nói đến vườn chim, nhiều người Tây Ninh chỉ liên tưởng đến những vùng đất xa xôi tận miền Tây Nam bộ. Họ đi tham quan, du lịch về thường vui chuyện kể. Nào những vườn chim ở Cần Thơ, Bạc Liêu hay đất mũi Cà Mau… Không nhiều người biết rằng, ngay thành phố Tây Ninh của mình cũng có một vườn chim. Vườn ấy ở khu phố 4, phường 3, thành phố Tây Ninh.

Kể từ năm 2007, vườn chim này đã có. Vài năm đầu, ông Mộng còn chưa đủ lực để rào hết đất vườn ruộng. Gần vườn, có miếng gò nổi lên giữa ruộng; cũng là nơi từng có người lạ đến giăng lưới lừa bắt cả bầy chim sáo. Thậm chí có người mang súng hơi đến rình rập bắn chim.

Sau đấy ít năm, ông Mộng đã tìm cách rào rấp toàn bộ khu vườn lại. Chim cò từ đấy về ngủ trong vườn mỗi lúc mỗi thêm đông. Riêng loại cò di trú có hàng ngàn con về mỗi tối. Các loại chim cò bản địa, lẫn cò di trú, vườn chim là nơi trú ngụ của cả chục ngàn cá thể chim, cò.

Vườn chim cũng có mùa của mình, khá gần với hai mùa của con người miền Ðông. Quanh năm đến vườn là các loài chim, cò bản địa. Mà rõ nhất là các loại cò ruồi, cồng cộc, chim sáo… Ðến cuối tháng 9 âm lịch, hay đầu tháng 11 dương lịch thì những đàn cò di trú mới bay về. Mà đông nhất là loài cò Bắc sang trọng với bộ lông trắng muốt. Thân cò to hơn hẳn các loài chim bản địa quê ta. Tới đầu mùa khô, vườn chim mới xuất hiện từng đàn cò Bắc. Có lúc nhiều đàn về cùng lúc, quyện vào nhau như một cơn lốc xoáy cuộn tròn trên rừng tràm trước khi sà xuống.

Năm công tràm nước của vườn chim trở nên chật chội. Chim về đậu trắng ngọn, cành cây. Và xen lẫn trong những đám mây cuộn tròn như xoáy lốc ấy, ta vẫn nhận ra những cánh chim đen mực tàu của loài chim cồng cộc. Và cả những bầy sáo lao nhanh như tên bắn từ mọi hướng bay về. Năm nay, tình hình nước lũ miền Tây có hơi khác lạ chăng, mà cò di trú về muộn. Ðến giữa tháng 11 rồi mới thấy cảnh tượng vườn chim đông vui như vài năm trước. Có lẽ chúng đã cảm nhận, thấy mối nguy hiểm đang rình rập?

Quả nhiên có mối nguy ấy thật! Ông Hà Huyền Mộng cho hay dù đã cố gắng bảo vệ, duy trì để giữ vườn chim trong suốt thời gian qua, nhưng bây giờ “lực bất tòng tâm”. Áp lực đời sống đã khiến ông phải bán đi một phần đất có rừng tràm. Sắp tới, số phận vườn chim sẽ được định đoạt bởi chủ mới. Mà không lẽ người ta mua đất về, lại chỉ để làm nơi đậu ngủ của chim trời?

Có đến tận nơi, vào tận vườn tràm mới biết những nỗ lực của người đàn ông vốn rất yêu chim cò hoang dã. Vườn nhà ông luôn phủ trắng phân cò. Không gian sặc một mùi tanh tưởi. Năm công tràm không đủ, nên chim cò đậu lan sang các khoảnh vườn trồng cây sanh và tre bát độ. Có năm nước ngập, chim về làm tàn lụi cả vườn tre. Mà thu nhập từ vườn chim nào có được gì. Ông chỉ tận dụng được diện tích ao dưới rừng tràm để nuôi cá lóc, mỗi năm cũng chỉ thu được vài trăm ký.

Thật chẳng mấy ai ngờ vườn chim giữa một vùng bán ngập cận kề sông lại thuộc về một phường có mức độ đô thị hoá cao. Khu phố 4 được bao quanh toàn các phố lớn như Võ Thị Sáu, Hoàng Lê Kha, Nguyễn Trãi với bề thế các công trình lấp lánh kính nhôm hiện đại. Khu phố này còn trườn qua đại lộ 30.4 mà xuống tận mé rạch Tây Ninh. Người dân trên đại lộ này đã tận dụng địa hình để khai thác nguồn lợi môi trường với nhiều quán ăn, quán cà phê sinh thái. Nhưng, tất cả những lợi thế mà người dân đã tận dụng ấy còn chưa đáng là bao với cảnh sắc một vùng ruộng đồng, sông nước bao bọc mà chim cò đã chọn. Ðấy là rạch Tây Ninh qua đây khá rộng, bờ bên kia bát ngát những rừng keo lá tràm. Bờ bên này lại mọc nhiều loại cây hoang dã như dứa dại, bình bát…

Ở cuối đường dọc bờ rạch, còn có vài cây bã đậu đã bật gốc lên mà vẫn sống, lá xanh um. Vào các buổi chiều, thường có vài tốp bạn trẻ xuống khúc sông này câu cá. Cái gò có mấy cây ổi kia là nơi từng có nhiều tốp học sinh các Trường Trần Ðại Nghĩa, Nguyễn Hiền… xuống để ngắm chim cò. Còn gì thú vị hơn là trong ánh hoàng hôn rực rỡ, những cánh chim hoang hoải bay về quần tụ, để tạo nên vô số những tạo hình tuyệt tác giữa thiên nhiên. Không gian như sôi sục lên, trong vũ điệu mê hồn của các loại cò giang cánh, co chân đáp xuống ngọn cây khi chiều dần buông xuống.

Ông Mộng tâm sự: hồi mới có vườn chim, có vài vị lãnh đạo Thành phố (khi ấy còn Thị xã) tới tận nơi xem và hứa hẹn về bàn bạc, đưa ra kế sách để duy trì, gìn giữ vườn chim. Nhưng 11 năm trôi qua. Những người ấy cũng nghỉ hưu, nhưng chưa có một sự hỗ trợ nào từ tỉnh hay thành phố, ngoài một tấm biển cấm người săn bắt chim hoang dã, do Cục Kiểm lâm tỉnh đến làm cho.

Nhớ những năm qua, cứ đến các ngày kỷ niệm về môi trường hay đa dạng sinh học là tỉnh và thành phố đều tổ chức các hoạt động tuyên truyền, lễ lạt phát động có diễu hành rầm rộ. Quy hoạch Thành phố cũng đã đưa khu vực có vườn chim vào khu dự trữ sinh thái cho Thành phố. Thế nhưng, chưa có một hành động cụ thể nào đối với một địa điểm có môi trường sinh thái đặc biệt, với sự đa dạng bậc nhất, hứa hẹn nhiều tiềm năng du lịch ở tương lai.

Ngày cáo chung của vườn chim sắp cận kề. Muốn giữ lại cho Thành phố một vốn liếng sinh thái độc nhất vô nhị này, cần phải có một giải pháp nhanh chóng, sáng tạo và đột phá.

TRẦN VŨ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục